Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Nam Việt. Ảnh: DN cung cấp |
Mức XK giảm thu hẹp hơn một nửa
Theo phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch XK cá tra trong tháng 8/2023 đạt 170 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm 13% trong tháng 8 đã thu hẹp hơn một nửa so với các tháng trước đó (các tháng 5, 6, 7 ghi nhận giảm 23-36%).
Mặt hàng chủ lực cá tra của Việt Nam XK là cá tra thuộc mã 0304 (trừ sản phẩm chả cá và surimi) đạt 973 triệu USD, chiếm 82% tỷ trọng. Theo sau đó là các sản phẩm cá tra sống, tươi, đông lạnh, khô (thuộc mã 03) đạt 192 triệu USD, chiếm 16% tỷ trọng và cá tra chế biến khác (thuộc mã 16) đạt 20 triệu USD, chiếm 2% tỷ trọng.
Về thị trường tiêu thụ, tháng 8/2023, XK cá tra sang các thị trường chính như Trung Quốc & Hongkong, Mỹ, EU, CPTPP tiếp tục giảm 2 con số. Trong tháng 8 này, XK sang một số thị trường nhỏ hơn ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái như Saudi Arabia tăng 79%, Brazil tăng 53%, Colombia tăng 14%, Ai Cập tăng 14%.
Thị trường Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam, liên tục dẫn đầu top các thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam từ năm 2019 đến nay. Ghi nhận trong 8 tháng năm nay mua 378 triệu USD cá tra của Việt Nam, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 8/2023, riêng thị trường Trung Quốc nhập khẩu 354 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến hết tháng 8/2023, Mỹ vẫn duy trì vị trí số 2 về nhập khẩu cá tra Việt Nam sau Trung Quốc và Hồng Kông. Trong 8 tháng năm 2023, XK cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt kim ngạch 184 triệu USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 8/2023, thị trường này mua 25 triệu USD cá tra Việt Nam, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tồn kho ở Mỹ có xu hướng giảm cộng với sự kiện Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam vào đầu tháng 9 vừa qua, kỳ vọng sẽ là tín hiệu tốt cho XK cá tra sang Mỹ.
Thị trường CPTPP tiếp tục duy trì là khối thị trường đứng thứ 3 về nhập khẩu cá tra sau Trung Quốc và Hồng Kông và Mỹ. Tính đến hết tháng 8/2023, kim ngạch XK cá tra Việt Nam sang CPTPP đạt 158 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang cho biết, trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp cá tra phải chịu nhiều tác động, với rất nhiều khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu cá tra trọng điểm của Việt Nam đều giảm sâu, nhất là thị trường Mỹ, Trung Quốc; lượng tồn kho của doanh nghiệp cá tra rất lớn, cá dưới ao cũng còn nhiều.
Thị trường nhỏ lên ngôi
Đáng chú ý, trong bối cảnh sụt giảm chung, hầu hết các thị trường trong khối CPTPP cũng giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam từ 1-47%. Tuy nhiên, một số thị trường nhỏ trong khối vẫn ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số như Brunei tăng 12%, New Zealand tăng 16%.
Tương tự, tại thị trường EU, trong 8 tháng năm nay đã nhập khẩu 115 triệu USD cá tra từ Việt Nam, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. XK cá tra sang EU trong tháng 5 - tháng 7 đều ghi nhận giảm 13% - 22%. Hầu hết các thị trường trong khối EU đều giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam từ 14-65%. Một vài điểm sáng vẫn ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số trong khối thị trường này là: Thụy Điển tăng 28%, Đức tăng 19%, Đan Mạch tăng 18%. Một số thị trường ghi nhận tăng trưởng dương 3 - 4 con số như Estonia tăng 138%, Phần Lan tăng gấp hơn 11 lần.
Theo các doanh nghiệp, nhờ chuyển hướng đa dạng thị trường xuất khẩu, đơn hàng XK cá tra của doanh nghiệp đã phục hồi. Trong tháng 6 và tháng 7/2023, lượng hàng thủy sản, trong đó có cá tra xuất khẩu của Công ty CP Thủy sản Trường Giang tăng trưởng trở lại. Đây là tín hiệu thị trường phục hồi trong những tháng còn lại trong năm nay và năm 2024.
Tương tự, các thị trường XK lớn của Công ty CP Thuỷ sản Vĩnh Hoàn cũng ghi nhận tăng trưởng dương trở lại. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã đạt 153 tỷ đồng trong tháng 7/2023, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng 13% và doanh thu xuất khẩu sang các thị trường còn lại tăng 20% so với hồi tháng 7/2022.
Theo ông Ong Hàng Văn, hiện nay công ty có 3 xưởng chế biến với công suất 300 nguyên liệu/ngày. Nhưng điểm yếu lớn nhất của ngành là thức ăn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu NK. Vấn đề hiện nay phải có sự hỗ trợ bằng mọi cách để kéo giá thức ăn thủy sản xuống. Bộ Tài Chính nên xem xét đưa giá nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về 0%, thay vì là 2% như hiện nay.