Để khởi nghiệp thành công, ngoài vốn, thanh niên còn phải am hiểu thị trường. |
Toàn huyện Thới Bình hiện có hơn 3.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), nhưng có gần một nửa trong số đó phải "ly hương tìm việc”.
Thiếu hành trang
Anh Dương Tuấn Anh, Phó bí thư Huyện đoàn Thới Bình phân trần, khởi nghiệp nghe dễ, nhưng không dễ. Để khởi nghiệp thành công ngoài vốn còn cần có bản lĩnh, phải gạt bỏ tư tưởng “làm tới đâu tính tới đó” và nhiều yếu tố khác.
Ở huyện, để khởi nghiệp, hầu hết đều dựa vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nhưng là làm chung với gia đình, hoặc được gia đình hỗ trợ, tuy nhiên, số đó không nhiều. Riêng với các bạn điều kiện khó khăn, không tư liệu sản xuất thì cái khó nhất là tiếp cận nguồn vốn, nếu có thì chỉ từ 5-10 triệu đồng do tổ chức Đoàn hỗ trợ.
“Tuy là thị trấn, nhưng chỉ có Khóm 1 và Khóm 8 là thanh niên có điều kiện kinh doanh nhỏ, chủ yếu là phụ gia đình, chứ ở cái tuổi 16-30 chưa thể làm chủ. Còn lại là vùng ven, kinh tế gia đình cũng ruộng và vuông, mà họ đi làm ăn xa hết rồi. Có mỗi câu lạc bộ trồng trọt ở Khóm 3 được thành lập hồi năm 2016 với 10 thành viên thì nay con số vơi đi một nửa, nửa còn lại cũng đi Bình Dương”, anh Đinh Chí Hiển, Bí thư Đoàn uỷ thị trấn Thới Bình, tâm tình.
Anh cho biết, nhắc đến khởi nghiệp, thanh niên e dè, tâm lý sợ thất bại. “Khó trách, bởi, họ thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất và sự am hiểu về thị trường tiêu thụ cũng như quy luật của thị trường trong quá trình phát triển các mô hình”, anh Hiển phân tích.
Thực tế tại huyện Thới Bình, thời thịnh của cá bống tượng, cá chình, thanh niên góp vốn xoay vòng nhân rộng thì được mùa lại rớt giá. Không lâu sau có thêm mô hình nuôi cá sấu, thanh niên cùng nhau nuôi, lại gặp cảnh rớt giá. Rồi thì nuôi heo, nuôi gia cầm, cũng không thoát cảnh giá rớt, dịch bệnh hoành hành. Chưa kể, các mô hình hợp tác xã thanh niên không lợi nhuận cũng dần đóng cửa.
Ngán ngẫm vì thất bại, lại ngại đứng lên nên nhiều thanh niên quẩy túi ra đi. Ở cảnh ngộ này, anh Lê Trường An, Ấp 2, xã Thới Bình, bộc bạch: “Còn trẻ thiệt, thử thách không ngại, nhưng đồng vốn không có mà nuôi trồng, sản xuất cứ lệ thuộc thời giá thì sao khá hơn, trong khi tôi còn phải lo cho vợ con, chăm sóc cha mẹ già. Vì thế tôi đi Bình Dương làm, một tháng tằn tiện cũng được 3-4 triệu đồng gửi về. Không ai muốn xa quê, vì hoàn cảnh cả thôi”.
Cần tạo môi trường để thanh niên khởi nghiệp
Thời gian qua, có nhiều diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên, giữa doanh nghiệp với thanh niên và câu chuyện khởi nghiệp luôn là tâm điểm, thu hút sự quan tâm của đông đảo ĐVTN từ cấp xã đến tỉnh. Những vấn đề về vốn, cơ chế, chính sách cho thanh niên nông thôn phần nào được giải đáp, trợ lực, song, vẫn còn rất nhiều khó khăn cho thanh niên khởi nghiệp.
Đơn cử như việc dạy nghề và giải quyết việc làm. Thời gian dạy ngắn hạn, từ 1-3 tháng. Khó ở chỗ, thanh niên được đào tạo cơ bản, cũng được cấp chứng chỉ, nhưng cái chứng chỉ này được chấp nhận ở một số ít doanh nghiệp trong tỉnh (vì doanh nghiệp cần bằng cấp hay chứng chỉ nghề chuyên nghiệp), hoặc nếu mang chứng chỉ được cấp làm ngoài tỉnh thanh niên sẽ bị từ chối thẳng thừng.
Còn nếu được học, tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt thì trong trường hợp thiếu vốn hoặc vốn không đảm bảo, thì những mô hình kinh tế đó chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất nhỏ, lấy công làm lời, lấy ngắn nuôi dài.
Anh Dương Tuấn Anh đề xuất, để tạo cơ hội cho thanh niên khởi nghiệp, cần tạo cơ sở sản xuất, kinh doanh để thu hút lực lượng thanh niên đã được đào tạo nghề vào làm; hoặc cấp tỉnh mở lớp dạy nghề nâng cao dành cho thanh niên nông thôn đã được đào tạo cơ bản để tạo điều kiện cho các bạn có được việc làm ổn định với thu nhập khá. Đặc biệt, hỗ trợ thanh niên xây dựng mô hình khởi nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, gắn với dự báo thị trường đầu ra sản phẩm. “Đây cũng là hình thức đoàn kết, tập hợp thanh niên tham gia tổ chức Đoàn, Hội. Bởi nếu tham gia không có quyền lợi thì khó tránh khỏi thanh niên không tha thiết tham gia hoạt động, phong trào của Đoàn - Hội”, anh Tuấn Anh nhận định.
Theo Hướng dẫn số 75-HD/TWĐTN-TNNT ngày 24/2/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc thực hiện cho vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm nguồn vốn kênh Trung ương Đoàn, các cơ sở sản xuất kinh doanh do đoàn viên, hội viên, thanh niên làm chủ được vay vốn với mức vay tối đa không quá 1 tỷ đồng (thay cho 500 triệu đồng trước đây) đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và không quá 50 triệu đồng (thay cho 20 triệu đồng) đối với một lao động được tạo việc làm mới. |
Băng Thanh