Những người cuối cùng mưu sinh bằng nghề vá áo mưa
Trong thời kỳ gian khó của đất nước,ữngngườicuốicùngmưusinhbằngnghềvááomưket qua girona nghề vá áo mưa từng rất thịnh hành tại các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng... nơi mà cuộc sống của người dân thường xuyên phải đối mặt với cảnh bão lũ. Ngày nay, ở một số khu chợ, con phố miền Trung vẫn còn những người mưu sinh và níu giữ nghề này với nhiều hoài niệm.
Một thời hoàng kim
Cái thời “ăn ra làm nên” của nghề vá áo mưacó lẽ là một quãng thời gian mà nhiều người muốn quên đi, bởi lúc đó chỉ có chữ nghèo. “Ngày xưa, sắm được cái áo mưa rất khó khăn, nếu cứ rách một tí đã bỏ đi như bây giờ thì chỉ có đại gia mới dám thôi.
Hồi đó, áo mưa tiện lợi mặc một lần chưa phổ biến nên hầu hết ai cũng sử dụng áo mưa cánh dơi, áo mưa bộ. Cứ mỗi khi rách, thủng chỗ nào là người ta lại mang đi vá, nhiều cái áo vá đi vá lại hàng chục lần…”, ông Lâm Thành Thuận (71 tuổi). Ông Thuận cũng chính là người thợ vá áo mưa cuối cùng còn sót lại ở chợ Đông Ba(TP Huế).
Bà Nguyễn Thị Khơi, bán cá tại chợ Đông Ba chia sẻ: “Mùa mưa năm nào tôi cũng thu gom áo mưa rách trong nhà mang ra nhờ chú Thuận vá. Vá mỗi cái lành lặn, chú ấy lấy 5.000 đồng, may mà chú còn làm nghề, chứ vứt đi thì uổng quá, còn mua cái mới thì tốn lắm. Chúng tôi từng sống ở cái thời đói nghèo, phải tiết kiệm từng manh quần tấm áo nên việc áo mưa phải vá lại là điều hiển nhiên, chứ không giống như ngày nay”.
Tiếp chuyện những người đất khách hiếu kỳ vào một ngày mưa, ông Thuận tươi cười nhớ về một thời nghề vá áo mưa còn thịnh hành. Đó là những miền ký ức về đất nước những ngày còn chìm trong khó khăn, cái đói, cái nghèo hiện hữu ở nhiều nơi.
Ở cái thời hoàng kim của nghề này dù tiền công vá một chiếc áo mưa chỉ vài trăm đồng thế nhưng được cái đông khách nên mỗi ngày ông Thuận cũng giắt lưng kha khá tiền.
Về sau, tiền công ngày càng lên giá 1.000 đồng, 2.000 đồng/lỗ rồi đến 5.000 đồng/lỗ như bây giờ nhưng ông Thuận có “nguyên tắc”, rất hiếm khi lấy của khách quá 5.000 đồng/áo mưa, trừ những chiếc bị rách quá nhiều.
Bởi theo ông: “Những người mang áo mưa đến vá đa số là người nghèo, họ cũng chắt chiu, tiết kiệm từng đồng nên mình cũng không nỡ lấy đắt. Dù thu nhập bèo bọt nhưng tôi rất hạnh phúc vì cái nghề này đã giúp tôi nuôi sống cả gia đình và lo cho 3 đứa con ăn học…”.
Ngày đó, mỗi khi trời Huế vào mùa mưa là gian hàng của chú lúc nào cũng đông nghịt khách. Khách đứng vay kín, nói chuyện huyên náo cả một góc chợ. Bởi vậy, đã từng có ngày ông Thuận được vá tới hàng trăm chiếc áo mưa với đủ kiểu rách khác nhau. Từ lỗ tròn, dẹt cho tới rách hàng vệt dài do va quẹt vào đủ chỗ. Có trăm ngàn lý do và kiểu rách áo mưa khác nhau từ mỗi vị khách.
Trong kí ức của mình ông Thuận nhớ rằng, khi đất nước còn khó khănthì nghề vá áo mưa này trở thành nghề “kiếm được”. Bởi lẽ vậy mà những người hành nghề vá áo mưa ở cái đất kinh thành Huế xưa tập trung rất nhiều ở khu vực cồn Hến. “Tui nhớ thời ‘hoàng kim”, người ta phải xếp hàng dài để chờ được vá áo mưa. Giờ thì hết rồi”, ông Thuận tâm sự.
Giờ đây khi kinh tế đất nước ngày càng phát triển, đời sống của người dân cũng bớt cơ cực hơn thì lẽ dĩ nhiên nghề vá áo mưa chẳng còn được ưu chuộng. “Nghề này, giờ thì ế ẩm quá, bây giờ nhiều người có tiền, áo mưa rách là họ mua cái mới luôn. Khách hàng cũng ít dần chủ yếu là xích lô, xe thồ những người buôn bán ở chợ hay những bạn sinh viên là chủ yếu”,ông Thuận than thở.
Bởi vậy, để có thể kiếm tiền lo cho cuộc sống ngoài vá áo mưa, ông Thuận còn nhận khâu vá cả giày dép để kiếm thêm mỗi lúc trời nắng. Dù cuộc sống vất vả là thế nhưng ông Thuận luôn cười hiền nói rằng: “Âu cũng vì yêu nghề mà bám trụ đến ngày hôm nay. Chứ tui không vá áo mưa nữa thì bà con nghèo chỉ còn nước... mua áo mưa mới”.
Nhìn khuôn mặt khắc khổ, mái tóc đã chấm bạc, da đã nhăn nhó nhiều nhưng đôi tay chú thoăn thoắt lật từng mảng miếng để dán áo mưa, chúng tôi hiểu nếu không có sự yêu nghề thì ông Thuận đã không làm nghề này lâu đến vậy.
Những người “ăn bám bệnh của trời”
Ông Lâm Thành Thuận thường được bà con và nhiều vị khách quen tại chợ Đông Ba gọi với cái tên thân mật là “chú Tí 5k”. Bởi vì, bởi áo mưa dù rách to hay nhỏ ông cũng chỉ lấy của mọi người 5.000 đồng.
Suốt hơn 40 năm qua, ở một góc chợ Đông Ba– ngôi chợ lớn nhất TP Huế, ông Thuận vẫn hàng ngày cần mẫn vá áo mưa cho nhiều vị khách thân quen. Mặc dù cái nghề của ông dường như đã bị lãng quên, thậm chí trở nên lạ lẫm ở thời hiện đại.
Vài thập niên gắn bó nhưng bộ đồ nghề của ông Thuận vô cùng giản đơn vớimột chiếc dũa, mỏ hàn, dao, kéo, lò than và vài ba miếng nilon. Ông Tí chỉ cần có thế nhưng đã gắn bó với cái nghiệp “ăn bám bệnh của trời”hàng chục năm qua.
Những ngày đầu tháng 12, đất cố đô thi thoảng lại có những cơn mưa bất chợt. Ở một góc chợ, ông Thuận cẩn thận nheo mắt, bàn tay khéo léo đưa mũi hàn di chuyển đi lại một cách cẩn thận để vá được một chiếc áo mưa của khách. Mái tóc đã điểm bạc, ông Thuận chậm rãi kể về cuộc đời mình và nhân duyên với cái nghề hiếm gặp này.Nhà nghèo nên chưa học hết lớp 5 ông Thuận đã phải ra ngoài chợ bốc vác thuê, bán vé số để kiếm tiền phụ gia đình.
Dần dà, những ngày lang thang, quanh quẩn những góc chợ, con phố, ông Thuận đã dần học được nghề vá áo mưa từ những người bạn trong chợ truyền lại. Ông Thuận đã tranh thủ học nghề từ những ngày mưa dài của xứ Huế. Khi đó mỗi lúc trời mưa công việc bốc vác, bán vé số của ông Thuận không được đông khách. Ngồi xem những người bạn chợ hành nghề vá áo mưa, ông Thuận cũng lân la tìm hiểu cái nghề mà “tiền bối” đang làm.
Lâu dần từ một người bốc vác, ông Thuận chuyển sang nghề vá áo mưa từ lúc nào không hay. Gần 30 tuổi, ông quyết định mang cái nghề mình “học lỏm” được ra chợ “kiếm cơm”. Và đến ngày nay, ở cái xứ chợ Đông Ba này chỉ còn ông Thuận là người duy nhất hành nghề vá áo mưa.
Cũng giống như ông Thuận, hơn nửa đời, ông Nguyễn Văn Sỹ cặm cụi với công việc dán vết rách áo mưa ở phố cổ Hội An (Quảng Nam). Người đàn ông nhỏ thó tá túc ngay ở khu lều trên đường Bạch Đằng.Ông Sỹ sinh năm 1960 ở Cù Minh An (Hội An, Quảng Nam), từng làm nhân viên cửa hàng lương thực. Năm 1982, ông đi bộ đội. Ba năm sau, giải ngũ không xin lại được việc cũ, cũng không biết làm gì khác nên ông kiếm kế sinh nhai bằng nghề dán áo mưa.
Không vợ con, ông Sỹ sống một mình ngay chỗ lều làm việc được dựng bằng những cây ô, tấm bạt, áo mưa bỏ đi. Ông có nhà cách trung tâm 4 km nhưng không về vì buồn, ở lại đây cho có bạn bè.
Khu lều của ông gây chú ý bởi tấm biển thô sơ lấy từ miếng gỗ phế thải: “Dán áo mưa tàu ngầm”. Ông Sỹ giải thích, đó chỉ là một cách nói ngoa cho vui và thu hút, bởi kỹ năng của ông có thể dán chuẩn đến mức áo mưa giống như tàu ngầm, không thể ngấm nước.
Bởi vì lẽ đó mà chỉ vào những ngày mưa thì cái nghề này mới có đất diễn. “Nắng mưa là bệnh của trời” (Trích bài thơ: Tương tư, nhà thơ Nguyễn Bính) và đúng “căn bệnh mưa” đó đã giúp cho nhiều người như ông Thuận, ông Sỹ có cơ hội kiếm sống.
Họ kiếm được tiền nuôi gia đình từ “căn bệnh mưa” của trời. Miền Trung chỉ có hai mùa mưa nắng, bởi vậy mà chẳng ai có thể chịu khoác mãi trên mình một mảnh áo mưa rách dưới những cơn mưa dầm dề, dai dẳng như ở xứ Huế, xứ Quảng...
Vào những ngày mưa “thối đất, thối cát” đó có lẽ chỉ có những người hành nghề vá áo mưa mới vui mừng. Bởi nếu trời cứ nắng ráo thì ai lại cần tới áo mưa, ai cần tìm đến những người vá áo mưa như ông Thuận, ông Sỹ. Hai ông cùng nhiều người trong nghề đã từng và đang chờ đợi những cơn mưa miền Trung bất chợt, bởi chỉ có mưa thì ông Thuận, ông Sỹ mới có việc để làm, những chiếc áo mưa rách mới được tân trang.
Nghề nghèo vẫn phải khéo
Với bộ dụng cụ đơn giản, ông Sỹ nung đỏ chiếc dùi rồi lấy ra và chà qua nến để giảm nhiệt độ để khi thao tác, nilon không bị cháy và giúp chiếc dùi trơn hơn. Miếng vá nhỏ cùng loại với áo mưa được đặt lên lỗ thủng. Sau đó, ông lấy một miếng nilon khác (loại không dính) đặt lên trên, dùng dùi nóng di lên cho miếng vá dính vào áo mưa.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm hơn trong nghề, bởi có lẽ vậy mà nhìn cách ông Thuận dán áo mưa cũng mang cái nghệ hơn nhiều người. Mỗi khi vá áo, ông Thuận sau khi nhóm lò than, đưa tiếp chiếc mũi hàn làm bằng thanh sắt dài, ở đầu có hình móc câu đập dẹp vào cái lò lửa mini ấy.
Được một lúc, ông Thuận lôi mũi hàn ra đưa lên sát gần má, mũi của ông hơi nhích nhích vài cái. “Ông Thuận có tài ngửi được nhiệt độ đầu mũi hàn. Ngửi ngửi vài cái là biết được đầu mũi hàn quá nóng hay quá nguội”, một bà chủ quán bán bún bò ngồi gần đó nói với ra như giải thích thắc mắc của các vị khách về hành động của ông Thuận.
“Kinh nghiệm cả thôi. Làm cái nghề này ngót nghét cũng đã hơn 40 năm rồi còn gì”, người thợ già cười nhăn nheo, hiền lành rồi tiếp tục công việc. Không giống với ông Sĩ là dùng gần cùng loại với áo mưa được vá, ông Thuận lục trong đống đồ lỉnh kỉnh ra một đoạn nilông nhỏ màu trắng. Ông Thuận nói rằng đây là loại giấy gương đặc biệt dùng để dán áo mưa.
Ướm lại độ dài vết rách trên áo, ông Thuận tỉ mỉ xem độ dài rộng của chỗ rách rồi ướm, cắt miếng nilon cùng loại với chiếc áo mưa này một cách vừa vặn. Sau đó, ông nhẹ nhàng rút chiếc dùi sắt đã nung đỏ trong lò than ra và chà qua sáp nến (để giảm nhiệt độ giúp nilon không bị cháy và làm bề mặt chiếc dùi trơn hơn).
Thấy đống nến bốc khói mù mịt, ông Thuận gật đầu tỏ vẻ dùi đã vừa nhiệt độ, rồi lấy một miếng nilon khác (loại không dính), đặt lên trên miếng vá và áo mưa, bên dưới có kê sẵn một tấm sắt bề mặt sần sùi. Sau đó, ông dùng mỏ hàn đang nóng đè mạnh, dí lên, dí xuống nhiều lần để chúng bám chặt vào nhau.
Rít một hơi thuốc dài, ông Thuận cười khà khà chia sẻ: “Nhìn thì đơn giản nhưng nếu cái mỏ dùi nóng quá, không cẩn thận làm hư cái áo mưa, mất công không có tiền mà đền. Ớn nhất là khi gặp những cái áo mưa quá rách hoặc những chiếc mà chất liệu mình chưa thấy bao giờ. Suốt 40 năm, tôi làm vui lòng nhiều vị khách khó tính nhưng cũng không ít người bắt đền lại cái mới vì lỡ làm hư cái áo mưa của họ...”.
Nghề vá áo mưathì trời mưa mới có khách, chính vì phụ thuộc vào thời tiết nên nghề này có thu nhập rất bấp bênh. Cao điểm như mùa mưa, mỗi ngày ông Thuận dán được 5 đến 10 cái áo mưa. Còn trời nắng thì may lắm lác đác có 1, 2 người đem tới dán hoặc ngồi cả ngày cũng chẳng có ai. Chính vì nghề này không đáp ứng được nhu cầu để mưu sinh nên bây giờ không còn mấy ai mặn mà với nó nữa.
“Hiện nay ít người làm nghề này như chú lắm. Sau này nếu chú già, mắt yếu thì chú sẽ truyền nghề lại cho con trai. Cái gì có cha truyền con nối cũng hay mà. Nhưng nếu nó không theo nghiệp thì chịu thôi chứ sao. Hy vọng là vẫn còn người làm công việc bình dị này...”, chú Thuận vừa vá áo vừa tâm sự.