Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra và thu giữ rượu không rõ nguồn gốc |
Theo UBND thành phố Hà Nội, năm 2018, nền kinh tế cả nước dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng và ổn định. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp yêu cầu công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố cần có giải pháp cụ thể, hiệu quả, thiết thực và quyết liệt nhằm góp phần ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các sở, ngành, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh…UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-BCĐ389/TP về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cụ thể, trước mắt sẽ tập trung thực hiện tốt kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Các sở, ngành thành viên BCĐ 389/TP và BCĐ 389 quận, huyện thị xã xây dựng Kế hoạch chuyên đề đảm bảo bám sát diễn biến tình hình thực tế, xác định rõ địa bàn, lĩnh vực, phương thức thủ đoạn hoạt động, đối tượng trọng điểm và nhóm các mặt hàng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát. Theo đó, về mặt hàng, cần chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm mặt hàng cấm; các mặt hàng có thuế suất cao, thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế; các mặt hàng tiêu dùng là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;…
Về địa bàn, cần tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các tuyến đường từ khu vực biên giới phía Bắc và các tỉnh lân cận về Hà Nội; đường hàng không, đường thủy… các chợ đầu mối, trung tâm thương mại; các kho tàng, bến bãi, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm như: Chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), chợ Hòa Bình (quận Hai Bà Trưng), ga Hà Nội, ga Giáp Bát, ga Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài… nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền các vụ việc xử lý để cảnh báo cho người dân các phương thức làm ăn phi pháp, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của nhân dân, thiệt hại kinh tế của người tiêu dùng và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đúng pháp luật...
Tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp với mục tiêu ổn định thị trường, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, chất lượng hàng hóa và trách nhiệm đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phát huy vai trò giám sát của người dân và cộng đồng đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quản lý thương mại.