GÀ TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH
Gà là vật nuôi được thuần hóa từ lâu đời và đồng hành với con người trong lúc vui,đờisốngtacircmlinhvagravehiệnđạlich đá banh hôm nay buồn. Theo sử sách ghi lại, từ thời cổ đại, gà là loài vật linh thiêng, gắn với nhiều nét văn hóa tín ngưỡng, là vật hiến tế, tế thần. Ở vùng nông thôn Việt Nam, gà có vai trò quan trọng trong đời sống người dân. Tiếng gà gáy như chuông đồng hồ báo thức cho con người.
Anh Hoạt cho gà tập thể lực bằng cách chạy bộ đặc biệt
Nhìn về quá khứ, gà và chim là những loài vật được thể hiện khá nhiều trong họa tiết tranh vẽ, đặc biệt trên mặt trống đồng Đông Sơn. Trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, gà được nhắc đến với tư cách là một trong 3 lễ vật thách cưới của vua Hùng. Nếu ai muốn làm chồng Mỵ Nương thì phải sắm lễ “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Trong dân gian gà trống được ví như tướng mạo quân tử. Tranh Đông Hồ nổi tiếng cũng nhờ gà. Gà còn đi vào cuộc sống con người bằng những câu thành ngữ khá gần gũi, quen tai, mượn hình ảnh con gà để nói về con người như: “Gà trống nuôi con”, “cõng rắn cắn gà nhà”, “bút sa gà chết”, “khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”...
Chú gà trống mạnh khỏe, hoạt bát, có bộ lông đẹp, mào luôn đỏ chót hiện diện trong đời sống tâm linh của nhiều người. Trong lễ khởi công, động thổ, thôi nôi... gà là vật tế các vị thần linh, đất trời với lời cầu nguyện kiến tạo như ý. Trong các lễ cưới, hỏi hay mâm cơm cúng gia tiên, gà là một trong những thực đơn hàng đầu không gì có thể thay thế được. Đặc biệt, dịp tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, nhà nhà đều thịt con gà trống choai đẹp nhất để cúng gia tiên cầu mong năm mới vạn sự tốt lành.
GÀ - THÚ VUI TAO NHÃ
Ngày nay, không chỉ những bậc cao niên mà giới trẻ cũng nuôi gà và xem đây là thú vui tao nhã. Tùy sở thích, người thì nuôi giống gà tre có kích thước nhỏ nhưng lại có bộ lông khá bắt mắt. Người lại chọn nuôi gà rừng để được nghe tiếng gáy vang vọng một vùng. Nhiều người chọn nuôi gà đòn, gà lông với thân hình to khỏe, rắn rỏi để phân tài cao thấp... Dù nuôi loại nào, mục đích gì thì gà vẫn được chăm sóc khá đặc biệt. Để có một con gà đá hay, người nuôi phải am hiểu về gà, biết chọn giống, chăm sóc qua từng giai đoạn.
Anh Nguyễn Văn Hoạt, khu phố Phú Cường, phường Tân Phú (Đồng Xoài) đam mê nuôi gà đòn nhiều năm nay. Với anh, kiến thức để nuôi một con gà đòn đá hay thì vô tận. “Qua nhiều năm nuôi gà, tôi đã đúc rút, chọn lọc và xây dựng tiêu chí chọn giống, chế độ dinh dưỡng cho gà và đặc biệt là những bài tập luyện. Điểm đầu tiên ở một chú gà đòn là sự gan lì, sức bền và có nhiều thế đá độc đáo. Vì vậy, khi tuyển giống cần chọn những con mái có thể chất khỏe mạnh, bản tính hung dữ, đàn con có gà trống gan lì, khả năng chịu đòn giỏi. Ngoài ra, cũng cần chọn gà trống bố có ngoại hình cân đối, chân đẹp, nhiều đòn độc, sức chịu đòn dẻo dai. Gà bố cần có thành tích cao, từ 1,5-4 tuổi và không đồng huyết với gà mái đã chọn” - anh Hoạt chia sẻ.
Khi chọn được giống gà tốt, chế độ dinh dưỡng hợp lý là yếu tố rất quan trọng để gà phát triển nhanh, đều và khỏe mạnh. Anh Hoạt cho biết thêm: Giai đoạn gà con nên nuôi thả rông và ăn tự do. Khi tách mẹ cho ăn thêm 2 bữa/ngày vào khoảng 9 giờ và 16 giờ. Gà lớn trên 6 tháng cho ăn thêm một số loại rau như: giá, xà lách, chuối sứ, cà chua... Nhiều người còn cho gà ăn giun, dế, ngũ cốc, lòng đỏ trứng, thịt bò bằm nhuyễn, tép, hột vịt lộn để bồi dưỡng và tăng cường sức chiến đấu.
Khi gà được 1,8-2kg/con thì chọn những con to lớn, cơ bắp khỏe mạnh, chân cao, cựa đều, mỏ to và nhọn, mắt nhỏ và sâu, lớp vảy ở cẳng chân dày và cứng, lông đen tuyền, đen đỏ, đen vàng hoặc lông nhạn. Chăm gà vào thời kỳ đỉnh cao giảm tuyệt đối thức ăn tạo mỡ và hạn chế cho gà uống nước. Chỉ cho gà ăn no lúa ngâm nảy mầm để giảm lượng dinh dưỡng và tiêu hao được mỡ trong cơ thể giúp gà khỏe và nhanh nhẹn. Không nên cho ăn thức ăn nhiều đạm vì khi ra trường đấu gà bở hơi kém bền.
LUYỆN VÕ CHO GÀ
Gà đá khỏe, hay không phải nhờ bài huấn luyện của người nuôi. Cũng giống như người học võ, gà chọi phải được luyện tập hằng ngày để có đủ sức khỏe và quen với những đòn tấn công, né tránh đòn của đối phương. Vì vậy, phải thả ra ngoài để gà đi lại thường xuyên sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, có sức bền. Ngoài ra, gà cần được tập luyện bằng cách đá xổ để làm quen và sung khi gặp đối thủ của mình.
Một bài tập cho gà thường bắt đầu từ tập chân. Thông thường, những người nuôi dùng chì kẹp vào chân gà để luyện tập cơ bắp đùi. Chì được dát mỏng và bọc một lớp vải bên ngoài, sau đó quấn vào chân gà. Gà bỏ đói rồi cho vào một chiếc lồng chuyên dụng có đường kính hơn 1m, cao khoảng 2m. Người nuôi treo mồi quá tầm với để buộc gà phải nhảy lên cao ăn mồi. Càng về sau giai đoạn luyện tập, mồi được treo càng cao. Đây là bài tập giúp gà khi thi đấu có thể nhảy cao, ra đòn chính xác và có lực hơn.
Anh Hoạt lại có cách tập thể lực cho gà khá đặc biệt. Anh làm một chiếc lồng có cấu trúc như bánh xe với đường kính khoảng 2,5m. Chiếc lồng được thiết kế giống một máy chạy bộ dành riêng cho gà. Vào sáng sớm, anh Hoạt cho gà vào lồng tự chạy bộ. Anh Hoạt chia sẻ kinh nghiệm: Luyện tập cho gà bằng máy người nuôi chủ động điều chỉnh tốc độ, tần suất chạy của gà. Tùy từng giai đoạn phát triển mà luyện tập cho gà chạy phù hợp. Bài tập này giúp gà có sức khỏe dẻo dai. Ngoài ra, có người còn nuôi gà quần sương (luyện tập vào sáng sớm). Một số người dùng nghệ giã nhỏ hòa với rượu, nước trà, nước tiểu trẻ em để sát vùng da đã cắt lông (cổ, ức, đùi, bên trong cánh) làm cho da gà dày lên để tăng khả năng chịu đòn và giảm thương tích khi thi đấu. Cũng có người dùng hỗn hợp dung dịch nghệ, muối, nước tiểu dầm chân cho gà trước khi thi đấu 1 tháng để gà cứng chân hơn.
Nhất Sơn