Nhận định này được đưa ra tại hội thảo khoa học “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy Hà Nội phối hợp tổ chức mới đây.
Chưa được quan tâm xứng tầm
Nhìn lại nửa thế kỷ qua (1975- 2025), GS.TS Từ Thị Loan (Viện VHNT quốc gia Việt Nam) khẳng định, nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Kế thừa và tiếp nối các Nghị quyết, quan điểm của Đảng, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Qua nhiều thập kỷ đã có những chuyển biến mạnh mẽ được ghi nhận, “nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đến nay vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa và nhất là hệ giá trị quốc gia chưa được quan tâm xứng tầm. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành các Luật và hệ thống văn bản dưới Luật cũng như triển khai xây dựng trong thực tiễn còn nhiều hạn chế…”, theo GS Từ Thị Loan. Cụ thể, xây dựng môi trường văn hóa chưa đạt kết quả như mong muốn; hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là các nhà văn hóa, CLB hoạt động chưa hiệu quả. Sản phẩm, dịch vụ và sinh hoạt văn hóa nghèo nàn, đơn điệu. Một số phong trào, danh hiệu văn hóa còn mang tính hình thức, bề nổi, đối phó. Nhiều chương trình, hoạt động, sự kiện văn hóa vừa gây lãng phí nguồn lực, vừa ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng và lan tỏa các giá trị. Tuy số lượng, loại hình tác phẩm VHNT tăng lên rõ rệt, nhưng ít tác phẩm đỉnh cao; ngược lại, ngày càng xuất hiện nhiều tác phẩm lệch lạc, dung tục, tầm thường, gây nhiễu loạn các giá trị, ảnh hưởng đến nhận thức, tư tưởng, lối sống của người dân. Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa do nhiều hạn chế về nguồn lực nên hiệu quả chưa cao; kiểm soát, ngăn chặn văn hóa độc hại, tác động tiêu cực của văn hóa bên ngoài còn khó khăn, chưa phát huy tốt nội lực của văn hóa Việt Nam để tạo sức đề kháng chống lại sự “xâm lăng văn hóa”, toàn cầu hóa về văn hóa…
Cũng theo GS.TS Từ Thị Loan, trước những tác động to lớn này, hệ giá trị văn hóa Việt Nam không tránh khỏi những biến động. Có sự suy giảm, thay đổi thang bậc ở một số giá trị truyền thống; có sự bảo lưu và duy trì một số giá trị còn phù hợp trong bối cảnh mới; nhưng cũng có sự xuất hiện, bổ sung những giá trị mới của thời đại và nhân loại. Bên cạnh đó, cũng diễn ra quá trình xung đột giữa một số giá trị truyền thống và hiện đại, sự đảo lộn, thậm chí khủng hoảng một số giá trị. PGS. TSKH Lương Đình Hải (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) bàn về xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong nửa thế kỷ qua cho rằng, trong bối cảnh xã hội đang vận động ngày càng nhanh, các hệ giá trị biến đổi mạnh và sâu sắc, xã hội thiếu hệ thống chuẩn mực cho từng dạng chủ thể người khác nhau, thì những hiện tượng “lệch chuẩn” trở nên phổ biến là tất yếu.
“Nhiều năm qua, chúng ta tập trung và khuyến cáo, cổ vũ, ngợi ca những đặc tính tốt đẹp, những phẩm chất, giá trị của con người và xã hội Việt Nam mà thiếu đi sự chi tiết hóa, cụ thể hóa các phẩm chất, giá trị chung đó thành những chuẩn mực chi tiết, cụ thể, sát hợp với từng dạng chủ thể, từng ngành nghề, địa bàn, cơ quan, đơn vị. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy, phương thức, cách làm, để các giá trị, phẩm chất, đặc tính có thể được trao truyền rộng rãi, trở thành chuẩn mực thực sự tác động trong cuộc sống thường ngày…”, theo PGS Lương Đình Hải.
Chú trọng khả năng hiện thực hóa từng giá trị
GS Từ Thị Loan lưu ý, để việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia không trở nên duy ý chí, hình thức, xa rời thực tế, mà có tính khả thi, thuyết phục được đông đảo người dân tham gia thì rất cần cân nhắc, xem xét kỹ các điều kiện thực hiện, hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam. Điều quan trọng ở đây là phải chú trọng kết hợp hài hòa giữa ý chí của tầng lớp lãnh đạo và sự đồng thuận của người dân, giữa mong muốn có tính chủ quan, lý tưởng của giới tinh hoa và khả năng hiện thực hóa, đưa vào cuộc sống các giá trị đó.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để gia tăng tính khả thi, cần lưu ý các xu hướng vận động của hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam trong thời gian tới. Đơn cử, xu hướng từ coi trọng các giá trị tình cảm sang coi trọng các giá trị pháp lý. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn phát triển xã hội văn minh, hiện đại, nên truyền thống “trọng tình” bắt buộc phải dần chuyển sang “trọng lý”, đề cao các giá trị pháp lý… Việc triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia Việt Nam cần lưu ý đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, nội sinh và ngoại sinh, kế thừa và phát triển, giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần, giá trị cá nhân và giá trị xã hội, giữa lý tưởng cống hiến và nhu cầu hưởng thụ, giữa tuân thủ tôn ti trật tự truyền thống với đổi mới, năng động...
Về xây dựng các chuẩn mực con người Việt Nam, theo PGS Lương Đình Hải, hiện nay có nhiều bộ chuẩn mực đã xuất hiện dưới các dạng khác nhau. Nhưng dưới góc độ chung, có ba loại chuẩn mực theo nội dung: Chuẩn mực đạo đức; chuẩn mực ứng xử; chuẩn mực nghề nghiệp. “Xã hội dường như đang rất cần các chuẩn mực cụ thể về đạo đức. Vì vậy, trong số các bộ chuẩn mực đã và sắp ban hành thì quá hai phần ba là chuẩn mực đạo đức. Điều này phản ánh đúng tâm thức và văn hóa người Việt, vốn coi trọng khía cạnh đạo đức hơn nhiều khía cạnh khác; cũng phản ánh đúng thực tế xã hội hiện nay đang có nhiều bức xúc về đạo đức…”, PGS Lương Đình Hải nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng, nên và cần thiết có sự chỉ đạo tổng kết chung về việc xác định và xây dựng các chuẩn mực con người trong 50 năm qua để có kết luận và bài học kinh nghiệm, học tập phương pháp xây dựng chuẩn mực con người cho các chủ thể xã hội khác nhau của Hồ Chí Minh, xác định phương thức, cách tổ chức thực hiện và tổng kết thực tiễn hiện nay, tạo nền tảng lý luận chung và thực tiễn sâu sát cho việc xây dựng các chuẩn mực con người.
Ở một góc nhìn khác, theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung (Học viện Báo chí và tuyên truyền), mặt đối lập của giá trị là phản giá trị. Mặc dù phản giá trị luôn được xem là những cái xấu, cái không tốt, nhưng nó luôn song hành cùng giá trị và sẵn sàng xâm nhập vào cuộc sống xã hội khi có điều kiện. Mỗi cá nhân, nhất là những người có trách nhiệm trong gia đình và ngoài xã hội muốn xây dựng được gia đình, xã hội tốt đẹp thì cần phải đồng thời tiến hành bảo vệ, tôn vinh, phát hiện, củng cố và ủng hộ những giá trị truyền thống, giá trị mới. Cùng với đó, phải thường xuyên, kiên quyết đấu tranh, phê phán những cái phản giá trị, không cho những mặt đối lập này có điều kiện phát triển.