Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nêu quan điểm,ảiquyếtkhókhănchodoanhnghiệpkhôngchỉdựavàogiảmthuếbxh nha google việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp không nên chỉ dựa vào thuế.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều nay (28/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Cần tối ưu hóa nguồn thu ngân sách
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) ủng hộ cao các giải pháp của Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hỗ trợ cho phát triển doanh nghiệp.
Theo đại biểu Sơn, từ năm 2022 đến nay, việc liên tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% đã có những tác động rất tích cực, kích thích quá trình sản xuất tái đầu tư của doanh nghiệp cũng như kích thích tiêu dùng. Đây là một trong ba trụ cột truyền thống để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo đại biểu tỉnh Bến Tre, việc giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025 cần phải có phương án dự phòng để cân đối hài hòa về ngân sách trong triển kinh tế, xã hội của đất nước.
"Việc giảm 2% VAT là một trong những giải pháp có những tác động rất tích cực. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có giải pháp dự phòng để thu ngân sách, nếu năm 2025 thông qua các dự án lớn, đặc biệt là 5 Chương trình mục tiêu quốc gia, cần ngân sách rất lớn. Tôi cũng đề nghị, quá trình thu và chi ngân sách đảm bảo cân đối hài hòa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội", đại biểu Nguyễn Trúc Sơn nêu ý kiến.
Bày tỏ sự đồng tình và thống nhất cao đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, việc giảm 2% thuế suất thuế VAT nhằm thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững cho nền kinh tế là một chủ trương đúng đắn và kịp thời kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức.
Chính sách giảm thuế VAT không chỉ hỗ trợ sản xuất kinh doanh mà còn góp phần kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, chính sách này sẽ tác động đến ngân sách Nhà nước.
Việc giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 26.100 tỷ đồng trong ngắn hạn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách, đặc biệt là đối với ngân sách địa phương.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, mặc dù giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp ngắn hạn, hiệu quả nhưng cần có các giải pháp đồng bộ, dài hạn nhằm cải thiện năng lực sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa và đặc biệt là tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Song song với việc giảm thuế, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, cần tối ưu hóa nguồn thu ngân sách và Chính phủ cũng cần xây dựng và triển khai các biện pháp nhằm tăng cường thu ngân sách từ các nguồn thu khác ngoài thuế VAT để bù đắp phần hụt thu này.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát thuế, phối hợp liên ngành, cơ quan thuế, hải quan và các cơ quan chức năng khác trong việc kiểm sát các hành vi trốn thuế, hành vi chuyển giá, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) kiến nghị, nên kéo dài thời gian của Nghị quyết lên 1 năm thay vì 6 tháng như đề xuất của Chính phủ.
Không chỉ dựa vào giảm thuế
Giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho hay, giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng, số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm đi khoảng 26.000 tỷ đồng. Con số này các tỉnh và các bộ, ngành phải nỗ lực để đảm bảo được dự toán ngân sách.
“Chúng tôi đang đề nghị ở mức 6 tháng, bởi vì trong năm 2025 sẽ chưa lường trước được những khó khăn, đặc biệt các vấn đề về xuất khẩu. Quan trọng nhất là làm thế nào để doanh nghiệp ngày một mạnh lên và hăng hái hơn khi đóng góp vào cho ngân sách để chúng ta không bội chi ngân sách, không phải đi vay nước ngoài, không phải vay của dân nữa, đó mới là mục tiêu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nêu quan điểm, việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp không nên chỉ dựa vào thuế, thuế chỉ là một giải pháp, muốn giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp thì chúng ta phải giải quyết bằng các cơ chế, chính sách, ví dụ như: thủ tục đầu tư, ví dụ giải quyết vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, cấp phép, giải quyết các thủ tục về đất, hỗ trợ tín dụng, thị trường, nguồn nhân lực và các công nghệ,… chứ không phải thuế.
(Nguồn: Báo điện tử VOV)Link: https://vov.vn/kinh-te/pho-thu-tuong-giai-quyet-kho-khan-cho-doanh-nghiep-khong-chi-dua-vao-giam-thue-post1138688.vov?fbclid=IwY2xjawG1WJ9leHRuA2FlbQIxMAABHYrx1JWmzl_WY-Bp3mMDxJBTxQZnk4wKvO0LtlOQ7JHjS_cZgwYuE7t1DQ_aem_vFw4TOAUpJuT5qoYyYBS3g