27 tháng miệt mài làm nên kỷ lục
Đến làng mộc ở thôn Ngọc Than,íasaubứctranhgỗVinhquybáitổvừalậpkỷlụcViệbd net xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai, Hà Nội) hỏi nhà làm ra bức tranh gỗ “Vinh quy bái tổ”, ai cũng biết.
Anh Bùi Trọng Quân và Bùi Trọng Lăng là hai anh em ruột, sinh ra từ làng nghề Ngọc Than. Vì hoàn cảnh, từ bé, anh Quân phải xa nhà, anh Lăng ở lại quê hương nuôi dưỡng giấc mơ nghề mộc.
Năm học lớp 9, anh Lăng đã bộc lộ tài năng vẽ xuất chúng. Sẵn đam mê, anh tiếp tục theo đuổi nghề truyền thống của làng như bao người khác. Ban đầu anh chỉ vẽ và điêu khắc những đồ thờ cúng và một số bức tranh thông thường.
Đến năm 2013, sau nhiều năm gặp lại, hai anh em Quân và Lăng quyết định bắt tay mở xưởng làm nghề riêng.
Sau nhiều khó khăn thử thách, anh em Bùi gia nghĩ rằng cần phải có một bước đột phá lớn để ghi dấu ấn. Đó không chỉ là việc làm mang lại thành tích cho cả hai mà còn khiến ngôi làng nghề của mình được nhiều người biết đến. Cuối cùng, hai anh em quyết định thực hiện một tác phẩm để đời. Ý tưởng làm một bức tranh gỗ khối lớn cũng bắt nguồn từ đó.
Xuất phát từ điển tích "Vinh quy bái tổ" với những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, hai anh em Bùi Trọng Lăng và Bùi Trọng Quân quyết định bắt tay thực hiện tác phẩm này.
Anh tìm tòi tư liệu, gặp gỡ các nhà chuyên môn có kiến thức về lịch sử, văn hóa, hội họa để xin tư vấn. Hai anh em cũng mất rất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, đi đến những di tích như Kinh thành Huế, Hoàng thành Thăng Long, Văn miếu Quốc Tử Giám...
Tác phẩm tranh gỗ này được sự hỗ trợ về chuyên môn của nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và họa sĩ, Tiến sĩ Hồ Trọng Minh - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Nhờ đó, cả hai đều có niềm tin vào ý tưởng của mình và quyết định cùng các nghệ nhân trong xưởng ngày đêm dốc sức làm việc. Sau 27 tháng miệt mài với hơn 10 nghệ nhân lành nghề, tác phẩm cuối cùng cũng được hoàn thành trước sự ngưỡng mộ của nhiều người.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa xác lập kỷ lục đây là: "Tác phẩm tranh gỗ thủ công về chủ đề “Vinh quy bái tổ” lớn nhất và về chủ đề “Vinh quy bái tổ” có số lượng người nhiều nhất".
Thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc
Bức tranh dài 8,33m, cao 1,7m và dày 16cm. Anh Bùi Trọng Quân cho hay, điểm độc đáo của bức tranh là được làm trên gỗ Cẩm Lai Nam Phi liền khối, nặng 2 tấn.
Anh Quân cho biết, khó khăn lớn nhất khi thực hiện bức tranh chính là khối lượng gỗ và công việc rất lớn: “Chúng tôi phải trải qua nhiều công đoạn từ vẽ mẫu cho đến phá khối, đục nét, đục tỉa, cạo nạo giấy ráp. Tất cả đều phải làm tỉ mỉ, không được lỗi bất cứ công đoạn nào. Bởi nếu để lỗi mất chi tiết, hình người sẽ không trọn vẹn, không phản ánh được cái hồn của tác phẩm”.
Bức tranh có tới 348 nhân vật, 68 cây và cụm cây, ngoài ra còn rất nhiều chi tiết như cờ quạt, võng lọng, giáo mác… Tranh được thực hiện trong vòng 27 tháng, với sự tham gia của 10 thợ lành nghề, trải qua nhiều công đoạn khác nhau.
Chủ đề của bức tranh nói về đoàn rước một vị quan từ kinh thành về quê hương trả lễ người thầy đã dạy mình.
Toàn cảnh bức tranh giúp người xem như sống lại thời "lều võng thi Hương, thi Hội". Đó là những gian nan vất vả của các sĩ tử trên đường trẩy kinh. Đó là niềm tự hào, sung sướng khi được đề tên trên bảng vàng, được "Vinh quy bái tổ".
Điểm nhấn quan trọng là đoàn rước quan tân khoa, được vẽ uốn lượn theo nguyên tắc "khí vận sinh động". Dòng người chuyển động nhìn xa như con rồng đang bay giữa không gian. Các họa tiết, đường nét trong tranh như: giếng nước, sân đình, cây đa… cũng mang đậm tinh thần văn hóa dân tộc Việt Nam.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá cao sự tinh xảo, khéo léo của người tạo ra tác phẩm cũng như tinh thần giữ gìn truyền thống nghề nghiệp quê hương và ý tưởng sáng tạo của tác phẩm này.
Hiện bức tranh được nhiều người trả giá cao nhưng theo anh Quân, giá cả không phải là tiêu chí hàng đầu. Bức tranh đối với anh là một công trình nghệ thuật có giá trị lớn. Anh hi vọng những người yêu quý bức tranh, muốn sở hữu bức tranh phải là người thực sự yêu giá trị truyền thống dân tộc, là người muốn truyền tải giá trị văn hóa của dân tộc tới mọi người.
“Điều tôi tâm đắc nhất chính là bức tranh truyền tải được nhiều nét văn hóa và đạo lý của người Việt. Nếu ai đó muốn sở hữu bức tranh, tôi hi vọng đó phải là người hết lòng vì nghệ thuật, yêu giá trị văn hóa dân tộc. Bức tranh cần được đặt ở vị trí trưng bày, để quan khách dễ dàng chiêm ngưỡng mới không làm lãng phí công sức cũng như giá trị mà chúng tôi muốn truyền tải”, anh Bùi Trọng Quân chia sẻ.