Phải đưa thủ tục hành chính (TTHC) có vai trò quan trọng, tác động ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp (DN) để kết nối trên NSW.
PV: Các TTHC thực hiện trên NSW còn khá khiêm tốn, theo ông, thời gian tới chúng ta cần phải làm gì để tiếp tục giữ vị trí ngang bằng với nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN về thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa?
- Ông Nguyễn Mạnh Tùng: Từ nay đến năm 2020, các bộ, ngành phải tập trung cắt giảm các TTHC, đẩy nhanh hơn nữa tốc độ kết nối TTHC trên NSW và kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW). Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh kết nối hệ thống CNTT, tiếp tục điện tử hóa các bộ hồ sơ thực hiện trên NSW.
Thực hiện các cam kết, Việt Nam đã sẵn sàng và triển khai kết nối với các nước ASEAN. Với các nước ASEAN - 4, Việt Nam kết nối trao đổi thông tin xuất xứ hàng hóa mẫu (C/O) mẫu D, sắp tới trao đổi thông tin về tờ khai hải quan và giấy chứng nhận kiểm dịch. Để đảm bảo trình độ ngang bằng với các nước ASEAN - 4 đòi hỏi đồng bộ rất nhiều yếu tố ở tầm quốc gia chứ không phải chỉ riêng các bộ, ngành, cũng như không phải chỉ riêng từng cơ quan hải quan; đòi hỏi cả sự tổng hòa nhiều điều kiện liên quan đến hạ tầng, cơ sở vật chất, giao thông vận tải...
Ông Nguyễn Mạnh Tùng |
Trong báo cáo của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại (ủy ban) đề ra nhiều biện pháp thực hiện các mục tiêu. Biện pháp quan trọng là phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo trong điều phối, tổ chức thực hiện các kế hoạch đề ra trong chương trình hành động. Các bộ, ngành cần cắt giảm hơn nữa TTHC, phương thức quản lý chuyên ngành đẩy mạnh chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng quản lý rủi ro... Vấn đề tiếp theo là khắc phục tồn tại, đầu tư hệ thống CNTT. Việc triển khai Cổng thông tin NSW chỉ phát huy hiệu quả nếu được thực hiện theo phương thức điện tử. Trên thực tế, chúng ta đã đưa ra rất nhiều biện pháp, quan trọng là triển khai thực hiện.
PV: Những bất cập trong hệ thống CNTT có thể coi là một điểm nghẽn hiện nay, giải pháp tháo gỡ là gì, thưa ông?
- Ông Nguyễn Mạnh Tùng: Các thủ tục chưa được điện tử hóa một cách phù hợp nên dẫn tới số lượng các hồ sơ còn nhiều, gây khó khăn trong thực hiện. Muốn điện tử hóa phải đơn giản hóa cho phù hợp chứ không phải điện tử hóa quy trình thủ công; tiếp đó, cần phải xây dựng các hệ thống CNTT kết nối.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại, có ý kiến đề nghị phải xã hội hóa, thuê tổ chức đầu tư phát triển hệ thống CNTT, đảm bảo NSW kết nối rộng hơn nữa, không chỉ kết nối với một số bộ, ngành. Ý kiến đó hoàn toàn chính đáng. Nếu chúng ta làm được, khả năng bắt kịp các nước ASEAN- 4 là hoàn toàn có thể.
PV: Để thực hiện NSW không nửa vời, theo ông đâu là giải pháp quan trọng nhất?
- Ông Nguyễn Mạnh Tùng: Vừa qua nhiều bộ, ngành đã rà soát một bước, loại bỏ các thủ tục không cần thiết. Tôi tin rằng các bộ, ngành chưa triển khai hết sẽ sớm thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để triển khai NSW một cách thực chất, phải đưa những TTHC có vai trò quan trọng, có tác động ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của DN, đồng thời phải rà soát toàn bộ quy trình, hồ sơ và xây dựng hệ thống CNTT đảm bảo khả năng kết nối rộng với các bên liên quan để có thể trao đổi thông tin. Tiếp đến là khâu triển khai thực hiện. Nhiều khi chúng ta có chủ trương tốt nhưng tổ chức thực hiện bên dưới còn bất cập.
Tôi muốn nói thực chất ở đây là vừa thực chất từ thiết kế chính sách đến thực thi. Triển khai thực hiện chính sách là những cán bộ, công chức làm việc ở các bộ, ngành. Tôi muốn nêu một ví dụ, nếu quy định không yêu cầu nộp hồ sơ giấy khi đã nộp hồ sơ điện tử, nhưng cán bộ, công chức vẫn yêu cầu DN phải nộp, nghĩa là không đúng quy định. Do đó, để đảm bảo cơ chế một cửa đi vào thực chất, phải quan tâm đến 2 vấn đề này, khi thiết kế ra cơ chế chính sách đúng, quá trình thực hiện cũng phải được đảm bảo đúng nguyên tắc.
PV: Xin cảm ơn ông!
Minh Anh (ghi)