Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Sao Ta |
Giảm thị trường xuất khẩu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), với kim ngạch 588 triệu USD, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8/2021 giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Trong đó, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm 2020.
Luỹ kế 8 tháng năm 2021 xuất khẩu thủy sản đạt gần 5,6 tỷ USD, còn giữ mức tăng khoảng 7% nhờ kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng cao. Trong đó, XK tôm tăng 6,4% đạt 2,45 tỷ USD, XK cá tra đạt 993 triệu USD, tăng 8,8%, XK cá ngừ tăng 12%, XK mực, bạch tuộc và cá khác tăng 4-5%.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại của VASEP, dịch Covid -19 bùng phát mạnh tại khu vực trọng tâm của thủy sản Việt Nam, chiếm 90-95% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của toàn quốc cũng như lực lượng lao động của ngành hàng này, gây khó khăn và áp lực đứt gãy ngày càng tăng đối với doanh nghiệp.
Khó khăn trên đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản rời thị trường. So với tháng 7/2021, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8/2021 giảm đi hơn 100 đơn vị. So với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ít hơn 150 đơn vị.
Về thị trường, trong tháng 8/2021, số thị trường nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam giảm hơn 20 thị trường so với tháng 7/2021 và cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu đều giảm, nên kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8/2021 tại tất cả các thị trường đều giảm từ 16 – 50% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, xuất khẩu thuỷ sản sang nhiều thị trường trọng điểm giảm từ 35-45% so với cùng kỳ năm ngoái, như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Anh, Canada, Australia… Trong top 5 thị trường xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm tới 14,6%, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm gần 3%.
Bà Lê Hằng cho rằng, sau một thời gian giãn cách dài, nhiều doanh nghiệp cho biết đã đến mức báo động nếu không thể phục hồi sản xuất sớm trước 15/9/2021. Trong trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách sau 15/9, khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng khá hạn chế, những đơn hàng mới hầu như khó thực hiện.
Điểm sáng tại nhiều thị trường ngách
Theo bà Lê Hằng, trong khi các thị trường xuất khẩu chính đều giảm, xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam lại trở thành điểm sáng tại nhiều thị trường ngách.
Có nhiều thị trường nhỏ vẫn duy trì mức tăng trưởng khả quan trong tháng 8/2021, như: Mexico tăng 72%, Philippine tăng 58%, Tây Ban Nha tăng 48%, Ai Cập tăng 38%, Bồ Đào Nha tăng 14%…
Trong đó, thị trường Mexico còn dư địa cho ngành hàng cá tra và cá ngừ là hai sản phẩm xuất khẩu chính sang thị trường này. Trong tháng 8, xuất khẩu thuỷ sản sang Mexico đạt 5,7 triệu USD, trong đó cá tra chiếm 67% với 3,84 triệu USD, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm ngoái, cá ngừ chiếm 29% với 1,65 triệu USD, tăng mạnh 263%.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thuỷ sản sang Mexico đạt trên 59 triệu USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù chỉ chiếm hơn 1% kim ngạch XK thuỷ sản, nhưng với đà tăng trưởng XK cá tra và cá ngừ như hiện nay, thị trường Mexico sẽ là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới với ưu thế về thuế nhập khẩu theo Hiệp định CPTPP.
Mặc dù xuất khẩu thuỷ sản sang EU trong tháng 8 sụt giảm gần 31%, nhưng vẫn có một số thị trường quan trọng duy trì được tăng trưởng dương trong tháng này, như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
Cụ thể, xuất khẩu thuỷ sản sang Tây Ban Nha trong tháng 8 đạt 8,2 triệu USD, tăng 48%. Trong đó, sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ (chủ yếu là ngao) chiếm 37%, tăng 111% đạt trên 3 triệu USD. Trong 8 tháng năm 2021, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này đạt trên 45 triệu USD, tăng 17%.
Tính đến hết tháng 8/2021, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của cả nước đạt 86,8 triệu USD, tăng gần 40%, trong đó xuất khẩu sang thị trường EU đạt 53,4 triệu USD, chiếm 61%.
Theo nhận định của VASEP, dịch Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung ứng, cước vận chuyển cao, ảnh hưởng nhiều hơn đến các thị trường lớn. Nhiều doanh nghiệp lựa chọn và chuyển hướng sang các thị trường nhỏ và những thị trường này sẽ tiếp tục hạn chế một phần tác động sụt giảm xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm.