Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La cho biết, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La có nhiều chuyển biến tích cực. Các thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, từng bước nâng cao đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Hiện, Sơn La có 16 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Xòe Thái, nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục Mông, Dao, nghệ thuật khèn dân tộc Mông, mo Mường, chữ viết cổ dân tộc Thái và các lễ hội truyền thống, nghi lễ, tập quán xã hội tín ngưỡng của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Trong đó, nghệ thuật Xòe Thái của Sơn La và các tỉnh Tây Bắc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thời gian qua, Sở VHTTDL Sơn La luôn quan tâm chú trọng tuyên truyền, khơi dậy lòng tự hào và tạo động lực để đồng bào các dân tộc Sơn La chung tay gìn giữ văn hóa nguồn cội của dân tộc mình cho thế hệ mai sau.
Bên cạnh đó, chủ động khai thác thành tựu khoa học công nghệ số trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc của các dân tộc. Khuyến khích khai thác chất liệu dân gian dân tộc trong sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật đương đại phù hợp trong đời sống văn hóa đương đại.
Để bảo tồn, phát huy di các giá trị sản văn hóa theo hướng bền vững, trong tháng 5, Sở VHTTDL Sơn La sẽ phối hợp với Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) và Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số( Đại học Văn hóa Hà Nội) tổ chức 2 lớp tập huấn cho 259 học viên là cán bộ văn hóa tại các xã, phường, thị trấn, chuyên viên phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa các huyện, thành phố, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Bảo tàng tỉnh Sơn La.
Các học viên sẽ được các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ tập trung phổ biến kiến thức về công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; các di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, chú trọng bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số và công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Khi trở về địa phương, các học viên sẽ áp dụng những kỹ năng, kiến thức, phương pháp khoa học để phục vụ công tác truyền thông, quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Ông Phạm Hồng Thu cho biết, các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn Lalà hoạt động thiết thực, nhằm triển khai hiệu quả Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024.
Là dịp các học viên được trao đổi, học tập và thực tế các mô hình tiêu biểu trên địa bàn tỉnh về công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bằng những hoạt động cụ thể Sở VHTTDL Sơn La cùng với các địa phương và cộng đồng trên địa bàn đã và đang tích cực tuyên truyền, quảng bá rộng rãi nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển du lịch Sơn La.
Cùng với đó, các cấp ngành, địa phương cần tăng cường hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở, có chính sách khích lệ động viên các nghệ nhân, người có uy tín chủ thể nắm giữ di sản văn hóa trong việc nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc, ông Phạm Hồng Thu khẳng định.