- ''Không để xảy ra sự cố môi trường đáng tiếc như Formosa đồng thời nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường...”- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết của Bộ TN&MT sáng nay.
Theo Phó Thủ tướng, trong công tác bảo vệ môi trường, phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải ra môi trường. Không để xảy ra sự cố môi trường đáng tiếc như Formosa....
"Việc đánh giá phải thực chất, phải có công cụ, có hỗ trợ từ các chuyên gia và phải làm trách nhiệm”- Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Đối với lĩnh vực đất đai, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là lĩnh vực rất quan trọng, phải tập trung quản lý và quản lý hiệu quả. Đặc biệt, bộ cùng các địa phương cần phối hợp giải quyết hiệu quả các vụ khiếu kiện, tố cáo liên quan đến đất đai, nhất là những vụ khiếu kiện tố cáo đông người....
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT cần hoàn thiện về thể chế - đây là nhiệm vụ số 1 để tạo ra những đột phá chiến lược.
''Lĩnh vực tài nguyên nước đang đối mặt với những vấn đề cấp bách. Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn nước do các nguyên nhân ô nhiễm môi trường do sản xuất, các nguồn xả thải gây ô nhiễm; do ảnh hưởng nước biển dâng, nước ngọt bị nhiễm mặn” - Phó Thủ tướng lưu ý.
Môi trường sống đang phải chịu nhiều áp lực
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhìn nhận, một trong những yêu cầu lớn đặt ra cho ngành là bảo vệ, sử dụng hiệu quả, phát huy tốt tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà |
Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung hoàn thành việc điều tra, quy hoạch tài nguyên nước; điều phối, giám sát, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành, liên địa phương trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực.
Đặc biệt, phải giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện bằng công nghệ tự động, trực tuyến. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vận hành giảm lũ cho hạ du, điều tiết nước trong mùa cạn...
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ trưởng cho biết, chất lượng môi trường sống đang phải chịu những áp lực không nhỏ do tác động tích lũy từ nhiều năm qua. Do đó, cần những cơ chế đột phá trong sửa đổi Luật bảo vệ môi trường nhằm huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường.
6 vấn đề nổi cộm 1. Một số chính sách, pháp luật về TN&MT chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thực tế, chưa có đột phá lớn để thúc đẩy giải phóng các nguồn lực khác như lao động, khoa học và các nguồn vốn cho phát triển. 2. Nhiều vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp. Hiệu quả sử dụng đất còn thấp so với các nước trong khu vực, quản lý đất công ích, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn hạn chế, để lấn chiếm, tranh chấp. 3. An ninh nguồn nước đang là vấn đề hết sức quan trọng tuy nhiên việc điều tra cơ bản tài nguyên nước toàn quốc, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông còn chậm. Vấn đề bảo vệ tài nguyên nước chưa được chú trọng đúng mức. Tình trạng khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép còn xảy ra ở một số nơi. 4. Ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài, trong khi công tác huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường chưa được triển khai thực hiện hiệu quả. Rác thải chưa trở thành tài nguyên, công nghiệp xử lý rác thải chưa phát triển. 5. Tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều, diễn biến khó lường trong khi mạng lưới cơ sở quan trắc, dự báo chưa hợp lý, trang thiết bị vẫn còn lạc hậu dẫn đến chất lượng dự báo xa, dự báo chính xác trong phạm vi hẹp còn hạn chế. Ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế, hoạt động điều phối các nguồn lực chưa hiệu quả. 6. Tài nguyên biển chưa được điều tra, khai thác, sử dụng hiệu quả và đóng góp tương xứng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. |
Công ty Formosa và công ty Môi trường đô thị TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị xử phạt hơn 1 tỷ đồng về hành vi chôn chất thải độc hại.