(CMO) Giám sát chuyên đề là nội dung quan trọng trong công tác HĐND của thường trực, các ban và tổ đại biểu. Công tác này liên quan đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử nên được xác định là một trong những điểm đột phá, đổi mới của HĐND Cà Mau.
Ông Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, thông tin: “Kế hoạch giám sát phải cụ thể hoá chương trình giám sát của HĐND, phù hợp với quy định pháp luật và sát với tình hình địa phương”.
Ngoài làm việc với các ngành chức năng, địa phương, HĐND tỉnh còn tổ chức nhiều đoàn đến gặp gỡ, trao đổi, khảo sát trực tiếp người dân, doanh nghiệp, cán bộ cơ sở… để thu thập thông tin đa chiều, bảo đảm kết quả giám sát phản ánh trung thực, dân chủ và khách quan những vấn đề cuộc sống đặt ra.
Năm 2017, HĐND tỉnh Cà Mau đã tổ chức 37 đoàn giám sát, khảo sát với 144 lượt cơ quan, đơn vị, tổ chức trong tỉnh với nhiều hình thức linh động, phù hợp.
Ông Khải cho biết: “Trong giám sát chuyên đề, HĐND tỉnh lựa chọn hình thức giám sát phù hợp, thành phần đoàn giám sát theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có những thành viên am hiểu về lĩnh vực giám sát”.
Sau mỗi đợt giám sát đều có báo cáo kết quả giám sát theo đúng quy trình, quy định.
Về công tác chuẩn bị cho chương trình giám sát chuyên đề, theo ông Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh: “Không nên tập trung vào văn bản báo cáo, phải nắm sâu sát tình hình thực tế, lắng nghe ý kiến của các bên liên quan. Thành viên đoàn giám sát nhất thiết phải am hiểu, quan tâm và có chủ kiến, có trách nhiệm khi tham gia phát biểu đóng góp ý kiến”.
Đợt khảo sát về tình hình bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Cà Mau vào đầu tháng 4/2018 của Ban Văn hoá - Xã hội, việc chuẩn bị đã được xúc tiến từ trước đó khá lâu. Công việc của đoàn giám sát không chỉ là ghi nhận báo cáo một chiều từ ngành chủ quản, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý mà là xem xét thực trạng, ý kiến của người dân, của viên chức cơ sở gắn với điều kiện thực tiễn của từng di tích. Báo cáo kết quả đã chỉ ra nhiều kết quả tích cực, song cũng đã chỉ ra không ít những thách thức, khó khăn trong lĩnh vực di tích. Bà Ngô Ngọc Khuê, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh đã nêu ra những yêu cầu cấp thiết, đề xuất và kiến nghị cụ thể với ngành chủ quản, đơn vị quản lý, với từng địa phương và với UBND tỉnh để xở gỡ khó khăn đó.
Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh giám sát chuyên đề lao động, việc làm tại huyện U Minh. |
Một trong những vấn đề quan trọng của kết quả giám sát chuyên đề đó là tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin và những chuyển biến của lĩnh vực sau giám sát. Hoạt động của cơ quan dân cử nhờ có theo dõi sau giám sát mới phát huy hết chức trách, vai trò, thoát khỏi tính hình thức và xây dựng được lòng tin cho nhân dân. Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện nhiều lần nhấn mạnh: “Không thể kiến nghị, đề xuất rồi để đó theo kiểu buông đuôi, vấn đề là tiếp tục theo dõi, nắm bắt xem vấn đề đó đã được giải quyết hay chưa và nếu có giải quyết thì kết quả đến đâu, nhân dân đánh giá thế nào”.
Đến nay, hầu hết kết quả giám sát của HĐND tỉnh Cà Mau đã tác động tích cực đến việc giải quyết các vấn đề bức xúc tại địa phương, tạo được niềm tin của nhân dân với hoạt động của cơ quan dân cử. Đây cũng là tiền đề, cơ sở quan trọng để HĐND tỉnh bàn bạc, thảo luận, từ đó biểu quyết những vấn đề hệ trọng của địa phương.
Bên cạnh đó, kết quả của các chuyến giám sát, khảo sát chuyên đề còn là căn cứ để đánh giá năng lực, hiệu quả điều hành, lãnh chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các ngành, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Đây cũng chính là vấn đề được tập trung xoáy sâu, nhấn mạnh khi HĐND tiến hành các cuộc tiếp xúc cử tri, chất vấn đại biểu…
Tuy nhiên, giám sát chuyên đề cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt, một số cơ quan, đơn vị được chọn giám sát, khảo sát xây dựng báo cáo còn chung chung, có tình trạng chỉ báo cáo thành tích mà làm mờ nhạt đi những khó khăn, hạn chế, gây khó khăn trong việc nắm bắt, đánh giá thông tin của đoàn giám sát. Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND lưu ý: “Khó khăn thì phải mạnh dạn nhìn nhận, báo cáo, cùng nhau bàn bạc biện pháp giải quyết. Khó chỗ nào kiến nghị chỗ đó, không đề xuất, kiến nghị kiểu chung chung, không gắn với thực tế”.
Một vấn đề nữa là sau giám sát, một số chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng giám sát còn chuyển biến chậm, chưa kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém. Trách nhiệm ở đây không chỉ là của đối tượng được giám sát, cơ quan chức năng mà theo đánh giá của ông Khải còn là “một số đoàn giám sát chưa thật sự quyết liệt, chưa có sự theo đuổi đến cùng”. Đó là chưa kể, một số nơi còn chưa nhận thức hết sự quan trọng của các đoàn giám sát, cử những người không có trách nhiệm cao nhất, nắm bắt không đầy đủ vấn đề để làm việc, gây rất nhiều khó khăn cho các đoàn khi thâm nhập và nắm bắt thông tin trong quá trình khảo sát.
Trên những kết quả và hạn chế đạt được, ông Dương Huỳnh Khải cho rằng: “Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh vẫn cần phải tiếp tục đổi mới. Cần sự tham gia, chỉ đạo tích cực hơn nữa của những người đứng đầu cơ quan dân cử, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đại biểu HĐND, tăng cường theo dõi, kiểm tra sau giám sát. Trong thời gian tới của nhiệm kỳ, giám sát chuyên đề và giám sát đột xuất sẽ là những nội dung được tập trung quyết liệt để đổi mới và nâng cao chất lượng. Đây cũng là mấu chốt của việc xây dựng cơ quan dân cử thật sự của dân, do dân và vì dân./.
Phạm Nguyên