Tích cực kết nối
Tại hội nghị kết nối hàng Việt tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua,ếtnốicungcầuhànghóaCònnhiềuràocảket qua seri a đại diện Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020, Bộ Công Thương đã chú trọng triển khai các hoạt động kết nối cung cầu nhằm giúp nhà sản xuất và phân phối ở các địa phương đến tìm hiểu, trao đổi thông tin và hợp tác. Trong đó, riêng trong năm 2015, Vụ Thị trường trong nước đã phối hợp với các đơn vị và địa phương tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu mang lại các hiệu quả tích cực. Điển hình như Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối tại Huế với 32 biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các DN sản xuất, chế biến với các trung tâm thương mại trong việc cung ứng và tiêu thụ sản phẩm; Hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Nam 2015 tại TP.HCM với 46 biên bản thỏa thuận được ký kết giữa các nhà phân phối lớn như Satra, Sài Gòn Co.op, Lotte, AEON, Big C... với các DN, đơn vị sản xuất khu vực phía Nam; Hội nghị kết nối cung cầu Khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại Đà Nẵng với 30 biên bản ghi nhớ giữa các DN sản xuất và phân phối; Hội nghị "Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Bắc năm 2015" tại Hà Nội với 40 Biên bản thỏa thuận được ký kết giữa các nhà phân phối lớn như Hapro, Big C, LotteMart, Vinmart, Fivimart, AEON, Saigon Co-op Mart… với các DN sản xuất khu vực phía Bắc.
Cũng liên quan đến chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, hoạt động kết nối cung cầu được TP.HCM triển khai từ năm 2012. Đến nay đã có 1.400 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết, với doanh thu đạt hơn 20.000 tỷ đồng, trong đó các DN TP.HCM tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ đạt hơn 13.500 tỷ đồng, đồng thời cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành giá trị hơn 6.500 tỷ đồng.
Còn khó khăn
Mặc dù đã đạt được những kết quả khá tích cực, tuy nhiên, theo phản hồi từ các DN, hoạt động kết nối sản xuất và tiêu dùng hàng Việt vẫn còn nhiều rào cản. Theo ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op, dù Saigon Co.op luôn ưu tiên cho các sản phẩm hàng Việt nhưng không thể phủ nhận rằng, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập. Đơn cử là hàng nông sản, chỉ tính từ đầu năm tới nay doanh số bán hàng ngoại nhập tại hệ thống Co.opmart đã tăng đến 40% so với cùng kỳ. Đây là thách thức lớn cho hàng Việt nếu không có sự đa dạng, cải tiến mẫu mã, chất lượng. Theo ông Toàn, các DN sản xuất muốn tiêu thụ sản phẩm tốt cần tìm hiểu nhu cầu thị trường, chiếm lĩnh và duy trì thị trường bằng chính sách chất lượng, cải tiến công nghệ, giảm giá thành...
Theo ông Ngô Minh Hải - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH cho biết, hiện nay, việc kết nối với hệ thống siêu thị và các kênh phân phối còn có nhiều khó khăn. Điển hình là chi phí chiết khấu của các hệ thống siêu thị khá cao (từ 15-20%, tùy siêu thị), chưa kể mỗi năm các hệ thống siêu thị đều đề nghị tăng mức chiết khấu từ 0,5- 2%. Chi phí cho các nhãn hàng mới, mặt bằng tại hệ thống siêu thị cũng khá cao... Theo ông Hải, các siêu thị nên căn cứ tình hình kinh doanh của nhà cung cấp, đưa ra mức chiết khấu thương mại hợp lý, giảm thiểu khoảng cách giá bán giữa kênh siêu thị và kênh truyền thống. Cần xem xét và thay đổi qui định nhập date sản phẩm đối với công ty có nhà máy sản xuất xa thị trường bán hàng…
Tương tự, bà Huỳnh Bảo Châu, Giám đốc Marketing Cholimex Food cũng cho biết, dù là đơn vị đã có sản phẩm phân phối từ Bắc đến Nam nhưng vẫn gặp khó khăn khi đưa hàng vào siêu thị, khó khăn nhất là mức chiết khấu cao. Ngoài ra, DN còn phải chi thêm những khoản chi phí không chính thức cho nhân viên siêu thị để hàng được đưa lên quầy kệ hoặc phải có nhân viên tiếp thị của công ty đứng tại siêu thị để phụ những việc khác, nếu không hàng sẽ không được ưu tiên xuất ra kho đưa lên kệ. Vì vậy, cơ quan nhà nước cần ra chính sách/quy định chung về việc tăng mức chiết khấu hàng năm cho các nhà phân phối. Ngoài ra, nhà nước cần ban hành chính sách để hỗ trợ DN Việt trên thị trường bán lẻ, có thể quy hoạch lại việc phát triển thị trường bán lẻ, ưu tiên các điểm bán lẻ cho DN trong nước…
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, công tác kết nối cung - cầu hàng hóa vẫn còn những hạn chế, chưa đúng tiềm năng và thế mạnh của các địa phương, chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và phân phối. Để khắc phục những hạn chế này trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM sẽ kêu gọi, khuyến khích DN của các tỉnh, thành có năng lực, uy tín tham gia đầu tư phát triển hệ thống phân phối, các điểm bán liên kết xen kẽ trong khu dân cư, khu lưu trú công nhân. Bên cạnh đó tập trung xây dựng các chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, HACCP; nâng cao chất lượng, hình ảnh thương hiệu của 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm là Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn. Ngoài ra, trong sản xuất, TP.HCM sẽ tập trung đào tạo, hướng dẫn DN, hợp tác xã, hộ nông dân về quy trình, kỹ thuật nuôi trồng theo chuẩn VietGAP, GloboGAP. Chú trọng xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng về hàng Việt Nam…