Du lịch miền Trung gặp 'khó' sau sự cố môi trường
Báo cáo Chính phủ tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Quảng Bình với nhiều địa danh du lịch đã được báo chí trong nước và quốc tế đánh giá cao, đặc biệt được The New York Times (Mỹ) bình chọn là điểm đến hấp dẫn xếp ở vị trí thứ 8/52 của thế giới và đứng 1/12 điểm đến trong khu vực Châu Á. Trong đó, Sơn Đoòng được tạp chí News (Úc) xếp vào danh sách điểm đến “đẹp không thể tin nổi” trên trái đất; tạp chí du lịch Business Insider của Mỹ cũng bình chọn hang Sơn Đoòng là trong top 12 hang động kỳ vỹ nhất trên thế giới...
Tuy nhiên ông Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2016 do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển từ ngày 10/4, lượng khách du lịch đến với Quảng Bình sụt giảm nghiêm trọng ngay trong thời kỳ mùa vụ cao điểm về du lịch. Điều này đã khiến các doanh nghiệp hết sức khó khăn, nhiều dự án đầu tư khách sạn từ 3 sao trở lên, nhà hàng phục vụ khách du lịch đang triển khai đứng trước nguy cơ phải tạm dừng thi công. Một số dự án lớn tạo động lực cho phát triển du lịch đã tạm dừng hoặc bỏ đầu tư.
Hiện nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải cắt giảm lao động, cho nhân viên nghỉ việc đến 50%. Đa số lao động có tay nghề đã chuyển vào các thành phố lớn làm việc, gây tình trạng thiếu hụt nhân lực có chất lượng và khó có thể bù đắp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cuộc sống của hơn 4.000 lao động trực tiếp và 7.300 lao động gián tiếp đã bị ảnh hưởng không nhỏ trước khó khăn của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn.
Mặc dù Quảng Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó và khắc phục khó khăn như thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, giảm giá đồng loạt tất cả dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, giảm 30% giá vé tham quan cho khách lưu trú tại Quảng Bình đến tham quan động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường và tiến hành xúc tiến du lịch sâu rộng tại nhiều thị trường, tuy nhiên tổng số du khách đến Quảng Bình chỉ đạt trên 1,3 triệu lượt khách, giảm gần 20,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Để khắc phục khó khăn trên, tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết triệt để sự cố môi trường biển, tạo điều kiện để khôi phục ngành kinh tế biển nói chung và du lịch biển nói riêng.
Đồng thời không quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp và các ngành, lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Cùng với đó là có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về thuế, đất đai, tín dụng và cung cấp các gói hỗ trợ cho tỉnh, bù đắp các thiệt hại cho doanh nghiệp để khắc phục hậu quả của sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.
Tương tự Quảng Bình, đại diện tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng cho biết, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra ở 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh du lịch của địa phương này.
Học hỏi cách làm du lịch nước ngoài
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như trên, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, hiện nay các sản phẩm du lịch của ta còn nghèo nàn, nhiều địa phương chỉ coi trọng phát triển di sản mà thiếu sự sáng tạo đưa ra sản phẩm du lịch có sức hút, độc đáo, việc xúc tiến quảng bá không có sự liên kết giữa các địa phương, tỉnh nào biết tỉnh đó.
Ông Dũng kiến nghị, cần xã hội hoá phát triển du lịch với sự tham gia của người dân, toàn xã hội, chứ không phải chỉ chú tâm thành lập các quỹ. Điều mà các nhà quản lý du lịch cần quan tâm là phải huy động được người dân, từ ông lái taxi tới nông dân... làm du lịch.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, du lịch là một ngành kinh tế về dịch vụ, có tính chất tổng hợp liên ngành liên vùng và tính xã hội hóa rất cao. Phải có thước đo và tiêu chí cho ngành này. Cả nước làm du lịch, toàn dân làm du lịch chứ không phải chỉ ngành văn hóa du lịch mới làm du lịch.
Nói về cách làm du lịch, Phó Thủ tướng nêu ví dụ, đi nước ngoài mới thấy họ biết cách vét sạch tiền của mình tới đồng cuối cùng. Không có điểm vui chơi giải trí nào không hướng tới khu mua sắm. Bài toán vẫn là tư duy. Việt Nam không phải học đâu xa, bởi cứ nhìn vào Thái Lan, Malaysia hay Singapore... sẽ thấy cách họ làm du lịch. Vì sao họ có thể thu tới đồng tiền cuối cùng của mỗi du khách, trong khi ở Việt Nam, khách tới một lần không muốn quay trở lại.
Dẫn chứng về việc khách du lịch không muốn quay trở lại, Phó Thủ tướng đưa ra số liệu, khách nước ngoài đến Việt Nam 90% là tới lần đầu, chỉ có 6% tới lần 2, khách nội địa 39% tới lần đầu, 24% tới lần 2 và 15% đến lần 3. Vì sao lại như vậy?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đưa ra thêm dẫn chứng cho việc phát triển du lịch, đền thờ Angkor Wat ở Campuchia mỗi năm thu tới 360 triệu USD, trong khi đó khu Đại nội Huế rộng lớn của Việt Nam mỗi năm chỉ khai thác được khoảng 100 triệu USD. Còn ở đảo Hawaii của Mỹ, chỉ có Trân Châu Cảng với con tàu đắm mà người người lũ lượt xếp hàng hết ngày này qua ngày khác chỉ để ra chụp cái ảnh rồi đi về mà cũng thu được 20 USD/người, trong khi Việt Nam có bao nhiêu di tích như vậy mà không thu hút được khách du lịch.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần đặt du lịch trong quan hệ với các ngành kinh tế khác và bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. Đồng thời cần phân tích đánh giá kỹ tiềm năng lợi thế của du lịch Việt Nam, cơ hội, thách thức và tầm nhìn trong thời gian tới. Đặt mục tiêu đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng phải phát triển bền vững.
Hiện nay, việc liên kết ngành, liên kết vùng còn lỏng lẻo, kém hiệu quả, chất lượng sản phẩm khai thác và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, thiếu các sản phẩm mang tính khác biệt, thiếu bản sắc dân tộc, thiếu đa dạng, chưa có sản phẩm mang tính quốc gia, chưa có khu du lịch quốc gia, đô thị du lịch theo tiêu chí của Luật Du lịch. Công tác quản lý du lịch, môi trường du lịch còn yếu kém.
6 hạn chế trong vấn đề phát triển du lịch 1. Hiệu quả xúc tiến quảng bá chưa cao. Thị trường khách quốc tế còn thiếu thông tin về du lịch Việt Nam; quy mô chất lượng của các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch còn hạn chế; hình ảnh nhận diện của Việt Nam chưa thống nhất; thương hiệu du lịch Việt Nam chưa có sức cạnh tranh cao so với quốc tế. 2. Mức độ mở cửa quốc tế còn thấp. Việt Nam xếp thứ 89 về mức độ mở cửa quốc tế, trong đó yêu cầu về thị thực xếp hạng 119, sau hầu hết các nước ASEAN. 3. Thiếu sản phẩm du lịch nổi trội, chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. 4. Quy định pháp lý, công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch bộc lỗ những hạn chế và bất cập. Luật du lịch 2005 có một số quy định chưa phù hợp với cam kết quốc tế, các luật khác mới được ban hành, yêu cầu thực tiễn. 5. Cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế. Hệ thống các đường bay kết nối trực tiếp các thị trường trọng điểm quốc tế tới Việt nam còn nhiều hạn chế. 6. Phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các doanh nghiệp chưa chặt chẽ. |
Hồng Quyên