【rennes – psg】Huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

Huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn
Tập trung huy động nguồn lực tài chính ưu tiên về nông nghiệp xanh. Ảnh tư liệu.

PV:Xin ông cho biết những thuận lợi trong quá trình hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về kinh tế tuần hoàn tại nước ta trong những năm qua?

TS. Cấn Văn Lực:Kinh tế tuần hoàn được xây dựng trên các nguyên tắc giảm thiểu, tái chế và sử dụng bền vững tài nguyên, là xu hướng cần thiết nhằm giải quyết các thách thức môi trường và tiêu dùng hiện nay. Muốn vận hành kinh tế tuần hoàn thông suốt phải nhắc đến nguồn lực tài chính.

Nguồn lực tài chính có thể được hiểu là các chính sách, công cụ và giải pháp về tài chính - tiền tệ giúp quốc gia đạt được các định hướng, mục tiêu và chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, tăng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm, bền vững.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược, chương trình phát triển quốc gia. Chính vì vậy, cơ hội tài chính cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đang rộng mở vì: xu hướng tất yếu; hành lang pháp lý cho tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư dần được hoàn thiện; nguồn vốn quốc tế cho tăng trưởng xanh hướng đến kinh tế tuần hoàn đã sẵn sàng.

Đặc biệt là, nhằm thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và khung pháp lý quan trọng, bao gồm Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Quyết định 687/QĐ-TTg phát triển kinh tế tuần hoàn (ngày 7/6/2022). Đồng thời, định hướng và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam ưu tiên cho phát triển đòi hỏi nguồn vốn lớn từ tín dụng, chứng khoán xanh; cam kết COP26 đòi hỏi Việt Nam đầu tư cho nhiều lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải carbon thấp…, là cơ hội cho phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nhờ việc ban hành và triển khai hệ thống quy định pháp lý về tín dụng xanh hướng đến kinh tế tuần hoàn khá đồng bộ và hiệu quả, nên tính đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực này đạt gần 680.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Về trái phiếu xanh, giai đoạn từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu, trong đó, EVNFinance phát hành 1.725 tỷ đồng vào năm 2022; BIDV phát hành 2.500 tỷ đồng vào năm 2023.

PV:Bên cạnh các cơ hội nêu trên, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy việc thực hiện kinh tế tuần hoàn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn lực tài chính, ngân hàng. Ông có bình luận ra sao về ý kiến này?

Huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

TS. Cấn Văn Lực:Việt Nam cũng nằm trong xu thế sản xuất xanh, do đó cần tận dụng cơ hội biến kinh tế tuần hoàn trong điều kiện mới để đạt mục tiêu tăng trưởng. Trong khi nhiều quốc gia như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể, Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn về nhận thức và thiếu các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Chúng ta vẫn còn nhiều thách thức bởi chưa có các sản phẩm tài chính xanh (đặc biệt là sản phẩm tín dụng xanh) đặc thù; chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh như quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh,...

Trong khi đó, việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế; thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh như ưu đãi thuế, phí, về hạn mức tín dụng, về lãi suất... Ngoài ra, các dự án xanh, phục vụ cho mục tiêu kinh tế tuần hoàn thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn... trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn.

Yếu tố thách thức nữa là nhận thức của thị trường đối với tài chính xanh, kinh tế tuần hoàn và bền vững chưa cao và chưa đồng đều. Hiện tại, rất nhiều công ty niêm yết chưa có sự chủ động trong việc đưa yếu tố xanh, kinh tế tuần hoàn vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp... Hệ thống pháp luật về kinh tế tuần hoàn còn phân tán; cơ chế chính sách đặc thù, thử nghiệm cho phát triển kinh tế tuần hoàn chưa được ban hành.

PV:Trong bối cảnh thách thức và cơ hội đan xen như hiện nay, theo ông đâu là giải pháp để chúng ta có thể huy động nguồn lực tài chính thực hiện kinh tế tuần hoàn một cách hữu hiệu?

TS. Cấn Văn Lực:Theo tôi, để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tuần hoàn cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Kế đến là cập nhật, ban hành và áp dụng tiêu chí, tiêu chuẩn đối với danh mục “phân loại xanh” (danh mục xanh/Green Taxonomy), trong đó nên có xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên; nên ở cấp độ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, cần có cơ chế, tiêu chí, phương thức đánh giá tác động môi trường (tiêu chí “dự án, công trình, nhà máy xanh,...”); ban hành chính sách thay đổi hành vi (nhất là tiêu dùng, sinh hoạt,...); đầu tư cơ sở hạ tầng “xanh” (năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng,...); khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo (xe điện, xe tiết kiệm năng lượng,...).

Tiếp đến là các chính sách hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất, gồm cả chi phí xác nhận xanh, nếu có...) cho các sản phẩm, dịch vụ, tiêu dùng “xanh”; nghiên cứu thành lập “Quỹ chuyển đổi xanh”, “Quỹ đầu tư mạo hiểm môi trường”; thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư “xanh”; xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh như công cụ thị trường vốn, nền tảng nhà đầu tư, hệ sinh thái các tổ chức phát hành, văn hóa quản trị nội bộ rủi ro môi trường trong tổ chức và hạ tầng thông tin theo kinh nghiệm của Malaysia... và các nước khác.

PV: Xin cảm ơn ông!

5 lĩnh vực nên ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn

Trong bối cảnh hiện nay, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị cần tập trung huy động nguồn lực tài chính đầu tư vào 5 lĩnh vực ưu tiên về: nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao; phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững; chuyển đổi xanh; áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn từ phân phối đến tiêu dùng; phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển.