Doanh nghiệp và doanh nhân ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tham gia đóng góp không nhỏ vào tổng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho lao động trong tỉnh.
Cơ hội để bứt phá
Giám đốc Sở KH&ĐT Trương Đăng Khoa cho biết, 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 389 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 2.506 tỷ đồng. Luỹ kế đến nay toàn tỉnh có 4.213 DN đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 46.000 tỷ đồng. Các DN, doanh nhân luôn đồng hành với tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của DN, doanh nhân trong việc cùng với địa phương đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Phó giám đốc VNPT Cà Mau, kiêm Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Cà Mau Hồ Lệ Quyên chia sẻ: "Từ đầu năm đến nay, với tình hình diễn biến dịch bệnh, việc cấm tụ tập đông người nên các hoạt động thường xuyên của VNPT Cà Mau bị ảnh hưởng và phải sắp xếp bố trí lại như: các điểm giao dịch khách hàng, hoạt động bán hàng, các chương trình hoạt động quảng bá, cải tạo mạng lưới,... công tác tiếp cận phục vụ khách hàng, chăm sóc khách hàng, sửa chữa lỗi kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn; thực hiện việc cách ly toàn xã hội và cấm tụ tập nên một số quán cà phê, nhà hàng, phòng games,… ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của đơn vị".
Ngành thuỷ sản xuất khẩu nỗ lực vượt qua khó khăn trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
Mặc dù gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng VNPT Cà Mau luôn nỗ lực vươn lên, khẳng định vai trò của mình đóng góp vào thành tựu phát triển chung của tỉnh. Đặc biệt, năm 2019-2020, VNPT liên tiếp là đơn vị xây dựng và phát triển các hệ thống công nghệ thông tin mang tầm quốc gia như trục liên thông văn bản quốc gia; cổng dịch vụ công quốc gia; VNPT eCabinet; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ...
Tham gia chương trình kết nối ngân hàng với DN, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thuỷ sản XNK Minh Cường Nguyễn Minh Tuấn bộc bạch: "Từ khi bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đến nay, các sở, ngành trong tỉnh đã nhiều lần tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các DN". Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng: Song song với việc đồng hành của các ngành chức năng trong tỉnh thì điều quan trọng là DN lèo lái con thuyền như thế nào để vượt qua khó khăn, mở rộng phát triển.
Chia sẻ tại chương trình kết nối ngân hàng với DN vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng cho rằng: "Vấn đề khó dành cho người tài. Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh đòi hỏi lãnh đạo các DN cần năng động hơn, đoàn kết và có giải pháp đột phá mới. Những khó khăn đó cũng là cơ hội để DN bứt phá".
VNPT Cà Mau chú trọng chăm sóc, phục vụ khách hàng. |
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Mặc dù các sở, ngành trong tỉnh luôn đồng hành cùng các DN, nhưng hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN còn đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn sản xuất và chi phí đầu vào còn cao, thiếu lao động lành nghề, sản phẩm đầu ra không ổn định, tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm, làm ảnh hưởng tiến độ thi công, DN còn vướng mắc khi thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất...
Theo ông Trương Đăng Khoa, hiện nay thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, các lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh như nông nghiệp, du lịch... chưa có các dự án lớn. Việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh còn chậm, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tỉnh rất quan tâm chỉ đạo công tác cải cách TTHC nhưng vẫn còn hạn chế nên việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương còn nhiều bất cập.
"Để kiến tạo môi trường đầu tư, Cà Mau cần tận dụng những lợi thế, tiềm năng sẵn có của tỉnh, tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch theo Quyết định số 438/QĐ-UBND ngày 2/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh", ông Trương Đăng Khoa nhấn mạnh.
Thời gian tới tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp với quy hoạch, đảm bảo đồng bộ từng ngành, từng địa phương và đảm bảo sự kết nối với nhau (kể cả với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL), nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực thuỷ sản vốn là thế mạnh của tỉnh và các dự án đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng khí tự nhiên như điện, đạm và một số ngành sử dụng khí thấp áp, năng lượng sạch, dịch vụ cảng biển, dịch vụ đánh bắt thuỷ sản, chế biến gỗ, du lịch sinh thái....
Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và CCHC. Đẩy mạnh hỗ trợ DN phát triển, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ. Tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực tỉnh Cà Mau đến năm 2020 làm định hướng để có kế hoạch thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đồng thời triển khai những chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho DN, doanh nhân của tỉnh./.
Hồng Phượng