【ket qua thi dau hom nay】Vì sao nông thôn đến hạn lại “khát”?

Báo Cà Mau(CMO) Cứ đến mùa hạn, người dân ở nhiều vùng nông thôn Cà Mau lại rơi vào cảnh thiếu nước. Vòng luẩn quẩn ấy dường như không có hồi kết, và không ít người đặt ra câu hỏi: Vì sao? Việc sử dụng tài nguyên nước, quy hoạch đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nông thôn Cà Mau đang có quá nhiều vấn đề cần cải thiện. Trên diễn đàn của kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khoá IX, câu chuyện này một lần nữa được phân tích cặn kẽ, cụ thể và có cả những đề xuất mang tính giải pháp để khắc phục.

Theo báo cáo giám sát của HĐND, giai đoạn 2010-2019, toàn tỉnh Cà Mau đầu tư thêm 64 công trình cấp nước tập trung, nâng tổng số công trình cấp nước tập trung lên 286 công trình, với tổng công suất khai thác đạt khoảng 144.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 138.000 giếng khoan nhỏ lẻ của hộ gia đình, tổng lưu lượng khai thác trên 275.000 m3/ngày đêm. Các cơ sở quản lý công trình cấp nước tập trung được phân chia gồm Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau (36 trạm); Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau (238 trạm); UBND các xã quản lý, vận hành (220 công trình) và 2 công trình do tư nhân đầu tư.

Mô hình trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt, sản xuất tại ấp Rạch Lùm A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Dương Huỳnh Khải đánh giá: “Công tác đầu tư công trình nước sạch trên địa bàn nông thôn tỉnh thời gian qua dàn trải, tạm thời, đầu tư nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả đầu tư thấp và thiếu tính bền vững”. Chỉ ra hàng loạt nguyên nhân, ông Khải cho thấy một thực trạng buồn của câu chuyện cấp nước sạch vùng nông thôn. Hầu hết các công trình cấp nước đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần lớn là tận dụng quỹ đất công, đất hiến, đất mượn của người dân, không đảm bảo tính ổn định và phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh của khu vực lấy nước theo quy định. Hiện chỉ có 80/238 công trình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Công trình cấp nước tập trung nông thôn chưa thực hiện công tác quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong quá trình khai thác theo quy định. Hiện chỉ có 20/238 công trình có gắn thiết bị lưu lượng khai thác để tính toán được lượng nước thất thoát sau khai thác. Trong 238 công trình, chỉ có 59 công trình hoạt động hiệu quả, có tới 73 công trình hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp trầm trọng và chỉ chờ tháo dỡ, thanh lý.

Mô hình, cơ chế quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung ở nông thôn chưa phù hợp, không rõ ràng và thiếu tính chuyên nghiệp nên không phát huy được hiệu quả. Những vướng mắc được chỉ ra là Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, dù là đơn vị sự nghiệp công lập, từ năm 2014 đến nay được giao quản lý, khai thác 18 công trình cấp nước nông thôn sau đầu tư để kinh doanh nước sạch, không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; kinh doanh nhưng không hạch toán đầy đủ, chủ yếu lấy thu bù chi, không trích được khấu hao tài sản…

UBND các xã được giao quản lý, vận hành và khai thác 220 công trình cấp nước ở nông thôn nhưng không bàn giao về tài sản, không tính khấu hao tài sản hàng năm, không có người quản lý chuyên nghiệp, chủ yếu khoán trắng cho ấp, khóm và thực tế là giao lại cho người dân tự quản lý, vận hành. Đến nay, hầu hết các công trình này đều không phát huy được công năng, hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Công tác giám sát, kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt nông thôn chưa chặt chẽ. Tỉnh Cà Mau chưa ban hành được quy chuẩn kỹ thuật nước sạch. Một số địa phương thiếu nguồn nước ngầm để xây dựng các công trình cấp nước tập trung.

Nguyên nhân tình trạng trên được phân tích ở nhiều góc độ. Đó là công tác quản lý Nhà nước về cấp nước an toàn từng lúc còn thiếu quan tâm, chưa bám sát quy hoạch, chưa xây dựng được mô hình, cơ chế phù hợp. Nhân lực quản lý, vận hành, khai thác các công trình không có trình độ chuyên môn. Quản lý hoạt động kinh doanh cấp nước lỏng lẻo, kém hiệu quả. Nguồn nước khai thác chủ yếu là nước ngầm mà không có nguồn nước thay thế. Một số địa phương quản lý các công trình cấp nước tập trung có ý thức kém, thụ động, trông chờ, ỷ lại.

 Ông Dương Huỳnh Khải đề cập một số kiến nghị, bao gồm ở cấp Trung ương và của tỉnh Cà Mau. Trong đó, đề nghị Trung ương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng cụm nhà máy nước vùng liên tỉnh Sông Hậu 1 và Sông Hậu theo Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 8/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Ban hành cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng các công trình cấp nước tập trung tại nông thôn. Với tỉnh Cà Mau, những công việc cần làm rất nhiều, để củng cố, phát triển và phát huy công năng của các công trình cấp nước sạch tập trung ở nông thôn.

Báo cáo này nhấn mạnh, phải đổi mới về công tác quản lý, tổ chức, vận hành trong khai thác và cung cấp nước sạch tập trung tại nông thôn. Tập trung thí điểm và nhân rộng các mô hình xã hội hoá về cung cấp nước sạch tập trung. Xây dựng các công trình mới phải đảm bảo về quy mô, thiết kế, hàm lượng khoa học - kỹ thuật. Khai thác gắn liền với bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là hạn chế khoan mới giếng ngầm, xử lý và lấp các giếng ngầm không sử dụng, hư hỏng. Hướng người dân đến việc sử dụng tài nguyên nước sẵn có, như nước mưa. Song song đó là ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của từng người dân. Những công việc cần làm để cung cấp đầy đủ nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân nông thôn còn rất nhiều.

Có thể nói, tình trạng đến hạn lại “khát” chưa thể giải quyết dứt điểm ngay trong ngày một, ngày hai. Nhưng có thể kỳ vọng, sau khi đã nhìn nhận và đánh giá toàn diện nguyên nhân, thực trạng, cùng các đề xuất, kiến nghị, tình hình trên sẽ sớm được cải thiện, tiến đến mục tiêu người người, nhà nhà có nước sạch để phục vụ sinh hoạt và lao động sản xuất./.

Phạm Nguyên