【giải bóng đá đức hôm nay】Đất ngọt Khánh Lâm
(CMO) Nhớ hồi năm 2016, chúng tôi về thăm Khánh Lâm (lúc đó U Minh vẫn được mệnh danh là huyện nghèo nhất tỉnh Cà Mau), khi được biết tỷ lệ hộ nghèo của xã ở mức 33%, ai cũng giật mình. Để rồi chuyến về thăm này, lại thêm một lần giật mình nữa: Mục tiêu của Khánh Lâm trong năm 2020 là về đích xã NTM.
Giảm nghèo thần tốc
Như một thói quen, chúng tôi hỏi thăm ngay Phó bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Khánh Lâm Nguyễn Minh Thông về tỷ lệ hộ nghèo hiện tại, anh Thông cho biết: “Xã còn 5,96% hộ nghèo. Hết năm 2020, địa phương nhiều khả năng đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4%”. Điều gì đã giúp Khánh Lâm giảm nghèo thần tốc, trong 5 năm đã giảm sâu tới 27%. Một con số quá ấn tượng. Anh Thông chia sẻ: “Khánh Lâm giảm nghèo cũng vô cùng khó khăn, nhưng đã giảm là bền vững, là giảm thật”.
Kinh tế rừng và sản vật dưới tán rừng mang lại sinh kế bền vững cho người dân Khánh Lâm. Ảnh: NHẬT MINH |
Trong câu chuyện, anh Thông gởi lời cảm ơn đến đơn vị hỗ trợ địa phương tạo ra một kỳ tích giảm nghèo: Sở NN&PTNT. Kể cũng hợp lý, bởi trước đây, Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thanh Triều từng là Chủ tịch UBND huyện, sau đó là Bí thư Huyện uỷ U Minh. Tính ra, sau thời gian chưa đầy nhiệm kỳ nhận hỗ trợ, giúp đỡ Khánh Lâm, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ xã hàng chục mô hình sản xuất hiệu quả với nguồn vốn hàng tỷ đồng. Với chuyên môn sâu của các đơn vị trực thuộc ở lĩnh vực nông - ngư - lâm nghiệp, Sở NN&PTNT đã cử cán bộ chuyên môn, cầm tay chỉ việc, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân Khánh Lâm để có được những thành quả ngọt ngào.
Hiện tại, Khánh Lâm đã đạt 15/19 tiêu chí NTM, là xã điểm được tỉnh chọn xây dựng đạt chuẩn NTM trong năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người 45 triệu đồng/năm. Khi hỏi anh Thông, mức giảm nghèo “kỷ lục” trong 1 năm của Khánh Lâm là bao nhiêu, anh mỉm cười: “Có năm trên 10%. Nói thật, cả chúng tôi cũng bất ngờ”. Nhưng cái đích của Khánh Lâm không chỉ là giảm nghèo, mà phải vươn lên để đời sống người dân đạt mức khá, giàu. Anh Thông tâm sự: “Khi cởi được những nút thắt về mô hình sản xuất, nguồn vốn sản xuất, khoa học - kỹ thuật thì địa phương đã thống nhất quan điểm: Giảm nghèo không khó”.
Toàn xã có 14 ấp, đánh theo số thứ tự, nhưng khuyết Ấp 8. Hỏi ra mới biết, lúc chia tách Khánh Lâm và Khánh Hội, toàn bộ Ấp 8 nằm bên phía Khánh Hội. Nói nôm na, xã Khánh Hội bây giờ chính là Ấp 8 của xã Khánh Lâm ngày xưa. Xã lớn Khánh Lâm còn bao gồm cả Khánh Hoà, Khánh Tiến - một vùng đất anh hùng nhưng khởi điểm dựng xây và phát triển đều vô cùng khó khăn. Vùng đất nỗng, trũng, nhiễm phèn trong nội địa Khánh Lâm, một thời ám ảnh với cái nghèo. Để thuần thục đất này, nhiều thế hệ con người đã chấp nhận sống chung cái nghèo để xây dựng tương lai. Và hôm nay, cả một vùng đất trù phú đang bừng bừng chuyển mình, viết tiếp khát vọng tiền nhân.
Nông - ngư - lâm “hợp xướng”
Ngang kênh Sáu Tiếng, chúng tôi tạt vào vườn táo trĩu quả của lão nông Bùi Thanh Dũng, Ấp 3, Khánh Lâm. Mùa màng vừa xong, ông Dũng phấn khởi: “Vụ này lúa phải trên 50 giạ/công chớ không giỡn đâu”. Nhà ông Dũng cách nhà ông Sáu Kham (Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lý Văn Cơ) không xa. Ông Sáu Kham qua đời cách đây mấy năm. Lúc nhận danh hiệu anh hùng, có khách về thăm, ông Sáu Kham ngoài 90 tuổi vẫn vấn khăn rằn thăm đồng lúa đang độ cong trái me, ông nói chắc lọi: “Đất này trồng lúa thì trúng mắc ham”.
Vườn táo 5 công của ông Dũng gầy dựng được khoảng 5 năm. Cùng với 3 ha lúa và hoa lợi bờ mẫu, kinh tế nhà ông vững vàng. Mời khách ly trà quạu, ông Dũng trăn trở: “Trồng táo không sợ đầu ra, chỉ có điều nó phụ thuộc thời tiết và hay bị sâu bệnh”. Ông Dũng đang tính toán làm nhà lưới, chăm sóc vườn táo theo hướng hữu cơ để tăng năng suất và cái chính là bảo đảm sức khoẻ cho người ăn. Nông dân kiểu mới phải nghĩ theo cách mới, và chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi lão nông đối diện hạ một câu chắc lọi: “Trồng mà xịt thuốc thì nói làm gì, phải không mấy cháu?".
Ông Nguyễn Văn Hận luôn tin tưởng hướng đi lập vườn cây ăn trái trên đồng đất Khánh Lâm. |
Đất Khánh Lâm chia vùng theo thế 3 chân. Một phía vùng ven theo hướng lúa - tôm; một hướng lập vườn, rẫy hoa màu và phần đất thịt thì chuyên canh lúa - cá đồng. Chuyện ông Nguyễn Văn Hận bỏ gần 2,5 ha đất trồng lúa để lập vườn cây ăn trái ở Ấp 7 từng bị nhiều người xung quanh dị nghị. Ông Hận kể: “Tôi thấy cứ tới mùa gặt lúa là giá lúa trồi sụt, mần 1 năm chỉ đủ ăn, không khá lên được nên quyết tâm bỏ lúa, trồng cây ăn trái”. Mới đầu, nhiều người nói ông khùng. Rồi tới mùa thứ 3, vườn cam, bưởi của ông Hận bắt đầu cho thu nhập. Thảnh thơi dạo quanh vườn cây qua mùa trái chiến, tới đợt dưỡng quả cho một mùa thu hoạch thật sự, ông Hận quả quyết: “Vụ này, nhiều khả năng tôi… hết khùng”.
Cũng bỏ lúa, ông Dương Văn Hài, Ấp 7, chuyên tâm với nghề rẫy màu, cây ăn trái và cá đồng. Mùa nào thức ấy, cây bồn bồn, con cá đồng chắc chân dựa đất, sa mưa, nhà ông Hài còn có nghề nhổ hẹ nước, vậy là sống khoẻ re. Trời mưa lâm thâm, ngó đống hẹ nước mà thèm sao nồi mắm kho. Hẹ nước có đặc điểm chỉ mọc hoang ở nơi đất sạch, cũng có thể nói là đặc sản mà hiếm nơi có được xứ U Minh. Lộc trời cứ mỗi ngày gom về vài chục ký, giá hẹ nước bình quân bỏ mối 12.000 đồng/kg. Ông Hài bộc bạch: “20 năm trước về đây khổ lắm. Mình kiên trì giữ gìn cái gì tự nhiên, rồi bây giờ trời đất cũng không phụ lòng người”.
Thương binh 4/4 Trần Cao Đẳng, Ấp 7 thì gầy dựng cơ ngơi của mình từ mô hình lúa - cá đồng. Nhìn cánh đồng lúa ST24 của nhà ông Đẳng mà no con mắt. Dù dông gió mấy đợt, ruộng lúa vẫn sừng sững, bông lúa dài đòn, trĩu hạt, chờ người thu hoạch. Ông Đẳng miệt Đầm Dơi về lập nghiệp xứ Khánh Lâm hơn 30 năm, nhưng mùa lúa năm nay, ông thăm đồng, mân mê bông lúa mà xúc động: “Giống lúa này chớ đâu, mấy chục năm mần ruộng mới thấy loại lúa tốt và hạp với đất Khánh Lâm như loại này”.
Ông Đẳng hỏi khách: “Đố ai tìm đâu được 1 con cá tra cỡ hơn 20 kg ở xứ này?”. Và rồi, Phó chủ tịch Hội CCB xã Khánh Lâm Hà Thanh Dũng, cùng đi với chúng tôi, buột miệng: “Năm Đẳng được kêu là vua cá tra xứ này. Dưới ao còn vài chục con cá tra hơn 20 kg”. Thì ra ông Dũng và ông Đẳng là “ní” tuổi, cùng là thương binh, về lập nghiệp cùng nhau nên quá chừng rành rẽ. Mỗi mùa cá đồng, ông Năm Đẳng thu hoạch rồi sắm vàng. Ai nói gì mặc ai, ông mần lúa nhưng ý thức để giữ cho được nguồn cá đồng tự nhiên. Kinh nghiệm cả đời, ông Đẳng tâm sự: “Trồng lúa mà phân thuốc nhiều, thu hoạch cá theo kiểu tận diệt bằng kích điện thì cá nào mà chịu cho thấu”.
Trong chuyến về Khánh Lâm, chúng tôi nhận thấy nông dân nơi đây còn đau đáu một nỗi niềm mà nông dân ở đâu cũng trăn trở: Chuyện mùa với giá. Có người quả quyết: “Mần sao tháo được cái nút thắt này nữa thì dân mới khá lên được”. Câu hỏi này không mới, nhưng quá lớn, quá khó. Thôi thì hẹn lại câu trả lời với Khánh Lâm cho những khát vọng phía trước. Gì chớ kiên nhẫn và thuỷ chung, người nông dân luôn là số dách./.
Phạm Quốc Rin