【bxh slovakia】Kỳ 3: Bổ sung các quy định chính sách hỗ trợ việc làm cho người yếu thế

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Quốc hội

Dựthảo Luật bổ sung các quy định chính sách hỗ trợ việc làm cho người yếu thế

Trình bày tờ trình dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ban soạn thảo nêu rõ Luật Việc làm 2013 là một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động… Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập.

Trong đó, các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, thế giới đang bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Phát triển kinh tế số mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, với nhiều hình thức việc làm đa dạng, từ việc làm đòi hỏi trình độ cao đến những việc làm với trình độ phổ thông.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định chính sách trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm; thiếu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số; chưa có quy định, chế tài bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như xử lý cụ thể đối với các hành vi giao dịch việc làm trên môi trường điện tử …

Đồng thời, hiện nay, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới (nước ta đã bước vào giai đoạn “già hoá dân số” ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo của Tổng cục Thống kê là năm 2017), tuy nhiên chưa có quy định về chính sách hỗ trợ người lao động chuyển tiếp và tìm kiếm việc làm trong bối cảnh già hóa dân số; các quy định về việc làm đối với thanh niên; chất lượng việc làm của nhóm lao động yếu thế thấp.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, so với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách: quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững…

Đặc biệt, nhóm chính sách được nhiều đại biểu quan tâm đó là nhóm chính sách phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ở nhóm này, dự Luật bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề, công nhận tương đương, miễn đánh giá kỹ năng nghề nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người lao động trong nâng cao trình độ kỹ năng nghề, thúc đẩy doanh nghiệp tuyển và sử dụng lao động có tay nghề.

Với nhóm chính sách thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, dự Luật tập trung sửa đổi, bổ sung quy định tạo cơ hội cho tất cả người lao động, không phân biệt có hay không có quan hệ lao động.

"Điều này tạo môi trường để người lao động phi chính thức tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, nhất là tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động, tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm, phát triển kỹ năng nghề", Bộ trưởng cho hay.

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần này còn bổ sung các quy định chính sách hỗ trợ việc làm cho người yếu thế, đặc thù, như phát huy vai trò lao động của người cao tuổi, sử dụng thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, lao động nghèo, lao động dân tộc thiểu số, lao động nữ… phù hợp với sức khỏe, không trái với quy định pháp luật chuyên ngành.

Dự thảo Luật cũng quy định các chính sách hỗ trợ việc làm phù hợp với xu hướng mới như việc làm xanh, việc làm số, chuyển đổi năng lượng, thích ứng già hóa dân số.

"Các nội dung này rất đa dạng, liên tục thay đổi, biến động, do đó luật chỉ quy định những vấn đề có tính chất nguyên tắc" - theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Người cao tuổi với những công việc lao động tay chân, đơn giản ở góc phố tại Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy
Người cao tuổi với những công việc lao động tay chân, đơn giản ở góc phố tại Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi nhằm thích ứng với già hoá dân số

Cụ thể, trong dự thảo Luật có bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu và khả năng đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hoặc hộ có đất thu hồi; thân nhân của người có công với cách mạng; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng; lao động thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được Nhà nước hỗ trợ.

Chính sách hỗ trợ trong bối cảnh khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh. Theo đó, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và khả năng cân đối ngân sách, Nhà nước xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong trường hợp khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

Trong chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi dự thảo Luật quy định, người lao động là người cao tuổi còn khả năng lao động, có nhu cầu làm việc được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; vay vốn hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm.

Cùng với chính sách giải quyết việc làm cho người cao tuổi, dự thảo Luật cũng quy định chính sách hỗ trợ chính thức hóa việc làm phi chính thức.

Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ chính thức hóa việc làm phi chính thức thông qua các hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm; đào tạo nghề cho lao động phi chính thức và người sử dụng lao động có thuê mướn, sử dụng lao động phi chính thức; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội…

Trước đó, thảo luật tại tổ về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, các đại biểu cũng đồng tình nhất trí với những chính sách, quy định mới. Nói về chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, các đại biểu cho rằng, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, hiện cả nước có hơn 16 triệu người cao tuổi. Nếu như Luật Việc làm 2013 chưa đề cập đến chính sách việc làm cho người cao tuổi thì để thích ứng với già hóa dân số, các chính sách này đã được nêu tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Người cao tuổi tại Việt Nam có độ tuổi từ 60 – 69 tuổi chiếm 65%, đa số đều còn sức khoẻ, thế nhưng hiện các chính sách tạo việc làm cho người cao tuổi chưa thực sự được quan tâm. Điều này đang được cho là lãng phí nguồn lực “kinh tế bạc” đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Các đại biểu đánh giá cao khi dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã quy định về chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi nhằm thích ứng với già hoá dân số.

Cũng theo các đại biểu, việc bảo đảm sinh kế và có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số không chỉ bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi; mà chính từ tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này sẽ góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Những người “tuổi hưu chưa đến, tuổi nghề đã hết”
Kỳ 2: Già hoá dân số và gánh nặng thiếu hụt nguồn lao động