Vùng biển Cà Mau từng được mệnh danh là biển bạc với vô vàn tôm cá. Tuy nhiên, khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, nguồn lợi thuỷ sản dần cạn kiệt, cá không còn nơi trú ẩn, không thể đến được với bãi bồi để sinh sản, tái tạo nguồn giống.
“Hồi đó làm ham lắm, lúc nào ghe vô cũng đầy ắp tôm cá, mực, sống thoải mái. Giờ thì ít quá, có khi ghe vô cá không đủ ăn. Có chuyến vô lỗ tiền dầu, mà làm nghề rồi cũng phải ra biển, nếu không làm thì biết sống bằng nghề gì”, ngư dân Nguyễn Văn Bình, làm nghề lưới bao, trần tình.
Thực trạng đó đã tồn tại hàng chục năm nay ở vùng biển Cà Mau. Nguyên nhân là do khai thác quá mức, khai thác tận diệt nên nguồn lợi thuỷ sản dần cạn kiệt. Do cuộc mưu sinh cũng như áp lực việc làm, kinh tế gia đình... nên nhiều người cố vét lại những tài nguyên còn sót trên biển. Ðương nhiên, tài nguyên biển không phải là vô tận nên càng vét càng cạn kiệt, chỉ có bảo tồn và khai thác hợp lý thì nguồn lợi mới dần hồi phục được.
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau, trăn trở: “Vấn đề mấu chốt nhất trong công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản là giải quyết mối quan hệ cân bằng giữa nguồn lợi thuỷ sản với cường lực khai thác. Tình trạng khai thác hiện nay có lúc đạt đến mức báo động. Nguồn lợi thuỷ sản đang suy giảm nghiêm trọng. Sự phát triển của đội tàu ồ ạt cũng làm gia tăng cường lực khai thác, khai thác vi phạm sai vùng, sai tuyến. Càng suy giảm, người dân càng cào, càng bắt tận diệt để bù vào sản lượng”.
Từ trăn trở biến thành hành động
Trước tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, những năm qua, Chi cục Thuỷ sản có nhiều giải pháp góp phần tái tạo, bảo vệ để các loài hải sản có khu vực được bình yên, sinh sản và phát triển.
Từ tháng 7/2020, đã thả 500 khối rạn bê-tông để làm nhà cho cá ở khu vực biển Tây, thành lập tổ hợp tác đồng quản lý rạn với 15 thành viên thực hiện nhiệm vụ canh giữ rạn, thông báo tình hình khai thác, đánh bắt thuỷ sản tại các khu vực gần nơi có rạn; lặn biển rà soát đánh giá sự phát triển, sinh sản của các loài hải sản vào ngày 15 hàng tháng.
Các rạn san hô nhân tạo trở thành nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao. Ảnh: HUỲNH KHẢI |
Qua hơn 1 năm thực hiện dự án thả rạn, các loài sinh vật quan sát được tại khu vực rạn tăng nhiều về số lượng và kích cỡ. Ðặc biệt, quan sát được cá thể rùa biển và cá heo xuất hiện trong khu vực quản lý vùng rạn, mà theo ngư dân thì hơn 10 năm nay chưa từng thấy xuất hiện trong khu vực này.
Ngoài ra, còn có sự hiện diện của các họ cá có giá trị kinh tế cao và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt tại vùng biển Cà Mau như cá bớp, cá thu, cá nhồng, cá mú, cá hường…, từ đó cho thấy, chuỗi thức ăn tự nhiên trong hệ sinh thái vùng rạn, hay còn gọi là vùng nhà cá, đang có dấu hiệu phục hồi và phát triển theo chiều hướng tích cực. Từ việc nguồn lợi phục phồi đã tạo sự quan tâm của người dân địa phương trong việc chung tay bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản.
Ông Huỳnh Văn Khải, Phó trưởng phòng Quản lý khai thác và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản, phấn khởi: “Nguồn tài nguyên có khả năng phục hồi, tuy nhiên, nếu khai thác quá mức thì tất cả các nguồn tài nguyên sẽ bị ảnh hưởng. Theo thời gian, mình có cách phục hồi là hạn chế các tàu khai thác trái phép, thả giống, thả rạn được xem là hiệu quả. Rạn được xem là những ngôi nhà cho cá trú ngụ và sinh sản. Công việc xây dựng nhà cá này đối với Cà Mau thấy mới, nhưng các nước như Thái Lan đã thực hiện từ lâu và tỏ ra rất hiệu quả. Việc Thái Lan hỗ trợ mình thực hiện dự án này góp phần kéo giảm tình trạng đi khai thác vùng biển nước ngoài trái phép”.
Ngoài việc làm nhà cho cá trú ngụ, sinh sản, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau còn thường xuyên thả hàng trăm triệu con giống như cá hồng bạc, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng, cá mú, cua biển, tôm sú… về với tự nhiên. Từ đó, nguồn lợi thuỷ sản ở các khu vực bảo tồn biển Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; khu vực đầm Thị Tường; khu vực cửa biển Sông Ðốc, hòn Ðá Bạc (huyện Trần Văn Thời) có dấu hiệu phục hồi rõ ràng.
Bên cạnh tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, Chi cục Thuỷ sản còn đẩy mạnh tuyên truyền, xử phạt nghiêm các phương tiện cố tình đánh bắt sai quy định về mắt lưới, sai vùng đánh bắt; xử phạt và tịch thu các phương tiện dùng xung điện đánh bắt thuỷ sản.
Xử phạt tàu cá vi phạm góp phần bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. (Ảnh minh hoạ). Ảnh: HUỲNH KHẢI |
Ông Nguyễn Việt Triều khẳng định: “Trong công tác bảo vệ cũng như tái tạo nguồn lợi thuỷ sản phải được thực hiện đồng bộ giữa tái tạo, phục hồi và bảo vệ mới hy vọng có kết quả tốt. Chúng tôi đang quyết liệt các vấn đề này để biển cả được hồi phục”.
Nhờ sáng kiến tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Cà Mau mà ông Nguyễn Việt Triều vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ðây chính là động lực để những người làm công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Cà Mau phát huy những sáng kiến, những việc làm thiết thực để bảo vệ đàn cá, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho tương lai. Ðặc biệt là sắp tới đây, Cà Mau sẽ có thêm nhiều khu bảo tồn sinh sản được xây dựng để các loài thuỷ sản trú ngụ nhằm tái tạo và khai thác nguồn lợi này bền vững, căn cơ hơn./.
Huệ Như