Quy về một mối?
Hiện nay, các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát tài chính gồm Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ủy ban giám sát tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, thực trạng nền kinh tế đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực của các cơ quan giám sát tài chính và trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới áp dụng mô hình quản lý giám sát thống nhất, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng Việt Nam cũng nên tham khảo mô hình này.
PGS. TS. Tô Ngọc Hưng cho biết, theo kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới, mô hình giám sát phân tán theo thể chế thường được áp dụng tại hầu hết những quốc gia chưa phát triển, quy mô thị trường tài chính còn nhỏ. Xu hướng chuyển dần từ mô hình giám sát phân tán sang mức độ khác nhau của mô hình giám sát hợp nhất hiện đang ngày càng rõ hơn. Các nước trên thế giới đã cải tổ mạnh mẽ cấu trúc giám sát theo hướng tập trung chức năng giám sát thị trường tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm vào một đơn vị duy nhất.
Vì vậy, PGS. TS. Tô Ngọc Hưng cho rằng nên hình thành một cơ quan giám sát tài chính theo mô hình hợp nhất tại Việt Nam trong tương lai. Theo đó, phát triển UBGSTCQG hiện tại trở thành bộ phận quản lý Nhà nước trong hoạt động giám sát tài chính cùng với lộ trình tăng cường chức năng quản lý Nhà nước về giám sát tài chính cho UBGSTCQG song song với củng cố các cơ quan giám sát chuyên ngành.
Ngoài ra, theo ông Hưng những quy định mang tính pháp lý về hoạt động dành cho UBGSTCQG hiện tại là tương đối hạn chế và chưa cụ thể. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác thực hiện chức năng giám sát của UBGSTCQG với tư cách là một cấu phần của hệ thống giám sát tài chính quốc gia.
Còn theo TS. Nguyễn Đại Lai, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, vào thời điểm thành lập năm 2008, UBGSTCQG “có chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, giám sát hợp nhất hoạt động của các tập đoàn tài chính... Tuy nhiên, về chức năng, nhiệm vụ, cơ quan này chỉ được làm việc theo cơ chế tham mưu, tư vấn cho Thủ Tướng Chính phủ, kiến nghị các cơ quan thực hiện đúng quy trình và cơ chế giám sát. Về quyền lực, hầu như Uỷ ban này không có quyền ban hành bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào trong khi đối tượng để “phối hợp” về lĩnh vực giám sát thị trường tiền tệ ở các lĩnh vực lại hoàn toàn trực thuộc ngành quản lý.
Do đó, TS. Lai cho rằng, thực tế thị trường tài chính đang đòi hỏi hoàn thiện thêm một bước vị thế pháp lý và quyền lực cho UBGSTCQG theo hướng là cơ quan quyền lực cấp quốc gia, trực thuộc Chính phủ, được ban hành quyết định, thông tư. Theo đề xuất của TS. Lai, cơ quan này được can thiệp vào việc tăng cường chất lượng, năng lực của bộ máy tổ chức, nhân sự cấp cao của các cơ quan thanh tra, giám sát chuyên ngành trong các thị trường bộ phận của thị trường tài chính.
Tăng cường phối hợp chuyên môn
Tuy nhiên, ở một quan điểm khác, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc cần thực hiện lúc này là tăng cường phối hợp giữa các cơ quan giám sát tài chính hiện nay thay vì đề xuất thống nhất thành một mối.
Trong thị trường tài chính, theo dõi sự chung truyển của dòng tiền rất quan trọng đối với các cơ quan giám sát tài chính quốc gia. Để thực hiện việc này, thời gian qua Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước đã có sự phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để theo dõi được dòng tiền trung chuyển trên thị trường. Thực tế cho thấy, sự phối hợp này có hiệu quả tích cực. Do đó, ông Nghĩa cho rằng, để nâng cao năng lực của hệ thống giám sát tài chính hiện nay cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan. Nếu thực hiện theo hướng thống nhất các cơ quan hiện nay về một mối sẽ phát sinh nhiều vấn đề như phân công quyền lực, thậm chí phải sửa cả một số văn bản luật để thực hiện việc này như Luật Thanh tra.
Đồng tình với quan điểm này, theo TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cần củng cố, chấn chỉnh lại ngay từng cơ quan quản lý, giám sát an toàn vi mô chuyên ngành hiện có, đồng thời cải thiện nhanh chóng quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia, tiếp cận theo hướng giám sát an toàn vĩ mô đặt trong khuôn khổ duy trì ổn định tài chính thích hợp được thiết lập.
Hồ Huệ