CẦU NỐI GIỮA ĐẢNG VỚI DÂN
Không chỉ giỏi làm kinh tế,ữngldquongọnđuốcrdquovugravengdacircntộcthiểusốnam định vs hà nội những cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) còn là tấm gương sáng luôn sâu sát cơ sở, nắm rõ phong tục, tập quán, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS. Từ đó, họ đề xuất với chính quyền những giải pháp căn cơ, hiệu quả để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và làm đổi thay diện mạo vùng nông thôn. Họ trở thành cánh tay đắc lực, cầu nối hiệu quả giữa cấp ủy, chính quyền với người dân địa phương.
Nói dân nghe, làm dân tin
Là người S’tiêng nhưng qua cách nói, cách làm, cách suy nghĩ… ông thực sự gây ấn tượng với bất kỳ ai khi gặp. Ông là Điểu Kem (SN 1963), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bù Ka 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng.
Năm 1979, ông Điểu Kem là người “giữ chân” đồng bào và chọn vùng đất Bù Ka 2 định cư lâu dài, vì địa hình bằng phẳng, thổ nhưỡng tốt tươi. Đó cũng là khoảng thời gian giúp nhiều hộ đồng bào S’tiêng chấm dứt tình trạng du canh, du cư. Khi được tín nhiệm làm cán bộ thôn, ông đã “quy hoạch” 3 ha đất bằng phẳng ở trung tâm thôn làm nơi xây dựng nhà văn hóa, điểm trường học, khu vui chơi giải trí, thể thao cho người dân. Trải qua hàng chục năm với nhiều biến cố, thăng trầm nhưng vùng đất được ông “quy hoạch” nay vẫn nguyên vẹn.
Ngoài làm kinh tế giỏi, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bù Ka 2, xã Long Hà Điểu Kem còn luôn sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để biết dân cần gì, muốn gì
Năm 1994, ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn và năm 2017 giữ thêm chức Bí thư chi bộ. Làm cán bộ ở khu dân cư có 90% người DTTS với trình độ dân trí, nhận thức về các vấn đề xã hội còn hạn chế là thử thách đối với ông. Nhưng bằng tinh thần, trách nhiệm, ông luôn kiên trì gần gũi và gắn bó với người dân. Ông cho rằng, muốn giúp dân trước hết phải gần dân, hiểu dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để biết dân cần gì, muốn gì.
Để làm gương cho đồng bào mình vươn lên trong cuộc sống, ông đã xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. Ngay từ năm 2003, gia đình ông đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và cũng là hộ đầu tiên trên địa bàn xã Long Hà xây dựng căn nhà 2 tầng khang trang, bề thế. Ngoài 25 ha đất sản xuất, sắm đầy đủ máy móc, phương tiện, ông còn mua 3 xe ôtô chuyên chở công nhân, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương. Những năm qua, ngoài tuyên truyền, vận động hàng chục thanh niên, người dân đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, những hộ khó khăn về nhà ở được ông tận tình hỗ trợ kinh phí.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, ý chí vươn lên của các hộ dân, đặc biệt là sự tận tâm và đầy trách nhiệm của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Điểu Kem, thôn Bù Ka 2 đã trở thành một trong những thôn DTTS giảm nghèo nhanh của tỉnh. Năm 2017, thôn có 36 hộ nghèo thì nay còn 6 hộ. Đời sống người dân nơi đây đang khởi sắc từng ngày. Nhiều hộ đã sắm được ôtô, máy cày phục vụ cuộc sống và sản xuất, kinh doanh.
Phần lớn hộ DTTS nghèo là do không có việc làm ổn định, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Những người có sức khỏe mà lười lao động và thích hưởng thụ là không nên. Muốn thoát nghèo thì tự mình phải tìm việc làm và quan trọng hơn là nỗ lực vươn lên. |
Ông Điểu Kem, Trưởng thôn Bù Ka 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng |
Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội nông dân như tiếp thêm động lực, sức mạnh để anh Điểu Đách (SN 1981), ngụ thôn Sơn Trung, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập vươn lên làm giàu chính đáng và tích cực với các hoạt động xã hội.
Với 1,5 ha đất sản xuất ban đầu, đến nay gia đình anh tích góp mua thêm 2,5 ha trồng điều, cao su. Ngoài ra, anh còn xây chuồng trại chăn nuôi và mua xe ba gác chạy dịch vụ với tổng thu nhập gần 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Từ nguồn thu có được, ngoài nuôi con ăn học, đầu năm 2021 anh còn làm căn nhà Thái khang trang với kinh phí xây dựng hơn 500 triệu đồng.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, năm 2019 anh tiên phong hiến 2.000m2 đất cho xã làm đường giao thông nối thôn Bù Kroai với thôn Sơn Trung. Ngoài ra, anh thường xuyên hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và được người dân tin tưởng làm theo. Hiện khu dân cư có nhiều hộ DTTS khá lên nhờ mô hình kinh tế tổng hợp như ông Điểu Dul, Điểu Chhach…
Anh Điểu Đách nhấn mạnh: Thôn phần lớn là đồng bào S’tiêng với phương thức sản xuất lạc hậu nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vì thế, là cán bộ, đảng viên tôi phải tiên phong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho các hộ noi theo.
Tiên phong phát triển kinh tế
Những năm gần đây, các mặt hàng nông sản vừa mất mùa lại rớt giá. Nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh tùy vào điều kiện kinh tế, thổ nhưỡng, nguồn nước đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và bước đầu cho kết quả khả quan. Trong số đó có không ít cán bộ, đảng viên người DTTS tiên phong làm gương cho đồng bào mình. Điển hình như hộ ông Điểu Kem đã thanh lý 3 ha cao su để trồng thử nghiệm sầu riêng xen bơ Mỹ và chanh không hạt, kết hợp nuôi gà thả vườn.
Ông Kem cho biết, mô hình hiệu quả sẽ cho thu nhập nhiều nguồn trên cùng đơn vị diện tích. Muốn nuôi con gì, trồng cây gì hay đầu tư kinh doanh bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải nghiên cứu kỹ thị trường. Thị trường là yếu tố sống còn của nhà sản xuất, kinh doanh, nếu thấy lợi trước mắt mà đua nhau làm thì tỷ lệ thành công thấp.
Gia đình anh Lâm Nhanh đã đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trước đó, cha ruột anh Lâm Nhanh là già làng Lâm Hớ từng vận động đồng bào mình xóa bỏ các hủ tục, đưa các giống lúa mới về trồng 3 vụ/năm và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất cho năng suất, chất lượng cao. |
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh Lê Khắc Phú |
Thổ nhưỡng khu vực ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh phần lớn là đất cát, lại ở vùng trũng nên không phù hợp với cây trồng lâu năm. Mặc dù nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân chung thủy với cây điều nhưng luôn thất thu, mỗi vụ chỉ đạt từ 1-2 tạ/ha. Làm thế nào để nâng cao thu nhập cho nông dân là trăn trở của lãnh đạo xã Lộc Hưng.
Năm 2020, khi được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hưng, anh Lâm Nhanh (SN 1985) đã tiên phong đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng nhà màng trồng 1.000m2dưa lưới công nghệ cao. Sau vụ đầu vừa làm vừa nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi anh dần tích lũy kinh nghiệm. Đến nay, sau 5 vụ dưa với giá bán ổn định, anh Nhanh cơ bản đã thu hồi vốn đầu tư. Từ thành công này, anh vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập. Đến nay, ấp 4 đã có 15 hộ chuyển sang trồng dưa lưới với diện tích 4 ha đang cho thu nhập ổn định. “Cái gì mới mà chẳng khó nhưng nếu có ý chí, quyết tâm cao và thực sự đam mê thì nhất định sẽ thành công” - anh Lâm Nhanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hưng chia sẻ.
Ngoài trồng dưa lưới, những vùng đất không phù hợp với cây điều, cao su được anh Lâm Nhanh chuyển sang trồng tầm vông với diện tích 1,2 ha. Đầu ra của loại cây này đang rất tốt, giá bình quân từ 28-30 ngàn đồng/cây. Với 1,2 ha tầm vông, sau 5 năm sẽ cho thu hoạch khoảng 6.000 cây, tương ứng từ 150-180 triệu đồng.