Liên hợp quốc kêu gọi đối thoại để giải quyết khủng hoảng ở Sri Lanka | |
Tổng thống Sri Lanka cấm các nhóm cực đoan hoạt động trên lãnh thổ | |
Tang thương ở Sri Lanka |
Làn sóng biểu tình yêu cầu hạ bệ Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka |
Các cuộc biểu tình diễn ra từ tháng 3 đến nay đã lên đến đỉnh điểm khi những người biểu tình chiếm dinh Tổng thống và đốt phá phủ Thủ tướng. Tổng thống Gotabay Rajapaksa đã tuyên bố từ chức, còn Thủ tướng Ranil Vikremesinghe cũng bày tỏ sẵn sàng rời bỏ cương vị người đứng đầu Chính phủ.
Gia đình Rajapaksa đã đóng một vai trò trung tâm trong nền chính trị Sri Lanka kể từ năm 2005, khi ông Mahinda Rajapaksa được bầu làm Tổng thống. Em trai ông là Gotabaja đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cách đây 3 năm, sau khi ông Mahinda không đủ khả năng tìm kiếm nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba liên tiếp và “xuống” làm Thủ tướng. Một năm sau, Đảng Mặt trận Nhân dân Sri Lanka (Podujana Peramuna) của ông Gotabaja đã giành đa số áp đảo trong Quốc hội.
Giờ đây, ông Gotabaja trở thành Tổng thống đầu tiên của Sri Lanka không thể hoàn thành nhiệm kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế việc rút lui khỏi các vị trí cầm quyền của triều đại Rajapaksa đã bắt đầu từ tháng 5 vừa qua, khi ông Mahinda từ chức thủ tướng. Con trai ông là Namal, người theo truyền thống sẽ trở thành người kế vị của cả triều đạị, cũng rời khỏi nội các. Thậm chí, trước đó, hôm 3/4, một người em khác của Tổng thống Gotabaja là ông Basil cũng đã từ chức Bộ trưởng Tài chính và sau đó tiếp tục từ bỏ vai trò Nghị sĩ Quốc hội (ngày 9/6). Chính ông bị coi là “tội đồ” đã kéo đất nước Sri Lanka rơi vào cuộc khủng hoảng hiện nay. Từ vị trí người chuyên dàn xếp các thương vụ ở hậu trường, ông Basil đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính vào năm 2021, nhưng khi ngồi vào chiếc ghế đó, ông đã bộc lộ những hạn chế về năng lực lãnh đạo. Mặc dù vậy, dòng họ Rajapaksa vẫn cố bám trụ chiếc ghế điều hành đất nước và nắm giữ các vị trị quan trọng trong Chính phủ bất chấp sức ép phản đối của người dân. Không ngạc nhiên khi rửa tiền và tham nhũng cũng đã trở thành một phần “không thể thiếu” trong quyền lực chính trị của triều đại Rajapaksa. Theo bảng xếp hạng quốc tế về tham nhũng mới được công bố gần đây, Sri Lanka đứng thứ 108.
Quốc gia tại Ấn Độ Dương này đã phải vật lộn với các vấn đề thanh toán các khoản vay từ những năm 1950 và đến nay đã cơ bản giải quyết được bằng các khoản vay khác cũng như nguồn thu từ du lịch và lao động ở nước ngoài. Thế nhưng, tình trạng khủng hoảng hiện nay của Sri Lanka lại thực sự đáng lo ngại. So với năm 2021, giá thực phẩm trên thị trường tiêu dùng Sri Lanka hiện đã tăng tới 50%. Người dân cũng không có nhiên liệu vì mặt hàng này chỉ được phân bổ cho cảnh sát, các xe cứu hỏa và xe cứu thương. Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1970 Chính phủ Sri Lanka buộc phải áp dụng biện pháp phân bổ này.
Các khoản nợ của Chính phủ đã bắt đầu tăng lên do cuộc xung đột kéo dài 30 năm giữa những người Sinhalese theo đạo Phật chiếm đa số dân số và người Tamil theo đạo Hindu đã cướp đi sinh mạng của khoảng 100.000 người. Cuộc nội chiến này đã kết thúc vào năm 2009 bằng một cuộc tấn công lớn của quân đội Chính phủ đã đánh bại quân du kích của lực lượng “Những con hổ Giải phóng Tamil”.
Giờ đây, điều Chính phủ liên minh của Sri Lanka cần làm nhất đó là tìm cách đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Và quan trọng là vào ngày 20/7 tới Quốc hội Sri Lanka sẽ bầu ra một vị Tổng thống mới của đất nước.