【tỷ số psv】Báo chí trong tuyên truyền biển, đảo
Phóng viên Báo Cà Mau kịp thời có mặt và ghi lại những khoảnh khắc xuất tuần của tàu cảnh sát biển, thuộc Hải đội 402, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 chuẩn bị ra khơi làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển.
Tỉnh Cà Mau với địa hình đặc thù 3 mặt giáp với biển, bờ biển dài 254 km. Trong đó có 23 xã, thị trấn của 6 huyện có địa bàn giáp biển do Bộ đội Biên phòng quản lý (địa bàn biên giới biển). Ngư trường khai thác biển trên 800.000 km2, là vùng khai thác thuỷ sản trọng điểm của khu vực phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long và là trung tâm của vùng biển quốc tế và khu vực Ðông Nam Á.
Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền biên giới, chủ quyền biển đảo tại các địa phương giáp biển và ngư dân vùng ngư trường khai thác, nhiều năm qua, các cơ quan thông tin trên địa bàn tỉnh và các ngành liên kết tổ chức nhiều chương trình hướng về biển đảo quê hương. Ðồng thời, bằng các hình thức tuyên truyền đã thực sự tạo được cầu nối giữa ngư dân với đất liền, ngư dân kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình thời sự và chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về vùng biển đảo và khai thác biển.
Phóng viên Báo Cà Mau kịp thời có mặt và ghi lại những khoảnh khắc xuất tuần của tàu cảnh sát biển, thuộc Hải đội 402, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 chuẩn bị ra khơi làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển. |
Thiếu tá Lê Khoa, Ðội trưởng Ðội Tuyên truyền văn hoá, Bộ đội Biên phòng Cà Mau, cho biết: “Bộ đội Biên phòng tỉnh ngoài công tác chăm lo tốt các chính sách vùng biển đảo, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biển và vùng khai thác còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân. Có sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền hình trong tỉnh: Báo Cà Mau, Báo ảnh Ðất Mũi, Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau, đảm bảo hằng tuần, hằng tháng, hằng quý thông tin liên tục được chuyển tải đến ngư dân khai thác biển và Nhân dân vùng ven biển”.
Vừa là người lính biên phòng, vừa thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hơn ai hết, Thiếu tá Lê Khoa hiểu rất rõ về các khu vực, các vùng ngư dân: “Chỉ có thực tế đi đến những vùng ngư dân ven biển mới phát hiện những mảng đề tài, hình ảnh tư liệu quý về biển đảo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa tổ chức thành những tác phẩm của các loại hình báo chí để truyền tải thông tin, phản ánh. Ðây là điều kiện để nhận được sự quan tâm nhiều hơn về các vùng ngư trường, ngư dân. Ðồng thời là dịp quảng bá hình ảnh biển đảo Cà Mau đến với khắp mọi miền đất nước”.
Trong công tác tuyên truyền, báo chí địa phương luôn quan tâm đến mảng đề tài an ninh quốc phòng, biên phòng, biển đảo. Chỉ tính riêng Báo Cà Mau, đã tổ chức riêng chuyên trang biển đảo, an ninh quốc phòng, chuyên trang này được duy trì hằng tuần trên các số báo. Ðồng thời, Báo Cà Mau còn kết nối và ký kết hợp tác tuyên truyền với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ CHQS tỉnh và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4. Ngoài nhận những thông tin cộng tác, báo còn phân công phóng viên phụ trách, sẵn sàng tham gia với các lực lượng thực thi nhiệm vụ vùng biển và ngư trường khai thác.
Từ sự liên kết này, thông tin từ các vùng, địa phương trong tỉnh được truyền tải đến độc giả là ngư dân. Bên cạnh đó, báo cũng nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả, cộng tác viên thông tin, viết về chủ đề biển đảo quê hương.
Ông Trần Hoàng Khanh, ngư dân đã hơn 20 năm gắn bó vùng biển Tây Nam (ghe câu mực của ông thường trú đậu khu vực cửa biển Sông Ðốc), chia sẻ: “Nghề biển, chúng tôi ở trên biển nhiều hơn thời gian ở đất liền. Do đó, thông tin từ đất liền đến với ngư dân luôn được đón nhận trân trọng. Trước đây, những thông tin này thường nhận được qua bộ đội biên phòng, hay những chuyến tuần tra của chiến sĩ cảnh sát biển và đài truyền thanh (radio). Thời gian gần đây, sau mỗi chuyến biển chúng tôi còn được xem lại thông tin trên báo. Ðược nhận những thông tin, chủ trương, chính sách chủ động như thế, chúng tôi đã định hướng được tầm quan trọng của mỗi ngư dân khi tham gia khai thác là đã tham gia bảo vệ chủ quyền. Ðồng thời cũng ý thức cao hơn về vùng khai thác, nhất là việc khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài và ngược lại”.
Ông Hồ Hoàng Hưng, chủ tàu câu mực từ Bình Ðịnh vào, chia sẻ: “Báo đến với ngư dân là quý lắm. Ngoài có được hiểu biết về chủ quyền, về các chính sách, chúng tôi còn đọc được nhiều thông tin hoạt động của bộ đội biên phòng, của cảnh sát biển. Ðọc những thông tin về hoạt động của các lực lượng, chúng tôi có được sự cảm thông nhiều hơn với lực lượng đảm bảo an ninh vùng biển và lực lượng chấp pháp trên biển”.
Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của báo chí về thông tin biển, đảo càng quan trọng hơn. Ðó không chỉ là những chính sách, những thông tin vùng khai thác, thông tin an ninh trên biển mà còn mang tầm vóc lớn hơn, đó là quyền chủ quyền biển, đảo. Và báo chí, nhất là báo chí địa phương Cà Mau, đang từng bước đẩy mạnh các hoạt động thông tin, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền giữ gìn chủ quyền biển, đảo quê hương./.
Bài và ảnh: Phong Phú