Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel. |
Tiếp tục là doanh nghiệp lớn nhất của ngành viễn thông
Năm 2023, thị phần viễn thông tăng thêm 1,64% và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với 56,5%. Các dịch vụ ngoài di động cũng giữ vị thế số 1 gồm cố định băng rộng (FTTH), với 43% thị phần; truyền hình trên đa nền tảng, với 8,6 triệu khách hàng, chiếm 31,2% thị phần.
Viettel tiếp tục là nhà mạng có chất lượng dịch vụ tốt nhất Việt Nam theo đánh giá của Umlaut và nằm trong top 40 nhà mạng có chất lượng tốt nhất thế giới. Dịch vụ 5G đã được triển khai thử nghiệm ~500 trạm tại 63 tỉnh/TP. Viettel cũng đã triển khai mạng di động 5G dùng riêng trong thực tế.
Viettel đã chuyển dịch thành công 5,8 triệu thuê bao 2G lên 4G đạt 109% kế hoạch, nâng tỷ trọng thuê bao 4G lên 80%; chuẩn hóa thông tin giai đoạn 2 cho 8,6 triệu thuê bao, đạt 100% kế hoạch; ứng dụng công nghệ AI để tối ưu hiệu quả chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác...
Trong năm, Viettel đã hoàn thành tốt chương trình thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money với xấp xỉ 5 triệu khách hàng sử dụng, trong đó 73% khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đúng định hướng đề ra.
Nhiều nền tảng số mới đi đầu trong xuất khẩu dịch vụ
Thị phần viễn thông của Viettel đã tăng thêm 1,64% và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu bền vững với 56,5%. |
Sau 2 năm ra mắt, TV360 đã đạt 10 triệu thuê bao sử dụng thường xuyên, lớn nhất thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam và đã bắt đầu mở rộng sang thị trường nước ngoài.
Hệ sinh thái tài chính số Viettel Money dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng tài chính trên Google Play và Apple Store tại Việt Nam với hơn 24 triệu người dùng, chiếm 32% thị phần ví điện tử, 60% thị phần tiền di động.
Ứng dụng công nghệ AI, Viettel cung cấp các sản phẩm mới: trợ lý ảo pháp luật, trợ lý ảo cho cán bộ công chức, dịch vụ xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip cho Bộ Công An, nền tảng phân tích dữ liệu ở 14 tỉnh trên cả nước. Trong năm, Viettel đã triển khai nhiều hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, góp phần phát triển hệ sinh thái dịch vụ Cloud lớn nhất cả nước.
Doanh thu nước ngoài của Viettel tăng trưởng 20,5%, duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới. Natcom xuất sắc vươn lên dẫn đầu tại Haiti, đưa Viettel giữ vị trí số 1 tại 6 thị trường nước ngoài (bao gồm: Natcom tại Haiti, Metfone tại Campuchia, Unitel tại Lào, Mytel tại Myamar, Telemor tại Đông timor, Lumitel tại Bunrudi).
Lĩnh vực an toàn thông tin do Viettel cung cấp dịch vụ đã mở rộng kinh doanh ra 4 thị trường quốc tế gồm Nhật Bản, Myanmar, Đông Timor và Hồng Kông.
Nền tảng tài chính số Viettel Digital Finance platform xuất khẩu ra 7 thị trường gồm: Mozambique (450%), Lào (244%), Haiti (232%), Đông Timor (139%), Burundi (91%). Hệ thống 5G dùng riêng (5G Private) hoàn chỉnh đã có hợp đồng xuất khẩu sang Ấn Độ, quốc gia công nghệ phát triển và có dân số đông nhất thế giới.
Cung cấp dịch vụ số toàn diện, nghiên cứu sản xuất chip
Viettel duy trì vị thế là nhà cung cấp hệ sinh thái số toàn diện nhất hiện nay với 6 lĩnh vực nền tảng: hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.
Các giải pháp, dịch vụ số của Viettel giữ thị phần số 1 trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chính quyền tỉnh. Trong đó, hệ sinh thái y tế số kết nối 30 triệu hồ sơ sức khỏe, các giải pháp giáo dục số phục vụ 4 triệu học sinh và trung tâm điều hành thông minh (IOC) có mặt tại 35 tỉnh thành.
Viettel vẫn là lực lượng nòng cốt đảm bảo an toàn, an ninh mạng với 58% thị phần SOC, khẳng định là nhà cung cấp dịch vụ ATTT số 1 tại Việt Nam. Đặc biệt, đội Viettel đạt ngôi vị vô địch tại Cuộc thi tấn công mạng lớn nhất thế giới Pwn2Own Toronto 2023.
Viettel đã hoàn thành nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G cả phần cứng và phần mềm, đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G. Viettel đã công bố nghiên cứu thành công Chip 5G DFE (là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, với khả năng tính toán lên tới 1.000 tỷ phép tính/giây), đánh dấu bước tiến đột phá trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Kết quả đo kiểm cho thấy, thiết bị 5G do Viettel sản xuất đáp ứng đầy đủ chỉ tiêu kỹ thuật tương đương với thiết bị của nhiều hãng cung cấp dịch vụ toàn cầu.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, khẳng định: “Những gì chúng ta đã cùng nhau đạt được trong năm 2023 đã tiếp thêm sức mạnh, nguồn cổ vũ lớn lao Viettel hướng tới những đỉnh cao mới trong năm 2024”.
Cũng theo Ông cho biết, năm 2024, Viettel đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn tăng 7,2%; tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài, tỷ lệ hoàn vốn đạt 84%; đảm bảo vùng phủ 4G tương đương 2G và chuyển dịch toàn bộ thuê bao 2G lên 4G trước tháng 9/2024; duy trì vị thế số 1 về thị phần data center và cloud; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ ATTT ra quốc tế...
"Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, nhưng Tập đoàn Viettel đạt tăng trưởng 5,4% và viễn thông nước ngoài tăng trưởng 20,5% là mức cao. Viettel đã rất thành công trong lĩnh vực viễn thông và nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao. “Viettel sẽ phải trở thành một tập đoàn toàn cầu về công nghệ số, tham gia tích cực vào chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Viettel hãy tạo ra những công nghệ, nền tảng để người khác dựa trên đó mà sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho xã hội”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông. |