【slna vs hồng lĩnh hà tĩnh】Cả nghìn container rác ngoại vô chủ: Cảng biển còng lưng gánh phí
Cả nghìn container rác ngoại vô chủ: Cảng biển còng lưng gánh phí
Tại cảng Cát Lái (quận 2, TPHCM) khi chiếc cần cẩu nhấc những container hàng vô thừa nhận hạ xuống đất, mấy cán bộ Hải quan TPHCM liền tiến đến làm thủ tục kiểm tra. Container vừa được mở ra, mùi từ đống phế liệu bên trong cũng phả ra hôi nồng nặc.
Tay bịt mũi, chui vào container cắm máy giám định vào kiện phế liệu để xác định lô hàng, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gònkhu vực 1 (Cục Hải quan TPHCM) cho biết, đó là công việc của cán bộ Hải quan để đánh giá xem container đó có đủ tiêu chuẩn để nhập khẩu hay không.
Doanh nghiệp “bỏ của” chạy trốn
Chỉ tay về khu vực chứa hàng nghìn thùng containernằm một góc của cảng Cát Lái, ông Long cho biết, đó là khu vực chứa hàng phế liệu với 1.527 container phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái từ năm 2018 đến nay. Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm đếm, phân loại và xác định có 1.099 container chứa phế thải lẫn nhiều tạp chất, chất độc hại gây ô nhiễm môi trường buộc phải tái xuất, nhiều container đã cập cảng hơn 90 ngày nhưng không có người nhận.
Cuối tháng 9/2020, cơ quan Hải quan đã gửi thông báo đến 30 hãng tàu yêu cầu tái xuất 1.099 container phế liệu. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới 19 hãng tàu, đại lý hãng tàu tại Việt Nam có phản hồi. Trong số đó, chỉ có 10 hãng tàu đưa ra phương án tái xuất trên 400 container nhưng cũng mới tái xuất được 39 container; 5 hãng tàu xin được thực hiện phương án tiêu huỷ 93 container; 2 hãng tàu xin gia hạn thời gian xử lý 360 container. Còn 11 hãng tàu vẫn chưa có phản hồi nào về 446 container phế liệu.
Ông Long cũng cho biết, đa phần container phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái từ năm 2018 đến nay. Năm 2018, Trung Quốc cấm nhập phế liệu, container rác dường như được nhập vào Việt Nam nhiều hơn và cảng Cát Lái là cửa ngõ chính. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam siết quy định nhập khẩu phế liệu thì lượng lớn hàng hóa, chủ yếu là phế thải màng nhựa, bao bì các loại, tạp chất, vỏ xe cũ, hàng điện tử, rác thải... được nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản mắc kẹt tại các cảng biển. Không thể thông quan nên các công ty đứng tên nhập khẩu số hàng hóa này đã bỏ trốn không đến làm thủ tục.
Ông Long nói rằng, theo quy định, hàng đủ điều kiện nhập khẩu sẽ được đấu giá, hàng không đủ điều kiện thì sẽ tiêu hủy hoặc yêu cầu các hãng tái xuất. Tuy nhiên, việc xử lý số hàng phế liệu tồn đọng này đang gặp không ít khó khăn. “Một số doanh nghiệp nhập khẩu bỏ trốn do hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, phí lưu container quá nhiều so với giá trị hàng hóa. Chúng tôi đã làm nhiều cách nhưng số doanh nghiệp đến xử lý các container phế liệu này rất hạn chế “, ông Long nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ cảng, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho hay, đa số công ty đứng tên nhập khẩu hàng phế liệu là công ty “ma” (sử dụng địa chỉ giả, nhờ người khác đứng tên mở công ty), những công ty này không đủ chức năng xử lý hàng phế liệu nhưng vẫn cứ nhập về rồi để ở cảng mà không đến làm thủ tục thông quan. Khi lực lượng chức năng tìm thì không thể xác định được trụ sở, người chịu trách nhiệm của những công ty này. Rất nhiều lô hàng hiện nay không tìm được người nhận.
Cảng biển còng lưng gánh phí
“Đa số công ty đứng tên nhập khẩu hàng phế liệu là công ty “ma”, những công ty này không đủ chức năng xử lý hàng phế liệu nhưng vẫn cứ nhập về rồi để ở cảng mà không đến làm thủ tục thông quan”. Nguyễn Quang Tuấn -
Phó Giám đốc Trung tâm điều độ cảng, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn
Ông Tuấn cho biết, hiện nay các cảng biển mà đơn vị quản lý đang còn hơn 8.000 container tồn đọng hơn 90 ngày. Trong đó, có 7.000 container nhập vào cảng Cát Lái, do chiếm diện tích quá lớn nên đơn vị phải xin phép các cơ quan chức năng để chuyển 3.000 container đi Tân cảng Hiệp Phước để lưu trữ. Riêng cảng Cái Mép cũng còn hơn 1.000 container. Phần lớn hàng tồn đọng là phế liệu không đủ tiêu chuẩn thông quan.
Hàng nghìn container phế liệu “nằm ăn vạ” tại cảng Cát Lái suốt thời gian dài chiếm dụng diện tích rất lớn, có thời điểm chiếm hơn 10% diện tích cảng. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác của các cảng biển, gây thất thoát một khoản phí cực kỳ lớn từ phí lưu kho bãi đến phí vận chuyển đi lưu trữ ở cảng khác để tạo dư địa cho cảng Cát Lái tiếp nhận thêm hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Cụ thể, với hơn 8.000 container tồn đọng tại các cơ sở cảng, mỗi năm công ty phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để trả chi phí bến bãi, cộng thêm nhiều tỷ đồng tiền phí vận chuyển đi nơi khác để lưu giữ, chưa kể gây mất cơ hội thông quan hàng trăm nghìn container khác. “Vì 4.000 container nằm tại cảng Cát Lái, mỗi năm đơn vị mất đi cơ hội thông quan hơn 200.000 container khác tương đương 200.000 USD, chưa tính phí lưu container cho lượng hàng tồn đọng này. Bên cạnh đó, đơn vị phải mất 100-150 USD/container phí vận chuyển từ cảng Cát Lái đi cảng khác để lưu giữ. Như vậy, thiệt hại mà cảng gánh chịu là cực kỳ lớn”, ông Tuấn phân tích.
Theo ông Tuấn, thời gian qua, Tân cảng Sài Gòn đã nhiều lần gửi thông báo, đăng báo và áp dụng chính sách giảm đến 80% phí lưu bãi nhưng vẫn không có đơn vị nào đến làm thủ tục thông quan. Đơn vị cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp sớm xử lý lượng hàng tồn đọng này nhưng vẫn chưa có kết quả.