Đợt bổ nhiệm này có 24 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền và 10 Tổng lãnh sự. Tại buổi gặp gỡ, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, các cơ quan này cũng là kênh thông tin hữu ích để phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước.
Theo ông Vũ Quang Minh, Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao, vừa được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Cam-pu-chia, các trưởng cơ quan đại diện lần này được bổ nhiệm trải đều ở hầu hết các khu vực, gồm cả ở các nước lớn và nước nhỏ, các thị trường truyền thống cũng như những thị trường có tiềm năng.
Ông Minh nhấn mạnh các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không chỉ có nhiệm vụ đối ngoại, ngoại giao văn hóa mà mục tiêu kết nối giao thương phát triển kinh tế cũng rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững, cũng như giúp các doanh nghiệp Việt Nam khai phá thị trường mới.
Ông Minh cũng cảnh báo tình trạng lừa đảo trên mạng ở những thị trường phát triển hiện nay khá phức tạp. Do đó, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài cần thông tin đến doanh nghiệp, bởi nếu không cảnh báo kịp thời doanh nghiệp có thể thiệt hại hàng triệu USD do các hành vì lừa đảo này.
Tại buổi gặp gỡ, về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings (đơn vị chuyên phát triển các khu công nghiệp) cho rằng, bên cạnh việc đưa các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài thì thu hút doanh nghiệp FDI cũng rất quan trọng. Trong tỷ trọng đóng góp cho GDP của Việt Nam, khối FDI có đóng góp rất lớn kể cả về đầu tư lẫn thu hút ngoại tệ.
Do đó, bà Hường cho rằng để làm việc này, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa VCCI, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp. Mặt khác, theo bà Hường, mặc dù hằng năm các địa phương hay VCCI đều tổ chức rất nhiều cuộc xúc tiến đầu tư nhưng rõ ràng hiệu quả của các cuộc xúc tiến đầu tư là điều cần phải xem lại, vì hiệu quả chưa thực sự lớn.
Bà Hường cũng mong muốn, các đại sứ Việt Nam định kỳ 6 tháng hoặc một năm có thể tổ chức gặp gỡ xúc tiến đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam ngay tại thị trường bản xứ, như vậy vừa đưa doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài vừa thu hút được doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam.
Còn theo ông Lại Đức Nhuận, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn và phát triển phần mềm Larion (đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm), thông qua buổi gặp gỡ, doanh nghiệp mong muốn đặt hàng với các đại sứ với kỳ vọng tăng năng lực của Việt Nam trên thị trường trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm sang các nước.
Theo ông Nhuận, năm 2016 Việt Nam được đánh giá là 1 trong 6 điểm đến về xuất khẩu phần mềm của châu Á, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 thành phố hàng đầu ở Việt Nam về phát triển phần mềm. Điều này, chứng minh năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm là khá lớn, nếu không có lĩnh vực phần mềm thì các lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao của Việt Nam cũng khó bắt kịp được các giải pháp tiên tiến.
Ông Nhuận cho rằng, nếu quảng bá tốt thì Việt Nam có thể xuất khẩu phần mềm ra nước ngoài bởi vì các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng để đáp ứng được trong lĩnh vực này./.
Tin và ảnh: Mai Đan