Đây là ý kiến của nhiều DN tại Hội thảo góp ý hoàn thiện Luật An ninh mạng diễn ra vào chiều 9/10 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức.
Tại hội thảo, các đại biểu đều đồng ý với việc phải có một văn bản cấp luật điều chỉnh những vấn đề về an ninh mạng nhằm ngăn chặn các vấn đề về tội phạm mạng, tấn công mạng, bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự phát triển của mạng Internet.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, việc thiết lập hành lang pháp lý nhằm đảm bảo an ninh mạng là vô cùng cần thiết. Với các DN, bảo mật an toàn thông tin trên Internet sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của DN, giúp tạo động lực và cơ sở để thu hút đầu tư vào công nghệ thông tin, đưa công nghệ thông tin ra ứng dụng, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động của DN.
Vì thế, Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, gồm 8 chương và 55 Điều, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Dự thảo có phạm vi điều chỉnh và một số nội dung liên quan tới hoạt động của các tổ chức, DN cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các tổ chức, cá nhân thàm gia hoạt động trên không gian mạng.
Tuy nhiên, mặc dù đánh giá cao tầm quan trọng của dự án luật, nhưng các chuyên gia và DN đều bày tỏ sự quan ngại do phạm vi điều chỉnh quá rộng của dự luật, có thể dẫn tới những quy định chồng chéo với nhiều văn bản pháp lý trước đây như Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử…
Ngoài ra, một số quy định trong dự luật như các quy định về cấp phép, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy không chỉ trung lặp với một số quy định trong các luật khác mà còn tạo nên những gánh nặng thủ tục chồng chéo đối với các DN có hoạt động liên quan đến an ninh mạng.
Cụ thể, theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham), dự thảo luật có nguy cơ trở thành rào cản đối với nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam, làm tăng khó khăn và chi phí hoạt động kinh doanh.
Ông Adam Sitkoff cho rằng, những yêu cầu liên quan đến lưu trữ dữ liệu có nguy cơ làm tăng chi phí hoạt động kinh doanh của DN trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, các DN nhỏ và vừa sẽ chịu tác động lớn có ít có nguồn lực trong việc đảm bảo tính tuân thủ về yêu cầu lưu trữ dữ liệu, cũng như yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm toán…
Tuy vậy, mặc dù còn nhiều điểm chưa hài lòng về dự thảo, nhưng các DN đều thống nhất quan điểm cần sớm hoàn thiện Luật An ninh mạng, giúp thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nền công nghệ thông tin, hỗ trợ các DN hoạt động hiệu quả.