Nhiều quy định được giải trình và tiếp thu
Thảo luận tại phiên họp,ốngnhấtmộtđầumốiQuảnlýnợcôngĐặtlợiíchquốcgialêntrênhếvdqg nauy nhiều đại biểu đã cơ bản bày tỏ quan điểm đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn và vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải trình bày.
Theo đó, về phạm vi nợ công, UBTCNS và Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến ĐBQH, bỏ Khoản 3 Điều 1 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội để bảo đảm hợp lý, chặt chẽ. Qua giải trình, các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước; khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ; nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng và nợ cấp bù lãi suất đối với 2 ngân hàng chính sách; nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được báo cáo đề nghị UBTVQH cho giữ như Dự thảo luật.
Cần phải thống nhất đầu mối quản lý nợ công, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Nếu vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, thì đề nghị hai cơ quan này cần làm việc thêm với nhau để thống nhất lại, đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu đưa ra lý do không thay đổi đầu mối quản lý để tránh làm xáo trộn chức năng nhiệm vụ tổ chức của một số cơ quan thì không thuyết phục, không hợp lý với việc cải cách hành chính nhà nước hiện nay. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân |
Báo cáo giải trình cho biết thêm, có ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công, đặc biệt trong trường hợp sử dụng vốn vay không hiệu quả; Dự thảo luật chưa cân đối giữa quy định về quyền hạn và trách nhiệm. Ý kiến khác cho rằng, một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan chưa rõ ràng, có thể chồng chéo trong quá trình thực hiện.
UBTCNS và cơ quan soạn thảo cho rằng: Dự thảo luật đã quy định nhiều nội dung nhằm xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vốn vay tại các Điều 22, 23, 43, 51. Để bảo đảm quyền hạn đi đôi với trách nhiệm, tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, UBTCNS đã đề nghị bổ sung quy định các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đồng thời, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận, sử dụng vốn vay hoặc được bảo lãnh vay vốn; và bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan trong quy trình quản lý nợ công.
Về chỉ tiêu an toàn nợ công, báo cáo đề xuất UBTVQH cho giữ các chỉ tiêu như Dự thảo luật, đồng thời, bổ sung quy định về ngưỡng cảnh báo nợ công theo hướng: “Chỉ tiêu an toàn nợ công là hệ thống chỉ tiêu quy định mức trần và ngưỡng cảnh báo về nợ do Quốc hội quyết định...”.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cơ bản thống nhất và đồng tình với nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTCNS và có thêm một số ý kiến.
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh của Luật, về cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình, nhưng Bộ trưởng đề nghị giữ lại Khoản 3, Điều 1 trong Dự thảo: “Luật này quy định về quản lý nợ công bao gồm huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công”... Về chỉ tiêu an toàn nợ công, Bộ trưởng đề nghị giữ nguyên như dự thảo là có thêm “chỉ tiêu về nợ nước ngoài của Quốc gia so với GDP”.
Về chiến lược, Bộ trưởng thống nhất bỏ Khoản 2, điều 7 như báo cáo của UBTCNS, nhưng đề nghị bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ là người phê duyệt chiến lược quản lý nợ công.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, “trong chỉ tiêu an toàn nợ công, báo cáo của UBTCNS ghi là Chính phủ quy định hạn mức bảo lãnh chính phủ hàng năm và Chính phủ quy định cấp bảo lãnh cho từng chương trình dự án cụ thể. Chúng tôi đề nghị việc quy định cấp bảo lãnh cho từng chương trình dự án cụ thể thì giao cho Thủ tướng Chính phủ”.
Một đầu mối hay ba đầu mối cần đánh giá lại
Chia sẻ về các ý kiến còn khác nhau về việc thống nhất chung một đầu mối hay giữ nguyên ba đầu mối trong quản lý nợ công hiện nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay: “Trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật theo yêu cầu của Chính phủ, chúng tôi cũng đề xuất phương án là một đầu mối, để vừa theo thông lệ quốc tế, vừa khắc phục tồn tại, hạn chế hiện nay. Đương nhiên, khi chúng ta làm cái mới thì khó tránh khỏi những va chạm đến con người, đến chức năng nhiệm vụ của các đơn vị”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: DT |
“Như phát biểu của tôi trước Quốc hội, để đảm bảo thông lệ và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, chúng ta triển khai Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và chuẩn bị cho Đề án Hội nghị Trung ương 6 sắp tới về tổ chức bộ máy, trong đó có một nguyên tắc rất quan trọng là “một việc chỉ một người làm” và “một người làm nhiều việc”. Nhưng thực tế công tác quản lý nợ công hiện đang là “một việc ba người làm”, Bộ trưởng nói.
“Hôm nay UBTVQH cho ý kiến, chúng tôi cũng sẽ báo cáo lại với Chính phủ. Riêng với Bộ Tài chính, chúng tôi vẫn giữ quan điểm ngay từ đầu là một đầu mối; nhưng nếu Chính phủ đồng ý ba đầu mối tốt hơn, thì chúng tôi chấp hành”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Cho ý kiến về đầu mối quản lý nợ công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Quan điểm của Đoàn Công tác Quốc hội giám sát cải cách hành chính công đã nói nhiều và Chính phủ cũng đã nhận khuyết điểm về việc này và sẽ sửa đổi cho phù hợp với xu hướng: Một bộ làm nhiều việc, nhưng một việc không để nhiều bộ làm. Điều này Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ và sắp tới Đề án Nghị quyết Trung ương 6 cũng sẽ tiếp tục bàn thảo rất quyết liệt. Nhưng nếu bây giờ chúng ta làm Luật Quản lý nợ công mà đi ngược xu hướng đó là không được”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.
“Có một thực tế là bộ nào đang làm nhiệm vụ gì mấy chục năm nay thì vẫn muốn làm tiếp. Tôi không nói là các bộ làm không đúng, nhưng một người đi đàm phán, một người phân bổ vốn, một người cân đối để trả nợ, thì ở trên thế giới rất hiếm quốc gia nào giống Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Do vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Chúng ta cần quyết tâm bỏ bớt quyền lợi, nghiệp vụ của từng cơ quan đi, mà nghĩ tới cái chung, một đất nước hội nhập. Chúng ta muốn hội nhập với kinh tế thế giới, thì cũng phải hội nhập trong công tác quản lý nền tài chính - tiền tệ: Ngân hàng làm quản lý chính sách tiền tệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư lo về định hướng chiến lược phát triển,... còn tài chính đất nước thì nên để cho Bộ Tài chính làm. Tài chính mới làm được việc là thu gì, chi gì, thiếu chi thì vay đâu, vay về làm gì phải đúng mục tiêu chiến lược, kế hoạch đề ra và phải lo để cân đối trả nợ”.
Kết thúc buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra ngồi lại với nhau bàn thảo, rà soát lại theo đúng tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, phân định rõ vai trò chức năng quản lý nhà nước, tập trung cho tập thể, hạn chế quyền cá nhân. Cần có báo cáo đánh giá để ba đầu mối như hiện nay tác động thế nào và thống nhất một đầu mối thì ra sao, sau đó sẽ trình ra để UBTVQH tiếp tục cho ý kiến trong phiên họp sau./.
Duy Thái