Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam,ầmnhìnmớipháttriểnbềnvữngngànhdệtmayViệtNamtrướcđạidịkqbd hn hom nay thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. |
Năm 2015, ngành dệt may thế giới tiêu thụ 79 tỷ m3 nước, phát thải 1.715 triệu tấn CO2 và 92 triệu tấn chất thải. Nếu duy trì cách thức sản xuất cũ, con số này sẽ tăng ít nhất 50% vào năm 2030.
Nhận thức rõ vấn đề đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã đặt ra cam kết phát triển bền vững với mục tiêu đến năm 2030 chuyển đổi xanh hóa, tạo việc làm, cải thiện đời sống người lao động Việt Nam theo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, để làm được điều đó, rất cần những giải pháp và sự đồng hành của doanh nghiệp-nhãn hàng-tổ chức quốc tế.
Doanh nghiệp xây dựng tầm nhìn mới
Theo ông Vũ Đức Giang-Chủ tịch VITAS, để phát triển bền vững, tham gia và cạnh tranh trong chuỗi cung ứngcủa ngành thời trang thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng tầm nhìn mới, phải có khát vọng khẳng định vị thế của mình.
Ngành dệt may Việt Nam không cạnh tranh lao động giá rẻ mà cạnh tranh về chất lượng, công nghệ, năng suất, thời gian giao hàng, minh bạch, tiết giảm tối đa năng lượng, tài nguyên, môi trường; đầu tư công nghệ hiện đại, bắt kịp xu thế của ngành thời trang thế giới, đáp ứng chuẩn mực quốc tế về lao động và môi trường theo tư vấn của các tổ chức đánh giá toàn cầu; trong đó có Better Work; gắn kết với các nhãn hàng quốc tế trên tinh thần hợp tác cùng thắng, cùng chia sẻ trách nhiệm rủi ro.
Ông Trần Như Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty dệt Thành Công, Trưởng ban Phát triển bền vững VITAS cho rằng, trước mắt, việc đầu tư thực hành các tiêu chuẩn phát triển bền vững có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng về lâu dài uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ ngày càng tốt hơn, có thể nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư mới. Như mới đây, một cổ đông trong nước đã mua một lượng lớn cổ phiếu sau khi nhận thấy giá trị, uy tín cao của Thành Công về môi trường và lao động.
Dưới góc độ nhà nghiên cứu, Tiến sỹ Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) cho rằng, các doanh nghiệp phải nâng cao giá trị sản xuất thì mới có được nguồn lực đầu tư cho thực hành tiêu chuẩn về lao động và môi trường; xây dựng được quan hệ trực tiếp, lâu dài với các nhãn hàng, chủ động thương lượng về chia sẻ khó khăn.
Kết quả khảo sát gần đây của ERC cho thấy, nếu doanh nghiệp chỉ làm gia công, lợi nhuận thấp, thường xuyên bị ép giá, thì không cách gì có được nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững, thậm chí rơi ra khỏi chuỗi cung ứng.
Chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp, ông James Phillips - Phó Chủ tịch Tập đoàn may mặc TAL cho rằng, lợi nhuận là yếu tố đầu tiên, không có lợi nhuận thì doanh nghiệp không thể tồn tại, nhưng để phát triển bền vững, lợi nhuận phải có cách thức đúng.
Chia sẻ “bí quyết” của TAL, ông James cho biết đó là việc tiết kiệm 1% vải và quy trình giặt khoa học. Nhà máy TAL sản xuất khoảng 2 triệu áo sơmi/năm. TAL đã xây dựng bộ phận quản lý nguyên liệu độc lập, thiết lập tiêu chuẩn riêng biệt cho từng loại vải, tối ưu hóa marker (sơ đồ cắt bàn vải), quản lý thất thoát, sử dụng phòng mẫu, chuyền nhỏ để lấp đầy hiệu suất, phân loại và tận dụng vải vụn, với chi phí trung bình 2,5 USD/yard, 1% tiết kiệm vải đã giúp TAL tiết kiệm tối thiểu 90.000 USD, 37 triệu lít nước và 64.000 kg khí CO2. Với quy trình phun ẩm, xếp tầng tái sử dụng nước… chỉ với hệ thống giặt cũ, lượng nước sử dụng cho một chiếc áo hàng công nghệ cao của TAL đã giảm từ 11 lít xuống còn 1,5 lít.
Nhưng để làm được những điều trên, ông Vũ Đức Giang cho rằng, các doanh nghiệp cần phải có nguồn lực, con người, phải coi lực lượng lao động có tay nghề là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần xây dựng nguồn lực quản trị và nguồn lực sản xuất có khả năng cạnh tranh với dòng sản phẩm tương tự của các nước trong khu vực; tận dụng hiệu quả những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại bằng cách ưu tiên tìm kiếm, đầu tư và sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước.
Chia sẻ về việc cần phải liên kết chuỗi, ông Vũ Đức Giang cho rằng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, liên kết chuỗi giúp các doanh nghiệp phát huy được thế mạnh riêng của mình và tận dụng được thế mạnh của tập thể. Ông Giang cho biết, trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, nếu không có sự liên kết chuỗi của VITAS, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không thể thực hiện được đơn hàng lên đến hàng tỷ khẩu trang giao cho Pháp và Mỹ chỉ trong một tháng.
Đồng quan điểm, ông Trần Như Tùng cho rằng, mọi người đều biết là muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi chung với nhau. Khi các doanh nghiệp được đánh giá là phát triển bền vững sẽ mang lại giá trị cho cả ngành dệt may Việt Nam. Khi đó các nhãn hàng thế giới sẽ nhìn Việt Nam ở một con mắt khác, đơn hàng từ các quốc gia khác được chuyển sang Việt Nam là có thể xảy ra. Ông Tùng cho biết, thời gian tới, Thành Công có thể đứng ra đầu tư máy móc, công nghệ cho phòng LAB (nghiên cứu) để cùng các doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu sẽ được chia sẻ cho các doanh nghiệp cùng tham gia.
Nhãn hàng cần đồng hành cùng nhà cung ứng
Theo Tiến sỹ Đỗ Quỳnh Chi, khảo sát gần đây của ERC cho thấy, có đến gần 50% nhãn hàng, đặc biệt là các nhãn hàng lớn cho biết, họ chỉ mua hàng từ các nhà máy lớn, từ 1.000 lao động trở lên, vì cho rằng các nhà máy nhỏ hơn không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và trách nhiệm xã hội. Nhưng nếu không có cánh cửa nào mở ra cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), các doanh nghiệp sẽ rơi vào chuỗi cung ứng của các discounter (các nhà kinh doanh giá rẻ) và nó sẽ dẫn đến “cuộc đua xuống đáy” cho toàn bộ ngành thời trang.
Do vậy, mặc dù, Việt Nam đã có nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng các nhãn hàng có vai trò rất quan trọng trong việc mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp; cần có chính sách tạo cơ hội, hỗ trợ các SME về công nghệ, quản lý, đặc biệt là việc thực hành các tiêu chuẩn phát triển bền vững để các doanh nghiệp có thể dần đảm bảo được năng lực tham gia vào các chuỗi cung ứng bền vững. Các nhãn hàng nên hợp tác với VITAS cùng các cơ quan chức năng Việt Nam để lập danh sách các doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt các tiêu chuẩn hỗ trợ.
Dẫn ví dụ về HT - một doanh nghiệp may mặc ở Quảng Nam từ chỗ chỉ có 500 công nhân năm 2008, bà Chi cho biết, sau khi nhận được sự hỗ trợ của một nhãn hàngNhật Bản, doanh nghiệp đã phát triển lên hơn 5.000 lao động, sản xuất được các đơn hàng ODM (nhà cung ứng tham gia ngay từ khâu thiết kế) cho nhãn hàng Nhật Bản và Mỹ.
Ngoài ra, theo bà Đỗ Quỳnh Chi, đại dịch COVID-19 còn cho thấy, chìa khóa để giảm thiểu tác động tiêu cực đó là quan hệ hợp tác lâu dài cùng thắng, cùng chia sẻ rủi ro đã giúp nhãn hàng và nhà cung ứng vượt qua được đại dịch. Do vậy, các nhãn hàng cần ưu tiên mua hàng từ các nhà máy tuân thủ và cải thiện tốt về lao động, môi trường; chia sẻ chi phí tuân thủ và cải thiện; rà soát việc thực hành mua sắm xem có tác động tiêu cực đối với khả năng tuân thủ của nhà máy hay không thì mới có thể khuyển khích, tạo nguồn lực cho nhà cung ứng tái đầu tư, thực hiện tốt các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. |
Về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang và ông Trần Như Tùng cho biết, trong năm 2020, con số hủy đơn hàng đã lên đến gần 200 triệu USD. Nhiều nhãn hàng vẫn chưa có sự liên kết giữa chính sách mua hàng với năng lực tuân thủ của nhà máy, thậm chí còn mua hàng nhiều hơn ở những nhà cung ứng tuân thủ kém hơn. Cuộc chơi cần có sự công bằng trong mức tối thiểu. Các nhãn hàng cần chia sẻ thực hành mua hàng có trách nhiệm với các doanh nghiệp Việt Nam. Có như vậy, nền công nghiệp thời trang thế giới mới có cơ hội phát triển bền vững, người tiêu dùng có được sản phẩm phù hợp với xu thế, với khả năng tài chính.
Theo ông Vũ Đức Giang, các tổ chức quốc tế muốn giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững cần hiểu rằng, lý do các doanh nghiệp Việt Nam tìm đến nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển bền vững chính là lãi suất và lãi suất đó phải thấp hơn lãi suất ngân hàng thương mại. Doanh nghiệp Việt Nam không cần cho vay mua máy móc, xây dựng nhà xưởng, mà cần các tổ chức quốc tế cho vay phát triển môi trường, đặc biệt là công nghệ xử lý nước thải, sử dụng tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo …
Ông Trần Như Tùng chia sẻ, việc các tổ chức tài chính quốc tế yêu cầu mức đầu tư phải từ 100 triệu USD mới hỗ trợ lãi suất là chưa phù hợp. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư 100 triệu USD cho dệt may là không nhiều, chỉ có vài doanh nghiệp FDI là có thể đáp ứng. Ngay cả Tập đoàn Thành Công năm nào cũng đầu tư, nhưng năm nay cũng chỉ đầu tư khoảng 15 triệu USD.
Do vậy, các tổ chức tài chính quốc tế nên có những định mức hợp lý hơn cho doanh nghiệp Việt Nam như: đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể là vài ba trăm nghìn USD, lớn hơn thì 5-7 triệu hay 15-20 triệu USD. Nếu không hỗ trợ như vậy, buộc các doanh nghiệp phải vay ngân hàng thương mại, lãi suất cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận, khiến doanh nghiệp rơi vào vòng luẩn quẩn là muốn đầu tư nhưng tiền ở đâu, lấy ở đâu để thanh toán nợ, làm sao còn sức để phát triển bền vững.