Việc gia hạn này nhằm mục đích để cơ quan điều tra cân nhắc, xem xét thận trọng các chứng cứ, thông tin và quan điểm của các bên liên quan trong vụ việc nói trên.
Trước đó, ngày 6-7, Bộ Công Thương đã ban hành số 2847/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu có mã HS7210.7010, 7210.7090, 7212.4010, 7212.4020, 7212.4090, 7225.9990, 7226.9919, 7226.9999 nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau (mã số vụ việc SG05).
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH10 về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, trong trường hợp cần thiết, thời gian điều tra có thể được gia hạn một lần không quá 2 tháng tiếp theo.
Với tình trạng lượng tôn mạ nhập khẩu tăng 200% đang khiến cho thị phần của các nhà sản xuất tôn mạ màu trong nước bị thu hẹp, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trước đó cũng có kiến nghị gửi tới Văn phòng Chính phủ và các bộ sớm ban hành quyết định áp thuế tự vệ thương mại tạm thời đối với sản phẩm tôn mạ màu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Do tác động của hàng tôn mạ màu nhập khẩu, thị phần bán hàng nội địa của các nhà sản xuất trong nước chỉ chiếm 53% (bị thu hẹp 11% so với cùng kỳ năm 2015), trong khi lượng tôn mạ nhập khẩu chiếm tới 47% thị phần.
Thêm vào đó, giá bán tôn mạ màu nhập từ Trung Quốc thấp hơn so với giá bán tôn phủ màu được sản xuất tại Việt Nam trung bình 6,7 triệu đồng/tấn, tương đương 31%. Mức chênh lệch này là rất lớn nên hiện tại sản phẩm tôn phủ màu được sản xuất tại Việt Nam không thể cạnh tranh với tôn mạ giá thấp nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Cho đến nay, đã gần 4 tháng kể từ khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn mạ màu. Nếu để thời gian điều tra kéo dài lượng nhập khẩu sẽ tăng cao nữa, đe dọa nghiêm trọng tới công nghiệp sản xuất tôn mạ màu Việt Nam”, công văn của VSA nêu rõ.