【kết quả sivasspor】Ấp Cơi 6A có tỷ lệ hộ mắc ung thư cao bất thường

Báo Cà Mau(CMO) Ấp Cơi 6A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời hiện có 335 hộ dân với 1.442 nhân khẩu, hầu hết là những hộ từ các tỉnh như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang… về đây sinh cơ lập nghiệp từ những năm 1980 cho đến nay. Tỷ lệ hộ khá, giàu của ấp trên 70%. Bà con chủ yếu sản xuất lúa và trồng hoa màu. Thế nhưng, điều đáng chú ý là trong những năm gần đây trên địa bàn ấp xuất hiện nhiều trường hợp bị mắc căn bệnh ung thư quái ác, nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Qua thống kê, chu vi toàn ấp chỉ có vài km2nhưng đã có tới gần 30 trường hợp bị mắc chứng bệnh ung thư, trong số đó có 7 trường hợp đã tử vong.

Điển hình như trường hợp anh T.V.T, sinh năm 1976, bị mắc chứng ung thư vòm hầu từ năm 2009, được điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và hiện nay tình trạng bệnh của anh đã ở vào giai đoạn di căn (giai đoạn cuối), chỉ còn chăm sóc giảm nhẹ. Anh L.V.L, sinh năm 1962, bị ung thư phổi từ năm 2017 và tính đến thời điểm hiện nay đã 30 lần xạ trị và 2 lần hóa trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh. Hoặc như trường hợp chị Đ.K.C, sinh năm 2000, bị chứng ung thư não phải vừa hóa trị vừa kết hợp xạ trị rất nhiều lần…

Điều đáng quan ngại hơn, có nhiều trường hợp ở ấp Cơi 6A hiện nay, đôi khi một gia đình có cả chồng lẫn vợ, anh em ruột hoặc cả cha và con đều bị mắc ung thư. Như ông T.H.D, sinh năm 1947 và vợ là bà M.T.T, sinh năm 1948, cả hai mắc ung thư phổi và ung thư gan; ông T.V.M, sinh năm 1951 và con là anh N.V.T, sinh năm 1968, đều mắc ung thư phổi và đều tử vong cách nhau không đầy 3 tháng, kể từ khi phát hiện bệnh. Hay như trường hợp anh L bị chứng ung thư phổi và người em gái ruột là chị L.T.H cũng bị mắc ung thư và đang trong quá trình xạ trị.

Một đoạn tuyến đường thuộc ấp Cơi 6A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.

Có thể nói, đây là một hiện tượng hết sức bất thường và đáng báo động. Theo như ông Nguyễn Hoàng Chương, Trưởng ấp Cơi 6A, xã Khánh Bình Tây, cho biết: “Người dân của ấp chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, trồng hoa màu trên bờ ruộng, sân vườn. Mức thu nhập tương đối ổn định, nhiều hộ gia đình không những thoát nghèo mà còn khá giàu. Tuy nhiên, bù lại họ phải thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng trong thời gian dài… nên nguy cơ bị bệnh ung thư là rất lớn”.

Anh L bị bệnh ung thư phổi, mặc dù đã được phẫu thuật loại bỏ khối u nhưng hiện anh vẫn đang trong quá trình hóa trị. Anh cho biết: “Trước khi phát hiện bị bệnh ung thư, bình quân hằng năm tôi phải trực tiếp mang bình để phun hàng trăm lít thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và kể cả thuốc tăng trưởng, dưỡng hạt cho lúa, cho hoa màu… Cho đến bây giờ, mỗi khi nghe tới mùi thuốc khai hoang, tôi gần như không thể thở nổi”.

Ông Phạm Quốc Cường, nguyên Phó chủ tịch phụ trách khối kinh tế - nông nghiệp của UBND huyện Trần Văn Thời, thông tin: “Từ năm 1968-1969, đế quốc Mỹ nghi ngờ căn cứ cách mạng của ta đóng ở vùng này nên rải chất độc da cam diệt hết cây cỏ, rừng tràm khu vực này. Mãi sau giải phóng hàng chục năm, nhưng những loại cây trồng ở đây vẫn không thể phát triển được. Vì vậy, việc người dân sử dụng nước mặt để phục vụ cho sinh hoạt và thậm chí là mạch nước ngầm cũng có thể đã bị nhiễm chất độc, kết hợp với việc sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, lâu ngày có thể là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh chết người này”.

Thật vậy, chỉ một đoạn đường chưa đầy 1.500 m tính từ đầu ấp Cơi 5A đến Co Xáng nhưng đã có tới 9 trường hợp bị mắc ung thư. Qua khảo sát thực tế của chúng tôi tại ấp Cơi 6A, xã Khánh Bình Tây cho thấy, hầu như 100% hộ gia đình có người bị mắc căn bệnh ung thư thì đều có sử dụng thuốc khai hoang, thuốc trừ sâu để phục vụ cho việc trồng trọt trong suốt thời gian dài nhiều năm liền như trồng hoa màu, lúa tăng vụ, trồng cây ăn trái. Nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây, đa phần là từ giếng nước ngầm, nhưng nguồn nước để tưới tiêu cho cây trồng, hoa màu… phần lớn lại là từ nguồn nước mặt. Nguồn nước này rất có thể cũng đã bị nhiễm độc từ phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc khai hoang tích tụ trong nhiều năm, bị trôi rửa xuống trong quá trình người dân tưới tiêu cho cây trồng. Trong khi đó, nguồn thực phẩm, rau xanh chủ yếu là tại chỗ, do người dân tự sản xuất, nên nguy cơ tích tụ độc tố cũng rất khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, cho biết: “Toàn xã có 12 ấp, hầu hết đều có người mắc bệnh ung thư, nhưng cá biệt chỉ có ấp Cơi 6A là có tỷ lệ hộ mắc ung thư cao đến bất thường. Hiện nay chúng tôi vẫn chưa có cơ sở khoa học để kết luận chính xác nguyên nhân từ đâu. Trước mắt, địa phương vận động người dân nên chủ động đi tầm soát để sớm phát hiện và kịp thời điều trị nếu phát hiện bị bệnh ung thư, đồng thời tích cực hỗ trợ làm thủ tục để bà con được hưởng chế độ chất độc da cam theo quy định. Chúng tôi cũng kiến nghị, các đơn vị chuyên môn nên có một cuộc khảo sát đầy đủ về khoa học và đánh giá đúng thực trạng về tình hình căn bệnh ung thư hiện nay tại ấp Cơi 6A, sớm có biện pháp can thiệp, hỗ trợ để người không còn hoang mang và an tâm trong cuộc sống”./.

 

Phương Vũ