Tiêu hủy hàng cấm, hàng giả, vi phạm pháp luật… trên địa bàn tỉnh Quảng Nam |
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Nam (BCĐ 389), các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, khó phát hiện; hàng hóa vi phạm khá đa dạng về chủng loại như quần áo may sẵn; thuốc lá điếu; điện thoại di động; linh - phụ kiện điện thoại di động, đồ chơi trẻ em; các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Đặc biệt, số vụ vận chuyển hàng cấm như roi điện, súng điện, kiếm, còng số 8… tăng cao.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương kiêm Phó trưởng BCĐ 389 - cho biết: 5 tháng đầu năm, các đơn vị thành viên BCĐ 389 đã phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm gần 1.100 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính 14,9 tỷ đồng. Cụ thể: Lực lượng Cảnh sát kinh tế phát hiện 113 vụ với 104 đối tượng, tổng trị giá tang vật trên 5,6 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 1,175 tỷ đồng. Lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý trên 460 vụ vi phạm, trong đó có 10 vụ vận chuyển mua bán hàng cấm, hàng lậu; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu nộp ngân sách nhà nước 1.787 triệu đồng. Lực lượng hải quan đã phát hiện và xử lý 23 vụ vi phạm hành chính, tăng 187,5% so với cùng kỳ năm 2015, tổng số tiền xử phạt 287,09 triệu đồng, vi phạm chủ yếu là trốn thuế, gian lận thuế. Cục Thuế tỉnh kiểm tra tại 157 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 29,598 tỷ đồng. Lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 284 vụ vi phạm về quản lý lâm sản, xử phạt vi phạm hành chính 81 vụ, với số tiền phạt là 1,256 tỷ đồng…
Đặc biệt, trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), BCĐ 389 Quảng Nam đã rất kiên quyết. Theo đó, thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5 tháng đầu năm đã phát hiện và xử lý 24 vụ gian lận thương mại, trong đó có 6 trường hợp cố tình bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ, xử phạt vi phạm hành chính 33 triệu đồng; 2 trường hợp kinh doanh thuốc thú y không có trong danh mục, xử phạt 17 triệu đồng; 9 trường hợp kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, hết hạn sử dụng; 3 trường hợp kinh doanh giống lúa không đảm bảo chất lượng, xử phạt 74,7 triệu đồng; phát hiện tại chợ Nam Phước (huyện Duy Xuyên) 400kg măng dương tính với chất Auramine O (vàng ô)...
Dù đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, song đánh giá chung về hoạt động 5 tháng đầu năm, BCĐ 389 Quảng Nam cho rằng, tình hình quản lý ATVSTP trên địa bàn còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo đó, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác kiểm nghiệm không có; kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia ATVSTP chưa được phân bổ cho ngành Công Thương. Đa số các địa phương tuyến huyện còn buông lỏng, cơ quan thường trực là ngành Y tế thực hiện nhiệm vụ đầu mối. Tình trạng kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng cấm, hàng lậu... xử lý nhiều nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với tình hình thực tế.
BCĐ 389 kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam ban hành cơ chế bảo vệ và khuyến khích tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, có chính sách đào tạo cán bộ chuyên nghiệp về thanh tra chuyên ngành; tham mưu xây dựng các đề án, đề tài về chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại… |