Đây là ý kiến trao đổi của ông Sanjay Kalra, Đại diện Thường trú của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) với Chính phủ Việt Nam tại Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển VDPF 2013.
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nhưng ông Sanjay Kalra cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn đang còn nhiều bất cập, cần khắc phục.
Tăng trưởng vẫn chậm
Theo IMF, tăng trưởng GDP đã chậm lại trong 2 năm 2012 – 2013 và sẽ ổn định trong khoảng 5 – 5,5%. Kinh tế thế giới suy thoái đã góp phần vào kết quả này, tuy nhiên những mất cân đối trong nước và sự kém hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng.
Hiện nay, lĩnh vực xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đang hỗ trợ trực tiếp cho tăng trưởng. Các doanh nghiệp trong nước đang được cải thiện nhưng chưa có được một nền tảng vững chắc. Đặc biệt, một số ngân hàng yếu kém không tiếp cận được vốn trên thị trường liên ngân hàng mà phải dựa vào tái cấp vốn và các hoạt động thị trường mở của NHNN để hỗ trợ thanh khoản khi cần thiết.
Tăng trưởng chậm đã tạo hiệu ứng dây chuyền đối với thâm hụt ngân sách, biểu hiện là thâm hụt ngân sách đã tăng lên trong hai năm 2012 – 2013, đặc biệt trong năm 2013 do thu ngân sách không đạt dự toán (do nền kinh tế yếu và do giảm, giãn thuế).
Trong năm 2010 – 2011, thâm hụt ngân sách trung bình là 2% GDP nhưng đã tăng lên 4,75% GDP trong năm 2012.
Với năm 2013, hụt thu ngân sách đặc biệt là hụt thu thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp có thể lên đến 1,75% GDP. Với việc cắt giảm chi không theo kịp, thâm hụt ngân sách được dự báo lên tới khoảng 5,25% GDP.
Bên cạnh đó, IMF cũng đánh giá, khu vực DNNN và tài chính vẫn là nguồn gốc của sự dễ tổn thương. Quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo IMF là còn hạn chế về dữ liệu và thách thức trong khuôn khổ thanh tra và quy chế hiện hành đã không phản ánh đúng về thực trạng nợ xấu và tổng tài sản hiện nay của Việt Nam.
“Việt Nam ít có dư địa chính sách để đối phó với những cú sốc từ bên ngoài. Chính vì thế Việt Nam nỗ lực tái thiết các nguồn dự phòng trong và ngoài nước” – ông Sanjay Kalra nói.
Khắc phục gấp các yếu kém
Đại diện của IMF cũng khuyến nghị, Chính phủ cần khắc phục gấp các yếu kém cơ cấu đang cản trở tiềm năng phát triển về trung hạn của Việt Nam. Nếu thiếu các cải cách cơ cấu mang tính vĩ mô quan trọng, tăng trưởng sẽ tiếp tục bị kìm lại bởi năng suất thấp, phân bổ sai nguồn lực..
Cải cách ngân hàng vẫn là một ưu tiên hàng đầu. Giải quyết những điểm yếu liên quan đến chất lượng tài sản, nợ xấu, trích lập dự phòng và mức vốn là việc rất quan trọng để tạo ra một môi trường mà trong đó các ngân hàng làm trung gian chuyển tiết kiệm của quốc gia tới đầu tư hiệu quả.
Ban giám đốc điều hành của IMF cho rằng, Việt Nam nên thực hiện các biện pháp cấp vốn bổ sung các ngân hàng, tăng cường thanh tra quản lý ngân hàng và thực hiện kế hoạch giải quyết nợ xấu.
Tăng cường phân tích rủi ro tín dụng và tăng cường quản trị thông qua việc xúc tiến minh bạch nhiều hơn. VAMC không nên trở thành phương tiện hỗ trợ thanh khoản kéo dài cho các ngân hàng mất khả năng thanh toán vì việc đó sẽ làm yếu đi động cơ để tái cơ cấu và trì hoãn việc cấp vốn bổ sung cần thiết trong khu vực ngân hàng.
Nói rộng hơn, thị trường vốn có thể phát triển hơn nữa nhằm bổ trợ hệ thống ngân hàng, tạo thêm những cơ hội khác về lợi nhuận, rủi ro cho các nhà đầu tư, thu hút luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ổn định và giảm việc giữ vàng như làm phương tiện tích giữ của cải.
"Ngoài ra, duy trì lạm phát thấp là nền móng của nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô", ông Sanjay Kalra nhấn mạnh./.
Trung Ninh