Sự thật đau lòng này cho thấy,ãyđẩynhữngchiếcphongbìôdanhrakhỏibệnhviệthứ hạng của cúp c2 trong đội ngũ những người thầy thuốc đáng kính, vẫn còn lẩn khuất đâu đó một số người lạc lõng, không cùng chí hướng với đội hình chung.
Khi những làn sóng dư luận còn chưa kịp lắng xuống trước “cơn bão” về y đức ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) trong việc “nhân bản kết quả xét nghiệm” và nghi ngờ về tráo đổi thủy tinh thể ở Bệnh viện mắt Trung ương thì gần đây, vụ việc gây cái chết thương tâm của hai mẹ con sản phụ ở Bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) khiến lòng tin của người dân vào sự tận tâm của một số y bác sĩ đang xuống tới mức thấp nhất.
Chị Nguyễn Thị Xuân (sinh 1973, trú làng Mật Thôn, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) khi chuyển dạ chuẩn bị sinh con lần thứ 3 đã được gia đình đưa vào bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa ngày 17/10 trong tình trạng sức khỏe bình thường. Các bác sĩ ở đây sau khi thăm khám đã khẳng định như vậy.
Nhưng đến rạng sáng 18/10, chị Xuân có biểu hiện bất thường, đau bụng dữ dội. Gia đình đã nhiều lần xin kíp trực cho chị được mổ nhưng không được đồng ý do “không có gì bất thường nên không phải mổ”. Sau vài tiếng đồng hồ vật vã với cơn đau và kiệt sức, đến 5h45 ngày 18/10, sản phụ Xuân đã tử vong cùng thai nhi.
Đến chiều 19/10, tại Bệnh viện, anh Nguyễn Văn Hòa (em trai sản phụ Xuân) đã nhận 150 triệu đồng từ ban lãnh đạo Bệnh viện để “hỗ trợ mai táng”.
Theo tố cáo của gia đình, kíp trực đêm 18/10 đã làm việc hết sức tắc trách, gần như bỏ mặc bệnh nhân, kể cả lúc sản phụ vật vã bởi những cơn đau. Việc “hỗ trợ” cho gia đình tới 150 triệu đồng để mai táng hai mẹ con sản phụ chính là sự thừa nhận bệnh viện đã làm sai dẫn đến chết người.
Đau xót hơn, người nhà sản phụ trong khi khóc cho người đã khuất, có than lên rằng “Nếu chúng tôi chi phong bì có lẽ Xuân đã không chết”. Phải chăng đây là tiền lệ, đây là cơ chế bắt buộc với người dân do một nhóm y bác sĩ sa sút về phẩm chất đặt ra? Nếu đó là sự thực thì đúng là họ đã bất chấp quy định chung để kiếm lợi riêng.
Chỉ vì không được nhận phong bì mà những y bác sĩ đó có thể đang tâm bỏ mặc bệnh nhân, khiến họ phải đối mặt với cơn nguy kịch. Những con người đó liệu có còn xứng danh thầy thuốc khi mang trong mình dòng máu lạnh đến mức đáng sợ như vậy? Hàng tháng họ được hưởng lương nhà nước để thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân, để thực hiện nhiệm vụ cao cả là đem lại sức khỏe cho cộng đồng.
Xã hội đặt nhiều kỳ vọng vào họ và mỗi khi lâm bệnh, người dân đều tìm đến cơ sở y tế để trông cậy ở những thầy thuốc cho công cuộc tìm lại sức khỏe của mình. Sẽ thật bất hạnh cho những ai không may gặp phải những thầy thuốc vô cảm như kíp trực đêm 18/10 ở Bệnh viện đa khoa Thiệu Hóa.
Những sơ suất về nghiệp vụ khiến người bệnh phải thiệt mạng đã đáng trách, nhưng lỗi về y đức còn đáng trách hơn. Giờ đây, cả gia đình sản phụ đã lìa xa cuộc sống và công luận đang chờ kết luận của cơ quan điều tra để có hình thức xử lý thích đáng với những người đã gieo nỗi đau tận cùng cho gia đình nạn nhân.
Nhưng trách nhiệm lớn lao của ngành y tế lúc này là phải nhanh chóng đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức. Đấu tranh thật mạnh mẽ, đẩy lùi mọi hành vi tiêu cực, để những người thầy thuốc chân chính, suốt đời tận tâm với nghề cứu người không bị vạ lây, để những "con sâu" không thể làm rầu cả "nồi canh".
Hơn lúc nào hết, lời dạy của Bác “Thầy thuốc như mẹ hiền” cần được mỗi cán bộ, y bác sĩ, nhân viên ngành y tế thấm nhuần, thực hiện một cách nghiêm túc nhất trong thời điểm này để nhanh chóng lấy lại niềm tin từ nhân dân./.
Phạm Linh