Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung |
Những tín hiệu ấm lên của thị trường tài chính trong thời gian gần đây cho thấy, các yếu tố có thể tạo ra sự “xoay chuyển” có thể đang dần xuất hiện. Về tín dụng ngân hàng, tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 13,5%, chỉ thấp hơn chút ít so với mục tiêu 14%, đặc biệt tăng trưởng tăng tốc khá nhanh trong giai đoạn cuối năm. So với tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP năm 2023 là 5,05%, tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh gấp hơn 2,67 lần.
Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước về tăng trưởng tín dụng năm 2024 dự kiến đưa ra là 15%. Những diễn biến phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu vốn xuất hiện từ cuối năm 2023 cho thấy, nền kinh tế trong giai đoạn đón đầu cơ hội phục hồi trong năm 2024 và đang cần các nguồn lực tài chính. Đặc biệt, vốn trung và dài hạn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các yếu tố bền vững cho nền kinh tế. TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, doanh nghiệp có thể huy động nhiều nguồn vốn khác nhau. Một trong những kênh dẫn vốn dài hạn cho doanh nghiệp là trái phiếu.
Nhu cầu nguồn lực tài chính đầu tư cho tăng trưởng xanh Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực. |
Nhìn lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 cũng cho thấy những diễn biến chuyển động tích cực. Số liệu do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp cho biết, riêng trong tháng 12/2023 đã có 55 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 12 với tổng giá trị hơn 42.805 tỷ đồng.
Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 7,1%/năm, kỳ hạn trung bình 6 năm. Lũy kế cả năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, với 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.070 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 274.170 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng số).
Vai trò của trái phiếu ngoài yếu tố bền vững do tính chất dài hạn của dòng vốn sẽ có thể có thêm sự cộng hưởng trong việc thực thi mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.
Ảnh minh họa |
Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh. Trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án/công trình xanh như thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời…
Để khuyến khích thị trường trái phiếu xanh phát triển, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ của trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán.
Thời gian qua, một số tổ chức phát hành cũng đã tận dụng các lợi thế nhờ chính sách và qua đó thu hút được những nguồn vốn lớn phục vụ kinh doanh. Chẳng hạn như trong năm 2023, Ngân hàng BIDV đã thực hiện phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu trong nước có khung trái phiếu xanh được xếp hạng bởi Moody’s. Việc phát hành trái phiếu xanh thực tế đã đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức phát hành. Trong đó, một trong những yếu tố dễ đem lại thành công là đánh vào “cảm xúc” của nhà đầu tư, khi họ cảm thấy việc đầu tư của họ ngoài yếu tố tài chính, còn là hành động gắn với trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.
Với tư cách đại diện nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu xanh BIDV tại thời điểm ngân hàng này phát hành, ông Ngô Thế Triệu - Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ Eastspring Investments cho biết, việc tham gia đầu tư trái phiếu xanh là một minh chứng thể hiện nỗ lực của Eastspring Việt Nam và Prudential Việt Nam hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
“Với chính sách đầu tư có trách nhiệm, chúng tôi ủng hộ các sáng kiến phát triển bền vững toàn cầu và đội ngũ đầu tư của chúng tôi luôn xem xét đánh giá các yếu tố môi trường - xã hội - quản trị (ESG) trong quá trình đầu tư để phù hợp với các triết lý và quy trình của công ty, đồng thời cũng là triết lý hoạt động của Tập đoàn Prudential" - ông Triệu nói.
Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP (quy định việc giảm nhẹ phát thải nhà kính), Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon. Theo lộ trình về thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước, giai đoạn đến hết năm 2027 là thời gian thực hiện xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Giai đoạn này cũng triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon và từ năm 2025 sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Tiếp đó, giai đoạn từ năm 2028, dự kiến sẽ chính thức tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon và thực hiện quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách, cải thiện dư địa tài khóa; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. |