Xin cho biết đánh giá của ông về bức tranh tăng trưởng của Việt Nam đầu năm 2018?ấtlượngtăngtrưởngcócảithiệkèo uruguay
Tăng trưởng của Việt Nam năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 rất tích cực song vẫn còn những điểm hạn chế, khó khăn mà chúng ta phải vuợt qua. Sự quan tâm của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và người dân hiện nay là chất lượng tăng trưởng, nghĩa là tăng trưởng phải bền vững, thực chất và không phụ thuộc vào ai… Nhưng đánh giá về chất lượng tăng trưởng phải đánh giá theo khoa học, bài bản, trên cơ sở các chỉ tiêu, chỉ số cụ thể, như năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR)... Có như vậy mới so sánh với các nước khác trên thế giới.
Về mặt định tính, có thể nói, so với các nước trong khu vực và các nước trên thế giới, chúng ta vẫn trong nhóm nước trung bình chứ chưa phải là nước có tốc độ phát triển cao. Trong danh sách dài các quốc gia được xếp hạng thì Việt Nam đứng ở nhóm giữa. Một mặt, chúng ta phải nhìn lên để cố gắng, mặt khác chúng ta có thể nhìn xuống để thấy so với các nước đằng sau chúng ta thì chúng ra đã tiến bộ hơn rất nhiều. Đây là điều đáng khích lệ, chứ không chỉ nhìn vào mặt tiêu cực để rồi lại không có động lực để phấn đấu tiếp theo.
Về quan điểm cho rằng kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc vào khu vực DN FDI, tôi cho rằng đây là thành phần kinh tế quan trọng, là yếu tố khách quan, không thế tránh khỏi, là bộ phận không thể thiếu khi chúng ta hội nhập. Với những DN lớn, họ đã lớn và mạnh từ trước, nên khi đến Việt Nam họ có thể ngay lập tức bắt tay vào sản xuất. Chúng ta cần những đối tác chiến lược như vậy. Khi đầu tư vào Việt Nam, mục tiêu của họ là phải có lãi. Điều chúng ta quan tâm là DN của ta chưa mạnh như họ. Hiện nay cơ sở pháp lý để hỗ trợ các DN Việt Nam phát triển đã có nhưng thực hiện như thế nào thì cần phải đánh giá .
Đâu là những yếu tố nổi trội có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2018, thưa ông?
Năm 2018, tăng trưởng kinh tế ghi nhận mức cải thiện ấn tượng, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, nhưng tình hình quốc tế dự báo sẽ còn diễn biến khó lường, chứa đựng nhiều rủi ro và phức tạp. Các quý còn lại của năm 2018 sẽ phải so sánh với một nền rất cao của năm 2017, nên kết quả sẽ chậm lại. Nếu muốn duy trì như mọi năm thì năm 2018 phải có yếu tố nổi trội. Quý I/2018 tiếp tục được đà tăng trưởng cao tiếp nối từ quý IV/2017 và so với nền thấp của quý I/2017 thì tăng trưởng quý I/2018 là rất ấn tượng. Đây là con số đáng mừng. Song, chúng ta phải chú ý đến các yếu tố.
Thứ nhất, là về tâm lý trước đà tăng trưởng cao thường dễ chủ quan và chùng xuống, ngay cả Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo tâm lý chủ quan. Thứ hai là tăng trưởng 2017 có đột biến, nhưng năm 2018 chưa nhìn thấy yếu tố này. Samsung và Formosa là hai yếu tố đột biến làm nên tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2017. Bước sang năm 2018, dù Formosa đã công bố kế hoạch khởi động lò cao số 2 và Samsung có chia sẻ về tốc độ tăng trưởng của công ty nhưng được biết tăng trưởng sẽ không đột biến như 2017. Chúng tôi đã tổ chức rà soát, đánh giá động lực tăng trưởng 2018, nhưng đến nay tuy có dự báo thấy nhưng dấu hiệu chưa rõ ràng. Đánh giá lại, chưa thể có đột biến cho tăng trưởng kinh tế như năm 2017. Và kết quả đạt được năm nay, nếu so sánh với năm 2017, thì tốc độ tăng trưởng những quý cuối năm có thể sẽ chùng xuống. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh, điều này là khách quan chứ không phải thể hiện nội lực nền kinh tế yếu đi. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan hoạch định chính sách, Bộ đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải rà soát lại các dự án lớn đang trong quá trình triển khai. Cái nào sắp hoàn thành thì phải đẩy nhanh tiến độ, đưa vào sản xuất để tạo thêm động lực cho nền kinh tế.
Ảnh ST. |
Ông có thể cho biết rõ hơn về chất lượng tăng trưởng?
Tôi cho rằng, nhận định chất lượng tăng trưởng hiện nay thấp là chưa công bằng. Thực tế, chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện. Điều này thể hiện qua 4 khía cạnh. Một là, chỉ số về tốc độ tăng trưởng GDP. Chất lượng tăng trưởng có cải thiện thể hiện trước hết ở chỉ số tốc độ tăng trưởng phải cao. Từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng bình quân đều trên 6%, đây là tốc độ khá của quốc gia đang phát triển. Để thu hẹp khoảng cách thì phải đạt khoảng 8%, nhưng với nền kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng 6% là tương đối cao. Hai là, chỉ số TFP đang tiến bộ dần, hiện đạt trên 40%. Tất nhiên, với đòi hỏi của nền kinh tế Việt Nam thì TFP phải tăng nhanh hơn nữa, phải được đầu tư nhiều hơn nữa, như đầu tư cho giáo dục, công nghệ… Thứ ba, năng suất lao động có cải thiện, dù so với yêu cầu thì chưa đạt. Thứ tư, chất lượng tăng trưởng phải gắn với công bằng xã hội và phát triển xã hội. Theo đó, thu nhập bình quân đã cải thiện, hiện ở mức 2.385 USD/người, gần gấp đôi so với năm 2010 và gấp 3 lần so với 2007. Tuy nhiên, so với đòi hỏi của nền kinh tế thì đóng góp TFP phải tăng nhanh hơn nữa, thu nhập bình quân còn xa so với các nước... Đặc biệt, trong những năm qua, nền tảng kinh tế ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo... Đánh giá chỉ số HDI (phát triển con người) năm 2017 của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam ở mức khá, lần đầu tiên vượt Philipines.
Theo ông, tăng trưởng kinh tế 2018 có thể đạt mục tiêu không và những vấn đề nào cần lưu ý trong tăng trưởng kinh tế 2018?
Năm 2018 được dự báo có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen nhưng thuận lợi nhiều hơn. Đây là điều đáng mừng. Cụ thể, các tổ chức như IMF, WB… đều có dự báo tốt về kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam. ADB còn dự báo GDP Việt Nam còn cao hơn của dự báo của Chính phủ, trong khi những năm trước đều có mức dự báo thấp hơn. Như vậy nhìn vào triển vọng như thế cho ta thêm tự tin, nhưng phải hết sức tỉnh táo vì khó khăn trước mắt đang còn.
Đơn cử, nguy cơ sức ép lạm phát là hiện hữu. Lạm phát năm 2018 dự báo chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới, giá dầu đang leo dần lên với nhiều dự báo rất khác nhau, có dự báo tới 70 USD/thùng. Tuy không biết giá dầu sẽ lên đến bao nhiêu nhưng giá dầu đang tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu cơ bản, trước hết là giá xăng dầu trong nước tăng tác động đến lạm phát. Bên cạnh đó, thách thức lạm phát đến từ các chính sách điều chỉnh giá sắp thực thi như tăng lương, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục... Lạm phát cao sẽ tác động tới nền tảng đang rất cần đó là kinh tế vĩ mô ổn định. Bên cạnh đó, còn nhiều thách thức như thách thức về thương mại, thị trường chứng khoán… Nền kinh tế Việt Nam đang giao lưu rất mở , thị trường chứng khoán Việt Nam vì thế ảnh hưởng lớn từ thị trường chứng khoán thế giới. Mỗi tác động thị trường thế giới sẽ ảnh hưởng ngay tới thị trường chứng khoán trong nước…
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, với những động lực đến từ nền tảng vĩ mô tương đối ổn định, những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, giảm chi phí kinh doanh,... được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của DN trong nước, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển và giúp đạt mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra.
Trân trọng cảm ơn ông!