Mới đây, trong cuộc livestream (phát trực tiếp) cùng bạn trai, một cô gái trẻ phát ngôn "thà làm đồ chơi của đàn ông mà được chăm sóc, cưng chiều, yêu thương, còn hơn các chị, các mẹ tự hào là "cuộc đời của đàn ông" mà khổ sở, chịu đựng, vất vả lam lũ chẳng khác nào ô sin".
Phát ngôn được xem là đáp trả của cô gái khi có nhiều ý kiến không đồng tình lựa chọn lối sống dựa dẫm, phụ thuộc bạn trai của cô.
Phát ngôn "xóc óc" này làm nổ ra những tranh luận. Không ít những bình luận chê cười cô gái tự nhận "làm đồ chơi của đàn ông" vốn đã rất nhiều tai tiếng. Đi kèm đó là những phân tích về giá trị, sự tự lập, tự chủ, phẩm giá của người phụ nữ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người bày tỏ sự ngỡ ngàng, có chút trầm ngâm về ý kiến của cô gái.
Được yêu thương, cưng chiều suy cho cùng là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người, trong mọi mối quan hệ lành mạnh. Điều khiến nhiều phụ nữ chạnh lòng là lâu nay, dường như mọi người đều quen thấy, quen nghĩ làm vợ, làm mẹ là phải tất tả, phải hy sinh, khổ sở.
Đó là chuyện đương nhiên trong gia đình, trong mối quan hệ vợ chồng, hôn nhân. Nỗi khổ, sự lam lũ của người phụ nữ gần như là... mặc nhiên, bao đời đã thành nét đẹp, thành cảm hứng thi ca.
Tại chuyên đề về tư vấn hôn nhân gia đình tại TPHCM, một chuyên gia tâm lý thốt lên rằng, nhiều cô gái ngày nay không muốn lấy chồng, sinh con vì nhìn quanh thấy bà mình, mẹ mình, thấy cô hàng xóm của mình sao... toàn khổ là khổ.
Nhiều người phải gồng gánh cả gia đình, lo từ miếng ăn đến chuyện nhà cửa, chăm sóc chồng con, người già, trẻ nhỏ trong nhà. Không ít phụ nữ bước vào hôn nhân có khi quên luôn sở thích, ước mơ, dự định của mình. Vẫn phổ biến lắm cảnh trong nhà, người chồng ung dung hưởng thụ, vợ thì đầu tắt mặt tối.
Khoan nói đến việc không được bạn đời quan tâm, chia sẻ, chiều chuộng, nhiều phụ nữ còn sống trong cảnh bị bạo hành, ruồng rẫy nhưng vẫn chịu đựng, có khi chịu đựng cả đời.
Đức tính chịu thương chịu khó, chịu khổ, sống vì người khác từ bao đời được "choàng" lên nữ giới. Có chị em cả đời bị trói buộc bởi hai chữ "hy sinh" vì chồng, vì con.
Theo vị chuyên gia này, sống trong môi trường sẵn định kiến như vậy, thế hệ con trẻ dễ rơi vào hai xu hướng cực đoan, hoặc là "đồng hóa" theo tư tưởng chung hoặc sẽ bật lại, đạp lên những giá trị vốn được xã hội xây dựng.
Bởi vậy, nữ chuyên gia tâm lý không quá ngạc nhiên khi ngày nay, nhiều cô gái mang suy nghĩ phải dựa dẫm đàn ông, lấy chồng giàu, phải được cung phụng...
Phát ngôn "thẳng, thật, thô" của giới trẻ
Nhiều năm trước, dư luận cũng từng sục sôi, tranh cãi trước phát ngôn của nữ hoàng nội y Ngọc Trinh "yêu mà không tiền thì cạp đất mà ăn".
Hiện nay trên mạng xã hội không khó bắt gặp các phát ngôn, quan điểm sặc mùi vật chất, đầy tư tưởng thực dụng, hưởng thụ của giới trẻ, nhất là từ các bạn gái. Từ phát ngôn tới lựa chọn hành động này các cô gái bày tỏ công khai, lộ liễu, không che đậy.
Gần nhất được nhắc đến là những clip của một nữ youtuber quay clip chỉ cho các bạn gái cách kiếm tiền trên Tinder (một ứng dụng hẹn hò) bằng việc moi tiền từ đàn ông. Tiền mượn tạm rồi quên trả, tiền đi taxi, tiền hẹn hò, tiền đi trễ... những khoản moi được đó, cô thoải mái trang trải sinh hoạt, không phải đi làm.
Lập tức, cô gái bị rất nhiều người ném đá, lên án. Vậy nhưng, theo các nhà giáo dục, từ quan điểm, góc nhìn đó của người trẻ có rất nhiều điều đáng suy ngẫm. Phát ngôn, lối sống của thế hiện đó cho thấy những phản kháng, chủ trương đạp đổ những giá trị đạo đức xã hội được xây dựng trước đó.
Nhận xét về biểu hiện này, bà Trần Thu Hà, tác giả của nhiều cuốn sách dạy con cho rằng dường như người trẻ đang cố chống lại những khát vọng lâu nay về công việc, sự nghiệp, hôn nhân, con cái... Họ phản kháng, tung hê những giá trị mà ông bà cha mẹ coi trọng như lao động chăm chỉ, trung thực, kiên trì, bền bỉ, nỗ lực, liêm sỉ…
Bà Hà đặt câu hỏi, liệu có phải họ chán ghét và không thể hiểu được thế hệ trước với những khuôn phép sống cả đời? Có phải họ đã mệt mỏi khi nhìn thấy ba mẹ sống mòn qua những ngày nối ngày với nhiều trách nhiệm buộc chặt? Có phải tuổi thơ họ thường bị bỏ lại ở nhà, cô đơn khi bố mẹ phải mải miết đi làm? Có phải họ giận dữ với việc người lớn che đậy những góc khuất đời thường?...
Tương tự, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, một nhà giáo dục tại TPHCM cho biết, rất nhiều lần lướt mạng xã hội, bà bắt gặp những clip rất "thẳng, thật, thô" của người trẻ. Có những ngôn từ, hành động khiến bà thảng thốt, đỏ mặt.
Và cũng đôi lần, bà đã tự hỏi: "Hay những lệch pha quan điểm là do thế hệ mình đã quen với chuyện không dám sống chân thật cho chính mình?".
Từng một thời trẻ tuổi, bà cũng đã đôi lần thử "lật tung" những gì ông bà, cha mẹ ấn định cho mình. Tuy nhiên, theo bà Phương, không phải cứ đảo ngược tất cả những gì có trước thì gọi là cách mạng. Bà cảnh báo, cần cẩn thận với những trào lưu đội lốt một cuộc cách mạng về tư tưởng sống, mà thật ra là lạc đường, hoặc chỉ cố đi ngược đường cho thỏa cái tôi.
Theo bà Phương, ranh giới của chân thật và trơ trẽn rất mong manh. Có thể chê thế hệ trước nhưng không thể phủ định sạch trơn các giá trị. Ngược lại, những người đi trước cũng đừng phê phán thế hệ trẻ như thể mình vô can. Bọn trẻ ở thế hệ nào, gen nào thì cũng là sản phẩm của giáo dục, của gia đình, xã hội "nặn" ra.