Ngày 15-2 đánh dấu kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913-15/2/2023) - nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ,ÐồngchíHuỳnhTấnPhábd tl keo Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; nguyên Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII, VIII - người con quê hương Bến Tre.
Nhân dịp này, Báo Cần Thơ xin trân trọng giới thiệu bài viết “Ðồng chí Huỳnh Tấn Phát - Tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ” của Tiến sĩ Lê Thị Thu Hồng, Giảng viên chính, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Ðảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thông qua bài viết sẽ giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân phần nào hiểu rõ hơn về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát; góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ về tấm gương của người cộng sản kiên trung, mẫu mực, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Ðồng chí Huỳnh Tấn Phát và người bạn đời, người đồng chí Bùi Thị Nga trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913-1989), nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Ðảng và cách mạng Việt Nam, một trí thức yêu nước có uy tín lớn, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng và có tài trong lĩnh vực kiến trúc. Ðồng chí là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm cao trước những nhiệm vụ quan trọng được Ðảng và nhân dân giao phó, cống hiến trọn đời cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để lại dấu ấn sâu đậm với sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1975).
Sự ra đời của Chính phủ dân tộc và dân chủ ở miền Nam
Khi Hiệp định Geneva được ký kết (21-7-1954), Chính phủ và nhân dân Việt Nam nghiêm túc thi hành Hiệp định, xây dựng một đất nước hòa bình, thống nhất. Nhưng Mỹ và chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa do Ngô Ðình Diệm đứng đầu đã sử dụng mọi thủ đoạn để can thiệp, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản, đàn áp phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ.
Sau khi chiến lược “chiến tranh cục bộ” bị thất bại thảm hại, đầu năm 1969, Mỹ tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, với mục đích rút quân Mỹ về nước, sử dụng quân tay sai của Nguyễn Văn Thiệu, dùng người Việt đánh người Việt. Ðể thực hiện mục tiêu đó, Mỹ ngụy đã huy động sức mạnh về quân sự kết hợp với các thủ đoạn về chính trị và ngoại giao hòng giành lại ưu thế và tiến tới cô lập, dập tắt phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Tình hình đó đặt ra cho cách mạng Việt Nam yêu cầu phải tiến hành đoàn kết chặt chẽ các lực lượng cho cuộc kháng chiến để cán cân chính trị nghiêng về phía cách mạng miền Nam, xây dựng nền tảng vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trung ương Cục miền Nam đã tiến hành cuộc vận động chính trị sâu rộng trong quần chúng nhân dân miền Nam để thành lập chính quyền cách mạng các cấp.
Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa II (tháng 1-1959) về cách mạng miền Nam, ngày 20-1-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời và mời Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (2-1962). Ngày 20-4-1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam được thành lập, do Luật sư Trình Ðình Thảo làm Chủ tịch.
Từ phong trào Ðồng khởi với vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đến Tổng Tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đại bộ phận số xã, tỉnh và nhiều thành phố, thị xã đã lập được chính quyền cách mạng. Yêu cầu đặt ra cấp thiết là phải có một Chính phủ cách mạng lâm thời đại diện hợp pháp cho lợi ích chính đáng của nhân dân miền Nam để đẩy mạnh thế tiến công toàn diện trên tất cả các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao.
Ngày 24-1-1969, Bộ Chính trị gửi điện cho đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương cục miền Nam, chủ trương mở hội nghị hiệp thương giữa Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, nhằm “thống nhất nhận định, chủ trương và phương hướng đấu tranh cho việc lập một nội các hòa bình ở Sài Gòn”.
Ðầu năm 1969, đồng chí Huỳnh Tấn Phát, đại diện cho Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đến tham dự Hội nghị bất thường của Trung ương Cục miền Nam. Hội nghị trao đổi, thảo luận và đi đến thống nhất thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời ở vùng giải phóng để phát huy ảnh hưởng của cách mạng miền Nam, quản lý vùng giải phóng, động viên toàn dân đấu tranh trên các mặt trận ở cả ba vùng chiến lược, đẩy mạnh công tác ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế.
Từ ngày 6 đến 8-6-1969, Ðại hội đại biểu Quốc dân toàn miền Nam đã khai mạc trọng thể tại chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh). Ðại hội nhất trí thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch. Ðại hội đã bầu Hội đồng cố vấn Chính phủ gồm 13 thành viên.
Chính phủ Cách mạng lâm thời thực hiện chính sách hòa bình, trung lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản: “hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, tạo điều kiện cơ bản để xây dựng miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, phồn vinh, tiến đến hòa bình thống nhứt Tổ quốc”.
Chính phủ là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân miền Nam, dẫn dắt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng “Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cả nước hòa bình, thống nhất, non sông thu về một mối.
Chính phủ Cách mạng lâm thời ra đời đánh dấu thắng lợi mới có ý nghĩa lịch sử trong quá trình hoàn chỉnh hệ thống chính quyền cách mạng ở miền Nam, một chính quyền thực sự dân tộc và dân chủ. Chính phủ Cách mạng lâm thời ra đời còn là một đòn giáng mạnh vào chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ. Việc thành lập Chính phủ là một cuộc vận động trung lập, mở rộng hàng ngũ của Mặt trận cách mạng, là đòn tiến công chính trị mạnh mẽ phối hợp với cuộc tiến công quân sự và giải pháp 10 điểm về ngoại giao của ta, nâng cao uy tín của cách mạng miền Nam Việt Nam trên thế giới.
Theo đuổi chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập
Ðồng chí Huỳnh Tấn Phát tích cực hoạt động, phát huy vai trò Chính phủ Cách mạng lâm thời trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ðồng chí đã thông qua Chương trình hành động 12 điểm, trong đó nêu rõ các chính sách đối nội và đối ngoại.
Sau khi thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã nhận được sự công nhận rộng rãi của các nước yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới. Ngay trong tháng thành lập (6-1969), Chính phủ Cách mạng lâm thời đã được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao cấp Ðại sứ.
Sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời được Hội nghị các Ðảng cộng sản và công nhân Quốc tế họp ở Moskva tháng 12-1969 đánh giá cao: 75 Ðảng Cộng sản dự Hội nghị nhận thấy trong sự kiện này, một giai đoạn mới và quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng và anh hùng của nhân dân Việt Nam.
Sự ủng hộ và công nhận trên đã khẳng định vị thế chính trị và là sự cổ vũ, động viên lớn lao đối với Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát và Chính phủ Cách mạng lâm thời. Thành công bước đầu này có được một phần nhờ uy tín và đóng góp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Trong đó, chính sách đối ngoại được Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát xác định là “chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập”, không tham gia khối liên minh quân sự với nước ngoài và lập quan hệ ngoại giao, kinh tế, văn hóa với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị.
Trong năm 1969, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã liên tiếp cử các đoàn ngoại giao đi thăm hữu nghị các nước để tăng cường tính pháp lý của Chính phủ mới: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Ðức, Arab, Syria, Tiệp Khắc, Triều Tiên, Mông Cổ, Ba Lan, Hungary, vùng giải phóng Lào…
Ðầu năm 1972, thêm 11 nước đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời với tư cách là Chính phủ đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam.
Tháng 8-1972, Hội nghị ngoại trưởng các nước không liên kết họp tại Guyanna long trọng công nhận địa vị hợp pháp của Chính phủ cách mạng lâm thời trong khối 59 nước không liên kết. Theo thống kê, từ tháng 6-1969 đến cuối năm 1975, có hơn 50 nước công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Bước vào năm 1969, Hội nghị Paris bước vào giai đoạn đàm phán bốn bên. Những đóng góp của đồng chí Huỳnh Tấn Phát trên cương vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời đã góp phần to lớn trong việc củng cố vị thế pháp lý, hoạt động với tư cách là thực thể chính trị độc lập, cũng như tạo nên sự tuyên truyền rộng lớn cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của cách mạng Việt Nam, nhận được sự ủng hộ to lớn cả về vật chất và tinh thần của bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Những kết quả đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của cách mạng Việt Nam, phát huy sự phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân, góp phần giúp cho việc đấu tranh ngoại giao, đàm phán và vận động quốc tế ủng hộ cách mạng Việt Nam có thêm nhiều thuận lợi mới.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được chính thức ký kết tại Paris.
Hiệp định Paris được ký kết tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, đã có tác dụng thúc đẩy nhanh chóng tình hình chiến sự trên chiến trường và các cuộc đấu tranh chính trị trên các đô thị miền Nam.
Sự cổ vũ vô tư, nhiệt thành của bạn bè quốc tế đã giúp khẳng định tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh Việt Nam, khẳng định nhân dân miền Nam không đơn độc chiến đấu mà có một hậu phương vô cùng vững chắc và rộng lớn.
Tuy chỉ tồn tại trong hơn 6 năm (1969-1975), nhưng sự hiện diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một bài học quý báu về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.