Hai nhà thì dễ giải quyết hơn hẳn. Nhưng chuyện lấn sang một nhát cuốc thôi đôi khi cũng khó bề yên ổn. Không ít những xích mích,ủađểdàsoi kèo suwon fc những hằn học vì những chuyện không đáng có đó lại mang theo cả đời đời. Vậy mà lần này mạ tôi lại khá yên, mặc dù vẫn nhận cái bờ không đúng, mạ vẫn nghĩ một cách tích cực “đỡ chuột và đỡ cỏ”.
Có thể, với một người đã sống hơn bảy mươi năm trên cuộc đời này, gặp quá nhiều thứ xảy ra mới có thể bình thản đến vậy. Bởi nhiều người đến chơi nhà, nhìn cái đường bờ mất cả thẩm mỹ đó lại còn tức “anh ách” giùm nhà tôi. Vậy nên tôi hỏi mạ. Mạ không nói gì mà chỉ kể lại chuyện ngày xưa.
Mạ nhớ cái thời chưa có xe đạp, đi lên thị xã mất cả tiếng đồng hồ. Một lần đi chợ là một lần khó, nên bao nhiêu thứ có thể mua được sẽ mua. Muối mắm, chiếu chăn, toàn những đồ nặng nhọc và cồng kềnh. Tất cả cho vào quang gánh để gánh về. Vậy mà lần đó, quang gánh gãy ngay giữa đường. Nếu không có cái quang, thì chuyện mang được những hàng hóa về hầu như không thể. May mà chỗ đó có nhà dân, họ thấy vậy liền mang một cái quang khác đưa cho mạ mượn dù không hề quen biết. Nhờ có cái quang gánh mới, mạ đưa được mớ hàng hóa về và mang trả vào sáng hôm sau.
Nghe mạ kể thế, tôi cũng tiếp thêm vào câu chuyện. Trong một lần đi chơi từ thành phố Huế về biển Thuận An, trời mùa đông nên tôi đi vào ban trưa. Hôm đó không quá lạnh và cũng không có mưa. Chẳng hiểu sao cái điện thoại lại rơi ra lúc nào mà tôi chẳng hay. Đến khi thò tay vào túi không thấy nữa, vội vàng quay xe lại tìm kiếm. Đường ban trưa nên hơi vắng vẻ, một cảm giác an toàn nào đó nẩy lên trong người.
Tôi thấy một người phụ nữ luống tuổi, gầy gò, đạp chiếc xe mini cũ kỹ và đưa một cánh tay lên trời. Lại gần, tôi thấy cánh tay vẫy vẫy với chiếc điện thoại trên đó. Tôi vừa dừng xe lại thì người phụ nữ đưa ngay lấy cho tôi. Trong tích tắc, tôi vừa biết mình chưa bị mất điện thoại thì cũng là lúc người phụ nữ lên xe và đạp tiếp. “Chạy chi mà dữ rứa biết, kêu miết mà không nghe”. Tôi nghe lấy những từ ngữ đó khi chị đã đi được một quãng còn mình thì chưa kịp cả cảm ơn. Rồi mạ nói: Con thấy đó, bí đao, bắp hạt và cả mớ rau muống, hàng xóm mình cho đó. Cả mấy cây bí đỏ được mùa năm ni họ cũng mang tới cho cho mạ trồng.
Lúc đó, tôi biết rằng, chuyện cái đường thẳng trở thành cong cong kia không phải mạ không biết. Đôi khi bỏ qua, đôi khi kiềm lại một lời nói khó nghe cũng là một thứ của để dành. Dường như cái sự cho đi và nhận lại cứ luân hồi trong cuộc đời này. Những món quà tuyệt vời sẽ dành đến cùng những điều tử tế kèm theo. Đó như là một thứ của để dành cho những lúc khó khăn…
Yên Thường