(CMO) Để ngăn ngừa mầm bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát sinh, lây lan trong cộng đồng, trạm y tế các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cái Nước tăng bán kính xử lý ổ dịch từ 200 m2 lên 400 m2 và xử lý triệt để lăng quăng nằm trong bán kính ổ dịch.
Bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm diễn biến theo chu kỳ và sau 5 năm bệnh có thể bùng phát trở lại, làm cho số ca mắc bệnh SXH tăng đột biến.
Bác sĩ Lâm Chí Phương, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS và bệnh xã hội, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước, cho biết, năm 2010 được xem là năm của chu kỳ bệnh SXH, số ca mắc bệnh trên địa bàn huyện hơn 1.000 ca, 2 trường hợp tử vong.
Mỗi ổ dịch phun hoá chất 2 lần, cách nhau 1 tuần. |
Đến năm 2015, đúng chu kỳ, số ca mắc bệnh tuy có giảm hơn so với năm 2010 nhưng vẫn ở mức cao, với hơn 600 trường hợp mắc bệnh, 1 trường hợp tử vong. Vì thế, năm 2020 được nhận định là năm của chu kỳ bệnh SXH, ngành y tế huyện Cái Nước chủ động phòng, chống bằng nhiều biện pháp, trọng tâm là đẩy mạnh tuyền thông giáo dục sức khoẻ, kết hợp thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng. Đồng thời, đổi mới hình thức xử lý ổ dịch.
Trung tâm Y tế huyện Cái Nước khuyến cáo các trạm y tế xử lý ổ dịch theo hình thức bao vây, mở rộng bán kính phun hoá chất diệt muỗi lên 400 m2, tiếp tục phun xịt hoá chất lần 2 diệt phát sinh mới.
Việc mở rộng bán kính phun hoá chất diệt muỗi và xử lý triệt để lăng quăng hộ gia đình khu vực ổ dịch hết sức ý nghĩa. Bác sĩ Lâm Chí Phương lý giải: "Khi bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh SXH, tại hộ gia đình bệnh nhân được xem là ổ dịch nhỏ. Thời gian này khả năng muỗi truyền di cư không xa, trong phạm vi bán kính khoảng 200 m2, trừ trường hợp thời tiết gió lớn có thể cuốn trôi muỗi đi xa hơn. Vì thế, việc mở rộng bán kính phun hoá chất diệt muỗi lên 400 m2 phòng ngừa một số trường hợp cá biệt muỗi có khả năng di cư với bán kính xa hơn, đảm bảo hiệu quả phun hoá chất diệt muỗi. Xử lý lăng quăng triệt để hộ gia đình trong khu vực ổ dịch càng ý nghĩa hơn, ngăn ngừa lăng quăng hoàn thành vòng đời và lột xác chuyển sang giai đoạn muỗi trưởng thành, có thể lây truyền mầm bệnh đối với những người khoẻ mạnh, nên diệt lăng quăng triệt để đồng nghĩa ngăn ngừa muỗi phát sinh".
Bác sĩ Vũ Như Nam, Trưởng trạm Y tế xã Tân Hưng Đông, cho biết, việc tăng bán kính xử lý ổ dịch hết sức vất vả đối nhân viên y tế, nhưng bù lại mầm bệnh trong cộng đồng được xử lý triệt để, thuận lợi cho công tác phòng, chống bệnh trong cộng đồng. Vào tháng 6, địa bàn xã Tân Hưng Đông ghi nhận 20 trường hợp mắc bệnh SXH và hơn 15 ổ dịch nhỏ, nhờ áp dụng đồng bộ quy trình xử lý ổ dịch theo hướng bao vây, khống chế mầm bệnh, sau nhiều tháng chỉ phát sinh mới 11 trường hợp mắc bệnh. Hiện tình hình bệnh SXH trên địa bàn xã đang tạm lắng, qua nhiều ngày không phát sinh ổ dịch.
Tuy hiện nay tình hình bệnh SXH đang được kiểm soát tốt, nhưng ngành y tế huyện Cái Nước tiếp tục duy trì công tác phòng chống, không chủ quan, lơ là và giám sát chặt chẽ, xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh. Quyết tâm không để bệnh SXH phát sinh, lây lan trong thời gian còn lại của năm 2020, góp phần bảo vệ sức khoẻ Nhân dân trên địa bàn./.
Huỳnh Việt