Bất ổn tại Trung Đông sẽ khiến thế giới thiếu hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong phần còn lại của năm. Ảnh: Getty Images |
Tác động từ cuộc xung đột ở Trung Đông có thể cần thời gian để mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, phụ thuộc vào mức độ kéo dài, cũng như căng thẳng đến mức nào và liệu nó có lan sang các vùng khác trong khu vực hay không.
Agustin Carstens - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho biết trong bài thuyết trình trước Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia: “Còn quá sớm để nói” những tác động có thể là gì, mặc dù thị trường dầu mỏ và chứng khoán có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức.
Cuộc xung đột tại Trung Đông đã khiến giá dầu tăng vọt và thúc đẩy làn sóng đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, điều này có thể gây tổn hại cho các nền kinh tế đang phát triển. Indermit Gill - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho rằng, cuộc xung đột có thể làm tăng thêm một loạt rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, bao gồm cả sự phân mảnh trong thương mại, đặc biệt nếu nó làm sống lại sự chậm trễ của chuỗi cung ứng khiến giá cả tăng cao trong đại dịch Covid-19. |
Song, xung đột có khả năng tạo thêm một loạt những tác động khó lường cho nền kinh tế toàn cầu, vốn đang chậm lại và thị trường Mỹ vẫn đang phải thích ứng với khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ duy trì lãi suất cao lâu hơn mức mà nhiều nhà đầu tư dự đoán.
Carl Tannenbaum - Kinh tế trưởng của Northern Trust cho biết: “Bất kỳ nguồn gốc bất ổn kinh tế nào cũng đều làm trì hoãn việc ra quyết định, làm tăng thêm rủi ro và đặc biệt là với khu vực đó, mọi người sẽ lo ngại về nguồn cung dầu”.
Tannenbaum nói: “Thị trường cũng sẽ theo dõi các kịch bản diễn ra như thế nào”, và liệu sau nhiều thập kỷ bất ổn ở Trung Đông, đợt bùng phát bạo lực này có diễn biến khác hay không. “Câu hỏi đặt ra là liệu sự lặp lại này có làm mất trạng thái cân bằng dài hạn không?” - ông nói thêm.
Các vấn đề tại Trung Đông và mức độ tác động đến kinh tế có thể sẽ chiếm vị trí cao trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu tập trung vào tuần này tại Maroc, để dự các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới nhằm đánh giá nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong tình trạng biến động sâu sắc do đại dịch và gia tăng căng thẳng thương mại.
Đối với các ngân hàng trung ương, nó đặt ra vấn đề nan giải là liệu cuộc xung đột có khả năng dẫn đến áp lực lạm phát mới hay không, do khu vực này không chỉ là nơi có các nhà sản xuất dầu lớn như Iran và Ả Rập Saudi mà còn có các tuyến đường vận chuyển lớn qua Vịnh Suez, hoặc các vấn đề tương tự - một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế đang trì trệ.
Các quan chức FED đã trích dẫn giá năng lượng cao gần đây là một rủi ro có thể xảy ra đối với triển vọng giảm dần lạm phát của họ, đồng thời cho biết họ cảm thấy nền kinh tế Mỹ có khả năng tránh được suy thoái kinh tế với điều kiện không có một số cú sốc bất ngờ từ bên ngoài.
Với xung đột hiện đang hoành hành ở một khu vực sản xuất dầu lớn, phản ứng giữa các thương nhân và các nước lớn như Iran và Ả Rập Saudi sẽ được theo dõi chặt chẽ để xem liệu một đợt tăng giá khác có xảy ra hay không, trong khi giao dịch trên thị trường trái phiếu và chứng khoán trong những ngày tới sẽ cho thấy các dự đoán về hậu quả có thể xảy ra.
Karim Basta - Kinh tế trưởng tại III Capital Management cho biết: “Xung đột gây ra rủi ro giá dầu cao hơn và rủi ro đối với cả lạm phát cùng triển vọng tăng trưởng”.
Các cuộc xung đột quân sự cuối tuần qua đã thúc đẩy sự biến động trên diện rộng ở các tài sản là hàng hoá giao dịch trên thị trường. Giá dầu thô, ngay lập tức đã tăng lên mức 89 USD/thùng vào ngày 9/10.
Cuộc xung đột tại Trung Đông đã thúc đẩy làn sóng đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn như vàng. Ảnh: CNBC |
Brent, dầu chuẩn quốc tế, đã tăng tới 5,2% trong phiên giao dịch sớm ở châu Á, trước khi ổn định giao dịch cao hơn 3,8% ở mức 87,83 USD. Dầu WTI của Mỹ tăng 4% lên 86,07 USD. Sự tăng vọt của giá dầu đã làm dấy lên lo ngại về một thời kỳ giá cao kéo dài khác sẽ gây ra lạm phát ở nhiều nơi trên thế giới.
Việc cắt giảm nguồn cung của các nhà sản xuất lớn là Ả Rập Saudi và Nga đã đẩy giá dầu Brent lên trên 97 USD/thùng vào cuối tháng 9, trước khi giá giảm 11% vào tuần trước trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Giá dầu WTI và dầu Brent tương lai đã giảm mạnh trong tháng này - giảm khoảng 10 USD/thùng trước cuộc xung đột tại Trung Đông - do lo ngại về lãi suất cao và tăng trưởng chậm lại đã che mờ triển vọng nhu cầu.
Pierre Andurand - nhà quản lý quỹ phòng hộ chuyên kinh doanh năng lượng, cho biết mặc dù có rất ít mối đe dọa trước mắt đối với nguồn cung nhưng thị trường có thể thắt chặt. Ông viết trên Twitter: “Trong 6 tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến nguồn cung của Iran tăng rất cao do việc thực thi các biện pháp trừng phạt”. |
Những lo ngại đó cũng làm lu mờ sự lạc quan đã thúc đẩy đợt tăng giá mạnh trong quý III khi nguồn cung thắt chặt do việc cắt giảm sản lượng dầu thô kéo dài của Ả Rập Saudi. Israel không phải là nhà sản xuất dầu, nhưng có những lo ngại cuộc xung đột có thể gây ra sự bất ổn rộng hơn trong khu vực và dẫn đến việc thực thi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với dầu mỏ từ Iran. Thêm vào sự bất ổn, Israel đã đình chỉ sản xuất tại mỏ khí Tamar ngoài khơi, khiến giá khí đốt tương lai ở châu Âu cao hơn khoảng 13%.
Vivek Dhar, nhà phân tích hàng hóa khai thác và năng lượng tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia nói: “Mối quan tâm của chúng tôi chủ yếu xung quanh việc cung cấp và xuất khẩu dầu ra khỏi Iran”. Bất kỳ sự gián đoạn sản xuất và xuất khẩu nào cũng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thắt chặt nguồn cung vì hầu hết các nhà phân tích đều dự đoán thị trường sẽ thâm hụt trong nửa cuối năm nay.
Dhar cho biết, sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề tại Trung Đông có thể đẩy giá dầu Brent lên trên 100 USD/thùng. Dhar nói thêm: “Tác động lên thị trường sẽ vào khoảng 0,5 đến 1% nguồn cung toàn cầu - con số đó là rất lớn”.
Vào lúc 9:40 sáng theo giờ ET, Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 12,14 điểm, tương đương 0,04%; S&P 500 giảm 14,98 điểm, tương đương 0,35% và Nasdaq Tổng hợp giảm 127,02 điểm, tương đương 0,95%.
Chứng khoán châu Âu với chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 0,1%. Dax của Đức mất 0,7%. Đồng Đô la tăng 0,5% so với rổ tiền tệ ngang hàng. Giá vàng tăng 1% lên 1.850 USD/troy ounce, phục hồi từ mức thấp nhất trong 7 tháng. Các nhà đầu tư có xu hướng đổ xô vào kim loại quý trong thời điểm bất ổn./.