Mở đường biển mới đi qua Biển Đông, Nga-Ấn cạnh tranh với Trung Quốc? | |
Xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim sang Ấn Độ tăng 117% | |
Bảo hộ |
Doanh nghiệp hương nhang kêu khó tại cuộc họp với các cơ quan nhà nước. Ảnh: H.Dịu |
DN sẽ bị triệt tiêu
Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có hơn 100 DN sản xuất và xuất khẩu hương nhang, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 khoảng 76 triệu USD/năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 70-100 triệu USD/năm. Thị trường xuất khẩu chính của hương nhang Việt Nam là Ấn Độ, sản phẩm của các DN Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô.
Tuy nhiên, ngày 31/8/2019, Bộ Công Thương Ấn Độ ra thông báo thay đổi chế độ nhập khẩu đối với các sản phẩm hương nhang từ nhập khẩu thông thường sang nhập khẩu hạn chế. Theo đó, việc nhập khẩu phải xin phép và được một Ủy ban liên Bộ xem xét cấp phép theo từng lô hàng. Thông báo này có hiệu lực ngay từ ngày ký, không kèm theo quy định nào về các tiêu chí, điều kiện cấp phép.
Theo các DN, 90% giá trị nhập khẩu sản phẩm hương nhang thô của Ấn Độ là từ Việt Nam, nên Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và gần như duy nhất từ biện pháp này của Ấn Độ.
Ông Phan Thành Luân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Liêm Thành (TP.HCM) cho biết, trước thời điểm Ấn Độ ra các quy định mới, các DN xuất khẩu trung bình khoảng 10.800 tấn hàng, trị giá khoảng 7,5 triệu USD sang Ấn Độ mỗi tháng. Thậm chí, các DN còn đẩy mạnh sản xuất hàng nhiều hơn do tháng 10 là mùa lễ hội lớn nhất trong năm của Ấn Độ nên nhu cầu như những năm trước sẽ nhiều hơn.
Tuy nhiên, trước quy định hạn chế nhập khẩu của quốc gia này, ông Luân cho hay, các DN đang tồn kho 10.000 tấn hàng thành phẩm, trị giá khoảng 5,6 triệu USD và khoảng 30.000 tấn nguyên liệu, trị giá xấp xỉ 17,4 triệu USD.
Bên cạnh những thiệt hại trên, các DN còn bày tỏ bức xúc bởi việc này còn gây ảnh hưởng lớn tới lực lượng lao động và nhiều ngành nghề liên quan khác.
Theo ông Nguyễn Xuân Hợp, Công ty TNHH thiết bị Trường Giang, sản phẩm hương nhang xuất khẩu sang Ấn Độ mang những đặc thù rất riêng biệt, không giống bất kỳ loại hương tiêu thụ nội địa hay ở các thị trường khác. Vì thế, nếu Ấn Độ dừng nhập khẩu thì các DN sẽ chịu thiệt hại hoàn toàn, không thể sử dụng cho các lĩnh vực kinh doanh khác.
Đồng quan điểm, bà Chu Thị Nguyệt, Công ty TNHH Ánh Hồng cho hay, DN sản xuất, xuất khẩu hương nhang hơn 10 năm nay nhưng chưa từng gặp trường hợp nào như hiện nay. Hiện DN có khoảng 1.000 lao động, đã đầu tư 800 chiếc máy làm hương, mỗi chiếc trị giá 16 triệu đồng. Thậm chí, do làm ăn ổn định nên DN còn mạnh dạn đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, nên hiện tồn kho đã lên tới 20 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các DN ngành này còn cho biết, nguồn vốn sản xuất đa phần là đi vay, nên nếu khó khăn không được giải quyết trong 1 tháng tới thì DN sẽ bị triệt tiêu hết. Chưa kể, hầu hết các DN đều ở các vùng nông thôn, do tính chất công việc đơn giản nên sử dụng lao động yếu thế là những người tàn tật, người trung tuổi từ 40-60 tuổi… Nếu DN dừng hoạt động thì những thành phần lao động này cũng khó có thể tìm được công việc thay thế.
“Không chỉ các DN Việt Nam, các nhà nhập khẩu Ấn Độ cũng đang “kêu trời” vì quy định này khiến họ không có hàng để cung ứng ra thị trường, phải mua nguyên liệu giá đắt trong nước để sản xuất, nhất là khi mùa cao điểm đang đến gần. Tuy nhiên, cũng như Việt Nam, các DN này đã kiến nghị lên Chính phủ Ấn Độ nhưng cũng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng”, đại diện Công ty Hà Chiều cho biết.
Sẽ làm quyết liệt
Trước những khó khăn của DN hương nhang Việt Nam, ngày 16/9, tại cuộc họp tìm kiếm giải pháp ứng phó trước quy định hạn chế nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ do Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) tổ chức, đại diện một số cơ quan chức năng Việt Nam đã lên tiếng khẳng định sẽ quyết liệt hỗ trợ DN Việt Nam tháo gỡ khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập phân tích, quy định mới của Ấn Độ hoàn toàn chưa có căn cứ, cả trong các quy định của WTO và Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Ấn Độ (AIFTA). Vì thế, hệ quả của việc này là nếu không cẩn thận, biện pháp hạn chế sẽ là cái cớ để cấm nhập khẩu hoàn toàn hương nhang của Việt Nam.
Theo bà Trang, Ấn Độ đã từng bị kiện 8/48 vụ kiện tại WTO, 2 vụ mới chỉ tham vấn đã dừng lại, 6 vụ tự hòa giải. “Có cảm giác như Ấn Độ cứ ban hành các biện pháp, nếu phản đối thì họ sẽ thỏa thuận để dừng lại. Nên đây là dấu hiệu để chúng ta có niềm tin để các cơ quan nhà nước trao đổi làm việc với phía Chính phủ Ấn Độ”, bà Trang nhấn mạnh.
Cũng lên tiếng về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, nếu so với tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước thì mặt hàng hương nhang là rất nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa lớn khi đây là những DN ở nông thôn, nguyên liệu đơn giản, thậm chí là phế phẩm của ngành khác nhưng đem lại giá trị cao. Vì thế, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng khác làm việc với phía Ấn Độ, phương châm là quyết liệt để phía bạn hiểu rằng, Việt Nam không chấp nhận cách hành xử như vậy dù là mặt hàng nhỏ.
Hiện Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có công thư gửi Bộ Công Thương Ấn Độ, trong đó đề nghị tất cả hợp đồng đã ký trước 31/8 phải được tiếp tục thông quan, tạm ngưng yêu cầu cấp phép đến sau tháng 10/2019 để có thời gian trì hoãn cho DN 2 nước xử lý, nhưng vẫn mong muốn phía Ấn Độ xem xét bãi bỏ quy định này.
Cùng với những biện pháp từ cơ quan nhà nước, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các DN hương nhang cũng phải tự “lớn” hơn, phải hiểu rằng kinh doanh quốc tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có thể gặp các biện pháp bảo hộ bất cứ lúc nào nên phải chuẩn bị các phương án dự phòng, đối phó. Đặc biệt, ông Hải khuyến nghị các DN hương nhang nên bắt tay thành lập hiệp hội ngành nghề với sự tham gia của các DN, hộ sản xuất nhằm tạo thành cầu nối chia sẻ thông tin, tập hợp thành tiếng nói, sức mạnh lớn hơn.