Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm,ỗiniềmngườitrongcuộbóng đá net mobile nhưng đâu đó trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vẫn còn những hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Đó là trăn trở của biết bao người, không chỉ hôm nay mà còn mãi sau này. Công tác tìm kiếm, quy tập mộ hài cốt liệt sĩ luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện, với mong muốn đưa hài cốt những anh hùng liệt sĩ về nơi mà Đảng, Nhà nước dành sự tôn vinh cao nhất cho họ.
Mỏi mòn tìm người thân
Ở tuổi 65, ông Giang Minh Tám, ở khu vực 2, thị xã Long Mỹ, đã có mấy chục năm vất vả tìm mộ cha mình - liệt sĩ Giang Minh Đáng. Nhớ lại chuyện xưa, ông Tám bùi ngùi: “Buồn lắm chứ, hài cốt của ông cụ không biết bây giờ đang ở đâu”. Có lẽ, những ai rơi vào hoàn cảnh đó mới cảm nhận hết nỗi lòng đau đáu của ông Tám dành cho cha mình.
Ông Đặng Văn Song (trái) luôn chất đầy trăn trở vì chưa tìm thấy hài cốt của hai người anh là liệt sĩ.
Liệt sĩ Giang Minh Đáng hy sinh khi ông Tám tròn 8 tuổi, nhưng với những gì đã tận mắt chứng kiến cộng với lời kể của người mẹ đã giúp ông có ấn tượng sâu đậm về hình ảnh oai hùng của cha mình trong cuộc chiến tranh chống Pháp xâm lược. Theo lời ông Tám kể, liệt sĩ Đáng tham gia cách mạng khoảng năm 1945 tại xã Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ), sau đó về công tác tại Huyện ủy Long Mỹ. Một thời gian sau, ông tiếp tục được điều động làm Bí thư xã Tân Long (thuộc huyện Phụng Hiệp ngày nay). Biết ông Đáng chuyển địa bàn hoạt động nên tình báo giặc luôn bám theo nhất cử, nhất động của ông. Vào đầu năm 1959, biết bọn giặc có ý định bắt mình, nên gia đình đã chuẩn bị mọi thứ để ông Đáng đi lánh nạn. Nhưng chưa kịp đi, thì bọn giặc đã giả dạng thường dân rồi bất ngờ ập vào bắt ông. Dù bị giặc hành hạ dã man, nhưng ông Đáng vẫn một lòng sắt son theo Đảng. Thấy không thể khuất phục người cộng sản kiên trung, bọn giặc đã quyết định giết chết ông chỉ sau 3 tháng giam cầm.
Kể tới đây, khuôn mặt ông Tám chất chứa nhiều tâm sự của nỗi đau mất đi người cha, dù việc đó diễn ra cách đây đã 57 năm. Trong 3 tháng ông Đáng bị giam cầm, ông Tám được 2 lần cùng mẹ vô thăm. Dù 2 lần ấy diễn ra khá ngắn ngủi và bị ngăn cách bởi 2 hàng rào thép, nhưng giây phút nhìn thấy khuôn mặt người cha đáng kính vẫn ở mãi trong tim ông đến tận bây giờ. Khi đến thăm lần thứ 3, gia đình ông Tám nhận được tin dữ vào ngày 26-2-1959, giặc đã dẫn ông Đáng đi ra ngoài nhưng sau đó không thấy trở vô. Mọi người đau xót biết là ông Đáng đã bị giặc giết hại.
Đau buồn hơn cả là không ai biết bọn giặc chôn thi thể ông Đáng ở đâu. Khi nước nhà độc lập, ông Tám dùng đủ mọi cách như gặp gỡ những người từng sống cùng thời với cha mình để tìm hiểu thông tin, thậm chí nhờ các nhà ngoại cảm tìm giúp nhưng vẫn không tìm thấy hài cốt ông Đáng.
Mặc dù vậy, gia đình ông Tám được an ủi phần nào khi Nhà nước đã ghi nhận công lao và xây cho cha ông một ngôi mộ danh dự ở nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Hàng năm, cứ vào dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), gia đình ông đều đến thắp nhang tại ngôi mộ danh dự này. Gia đình ông cũng không ngừng hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm thấy hài cốt của cha mình để đặt vào trong ngôi mộ danh dự ấy…
Qua tìm hiểu, tôi biết ông Tám và hai người anh cũng tham gia chiến đấu chống kẻ thù. Một trong hai người anh của ông đã hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam bộ. “Chúng tôi tham gia cách mạng để trả thù cho cha mình và biết bao người khác đã nằm xuống vì bom đạn của giặc”, ông Tám chia sẻ.
Tạm chia tay ông Tám, tôi men theo Quốc lộ 61 tìm đến nhà ông Đặng Văn Song, ở khu vực Bình Tân, phường Vĩnh Tường, huyện Long Mỹ - một gia đình mà anh Trần Thanh Phong, cán bộ lao động - thương binh và xã hội phường Vĩnh Tường giới thiệu là trường hợp đặc biệt. Đặc biệt ở đây là ông Song có hai người anh: liệt sĩ Đặng Văn Hổ và liệt sĩ Đặng Văn Long đều chưa tìm được hài cốt.
Ông Hổ (sinh năm 1938) tham gia cách mạng vào năm 1955 và chiến đấu trên địa bàn xã Vĩnh Thuận Đông (huyện Long Mỹ). Trong một lần bọn giặc càn quét, ông Hổ bị thương ở chân và bị bắt, sau đó bị giặc xử tử vào ngày 10-6-1959. Còn ông Long (sinh năm 1940) từng tham gia đánh giặc ở địa phương. Trong một lần về thăm nhà, ông bị giặc bắt rồi giết chết. Không ai biết bọn giặc đã chôn xác hai ông ở đâu và đó đã trở thành nỗi xót xa của gia đình ông Song suốt mấy chục năm qua.
Nhìn bằng Tổ quốc ghi công của anh mình, ông Song bồi hồi nhớ lại: “Hai anh tôi tham gia cách mạng khi tôi còn rất nhỏ. Ấn tượng về anh ấy chủ yếu đến từ những câu chuyện do mẹ tôi kể lại. Trước đây, gia đình tôi còn lưu giữ một số hình ảnh, thư từ do hai anh viết. Nhưng do chiến tranh loạn lạc, nên chúng cũng mất rồi. Điều mong mỏi của gia đình tôi bây giờ là sớm tìm gặp hài cốt của mấy anh. Nhưng đó là chuyện rất khó, bởi những người sống cùng thời với các anh giờ còn mấy ai đâu”.
Trách nhiệm lớn lao
Nghe xong câu chuyện của ông Song và ông Tám, lòng tôi dâng lên niềm cảm xúc khó tả. Thế hệ trẻ như tôi càng thấm thía hơn nỗi đau mà cả dân tộc Việt Nam phải gánh chịu để đổi lấy nền độc lập ngày nay.
Hòa cùng hào khí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cả dân tộc, nhiều người con anh dũng của quê hương Hậu Giang đã không tiếc xương máu để đánh đuổi kẻ thù. Hiện tại, toàn tỉnh đang quản lý hồ sơ khoảng 12.776 liệt sĩ, trong đó còn không ít người chưa được quy tập hài cốt. Nhiều gia đình mang nỗi đau dằn dặt vì chưa tìm thấy người thân đã hy sinh vì nghĩa lớn. Nhưng ở các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh hiện có hàng ngàn mộ liệt sĩ chưa xác định được người thân. Đó là nỗi đau do chiến tranh để lại cho đến tận bây giờ.
Dù rất nỗ lực, nhưng con số 9 mộ liệt sĩ được quy tập trên địa bàn tỉnh suốt 3 năm qua là chưa nhiều. Cũng vì vậy mà trách nhiệm của Ban chỉ đạo 1237 (tổ chức phụ trách công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh) càng trở nên nặng nề hơn. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 1237/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2013-2015, ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị, các cấp, các ngành có liên quan và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Ngoài ra, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích, gương người tốt, việc tốt trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, kiên quyết không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện. Đối với những mộ liệt sĩ chưa tìm thấy, các đơn vị có liên quan tiếp tục thu thập, xác minh thông tin, tiến hành khảo sát thận trọng, chặt chẽ để xây dựng kế hoạch cất bốc tiếp tục trong thời gian tới…
Theo các thành viên trong Ban chỉ đạo 1237, nguồn tin do người dân cung cấp là yếu tố quan trọng hàng đầu trong công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, bởi có thông tin thì họ mới có thể xác định mộ liệt sĩ đang nằm ở đâu để tiến hành cất bốc. Cho nên, mỗi người dân khi có thông tin về mộ liệt sĩ xin báo ngay về chính quyền địa phương nơi gần nhất. Nếu có sự giúp đỡ của cả cộng đồng thì kết quả trong công tác này chắc chắn sẽ cao hơn. |
Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN
---------------
Bài 2: Khó mấy cũng phải tìm