Sách Trắng 2016- ấn phẩm lần thứ 8- là quan điểm chung của các công ty châu Âu hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau. Ấn phẩm này cung cấp tổng hợp những thông tin đánh giá cập nhật nhất về tình hình kinh tế, môi trường kinh doanh và môi trường pháp lý hiện nay tại Việt Nam.
Nội dung của Sách Trắng 2016 đề cập đến các vấn đề then chốt về đầu tư trực tiếp nước ngoài, quản trị doanh nghiệp, năng lượng, tăng trưởng xanh, phát triển nguồn nhân lực, quyền sở hữu trí tuệ, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, đối tác công – tư, vận tải, hậu cần, thuế, hải quan…
Sách Trắng 2016 đánh giá cao nhiều bước tiến tích cực trong các văn bản pháp luật và quy định về thuế của Việt Nam. Những thay đổi này bao gồm việc gỡ bỏ quy định không khống chế mức trần cho việc khấu trừ chi phí quảng cáo và khuyến mại; tái áp dụng ưu đãi thuế cho mở rộng kinh doanh và cho các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, cũng như những thay đổi tích cực về thuế Thu nhập cá nhân và thuế GTGT. Bên cạnh đó, một số biện pháp đã được triển khai nhằm giảm bớt yêu cầu khai nộp với tất cả các loại thuế.
Liên quan đến lĩnh vực hải quan, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu ủng hộ những sửa đổi trong Luật Hải quan cũng như tiến trình tin học hóa hải quan trong thời gian gần đây. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cũng hoan nghênh Tổng cục Hải quan đã tổ chức các buổi tham vấn các bên liên quan một cách toàn diện về Luật Hải quan 2014 cũng như các thủ tục, quy định của hải quan.
Nhờ việc áp dụng hệ thống thống quan tự động (VNACCS), cơ quan Hải quan có thể tiến hành triển khai một hệ thống quản lý rủi ro phù hợp. Hệ thống này giúp tập trung hoạt động kiểm soát hải quan vào các lô hàng có mức độ rủi ro cao nhất, từ đó tăng khả năng nhận diện hoạt động buôn lậu và các hình thức buôn bán trái phép khác. Đồng thời, hệ thống cho phép các lô hàng rủi ro thấp của các thương nhân luôn tuân thủ pháp luật được hoàn tất các thủ tục thông quan một cách nhanh chóng. Điều này đảm bảo hàng hóa dễ được lưu thông hơn tại khu vực biên giới, từ đó giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Theo kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây. Đặc biệt, kim ngạch thương mại giữa 2 bên đã tăng hơn 10 lần trong vòng 5 năm, từ con số 4 tỷ USD năm 2011 lên 41 tỷ USD năm 2015.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, quan hệ Việt Nam – EU có tính chất bổ sung lẫn nhau, cả về đầu tư, thương mại, và hợp tác kinh tế. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), dự kiến có hiệu lực vào năm 2018, sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường, tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan, nhất là luật pháp kinh tế.
Còn theo ghi nhận của Chủ tịch EuroCham, bà Nicola Connolly, khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý của EuroCham luôn ở mức ổn định và chỉ số này đã tăng lên mức 82 điểm cho thấy sự cải thiện đáng kể trong niềm tin vào tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên EuroCham.
“Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU là một bước tiến vượt trội, thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu”- bà Nicola Connolly nói.
Các doanh nghiệp châu Âu kiến nghị trong lĩnh vực hải quan cần đơn giản hóa và tránh rườm rà trong việc yêu cầu cấp phép để thuận lợi hóa thương mại. Tất cả giấy phép nhập khẩu khác có thể được thực hiện tự động, tức là với nhà nhập khẩu cụ thể trong khoảng thời gian 1 năm trở lên thì áp dụng thủ tục đăng ký trực tuyến đơn giản. Nên trao quyền cơ quan Hải quan tiến hành thanh tra thay vì yêu cầu cán bộ từ các cơ quan chủ quản có mặt tại biên giới để thực hiện hoạt động thông quan. Trong trường hợp không thể thực hiện thì cơ quan Hải quan và các cơ quan khác của Chính phủ sẽ tiến hành hợp tác thanh tra để giảm thời gian thông quan. Đối với lĩnh vực thuế, EuroCham kiến nghị mặc dù Việt Nam đang tham gia hệ thống đồ sộ các hiệp định về thuế với hơn 60 hiệp định có hiệu lực và các hiệp định mới đang tiếp tục được ký kết, bao gồm hiệp định với Hoa Kỳ năm 2015 nhưng việc hưởng lợi trên thực tế theo các hiệp định này trong thời gian gần đây đang trở nên khó khăn hơn trước. Chính vì vậy, cần sự nhất quán và rõ ràng trong việc áp thuế, cũng như phân bổ thêm nguồn lực để hỗ trợ, giải đáp thắc mắc về thuế cho doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ thuế của mình... |