Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh Đắk Nông đã,ườidândoanhnghiệpĐắkNônghưởnglợitừdịchvụcôngnhờchuyểnđổisốketquanongda đang triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, giúp người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Theo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông, công tác chuyển đổi số của Đắk Nông đạt được một số kết quả chủ yếu. Cụ thể về triển khai hóa đơn điện tử trong phát triển kinh tế số, đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã có 3.976 đơn vị áp dụng hóa đơn điện tử, đạt tỷ lệ 100%. Toàn tỉnh có tỷ lệ người nộp thuế đăng ký nộp thuế điện tử (NTĐT) đạt 99,29%; tỷ lệ chứng từ NTĐT đạt 95,60%; tỷ lệ số tiền NTĐT đạt 92,05%.
Tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện 18/25 thủ tục hành chính thiết yếu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, trong đó 11/11 thủ tục hành chính thiết yếu do cơ quan công an thực hiện; 7/14 thủ tục hành chính thiết yếu do Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành thực hiện.
Việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí, nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần giảm tiếp xúc giữa người dân và cán bộ cơ quan Nhà nước.
Ứng dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám, chữa bệnh được triển khai nhanh chóng. Hiện nay, số lượng căn cước công dân gắn chip được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng căn cước công dân là 492.100 người.
Tỉnh Đắk Nông đã có 85/85 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện tại, tỉnh Đắk Nông bổ sung thiết bị an toàn thông tin tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh để kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tỉnh Đắk Nông tiếp tục ưu tiên chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền số, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, tạo lập dữ liệu mở, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, nâng cao chỉ số xếp hạng của tỉnh về chuyển đổi số.
Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông chỉ đạo triển khai các hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng mang lại hiệu quả thiết thực. Trọng tâm hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn sử dụng VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt, các nền tảng số phổ biến theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn, hỗ trợ người dân”.
Mục tiêu là cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thành quả một cách thực chất và hiệu quả; hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số.
Trước đó, nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân và hỗ trợ người dân trong chương trình “chuyển đổi số”, Công an tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện sáng kiến cải cách hành chính “Tăng cường hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến”, “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của lực lượng Công an Đắk Nông.
Theo lãnh đạo Phòng Tham mưu Công an tỉnh, mặc dù mới được triển khai trong thời gian rất ngắn nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Công an tỉnh và thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương, mô hình “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” và “Tăng cường hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến” bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực Công an.
Mô hình đã và đang nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, ngành và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2022 lần đầu tiên được Bộ TT&TT, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu “Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công”
Thủ tướng Chính phủ cho biết, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển.