Ảnh chụp năm 1936 khi sân Bảo Long mới khánh thành. Ảnh: Tư liệu
SEPH & SEPH “em”
Theộtthờichảolửatựnhận định bóng đá monacoo trí nhớ của ông Trương Đình Châu (một cựu cầu thủ thế hệ đầu tiên của bóng đá Huế - đã mất đầu năm 2017), Huế vào những năm 30 - 40 của thế kỷ trước có trên dưới 20 đội bóng. “Hàng năm ở Huế đều tổ chức các giải “bóng đá chân đất” dành cho các đội bóng phong trào như: Bạch Đằng, Phú Hoà, Chim Én, An Định, Chim Sẻ Xanh... và đội bóng Bạch Đằng mà ông Trương Đình Châu thi đấu đã giành chức vô địch giải bóng đá chân đất của Huế năm 1941...
Trong khi đó, đội bóng tên tuổi đầu tiên của bóng đá Huế được thành lập vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước được mang tên SEPH. Đây là đội bóng tập hợp những cầu thủ giỏi nhất của Huế lúc đó để tham dự giải bóng đá Trung kỳ”, ông Châu kể.
Hồi đó, đội SEPH mỗi năm tham dự giải bóng đá Trung kỳ một lần vào khoảng tháng 7, tháng 8 gặp các đội Tourane (Đà Nẵng), đội Vinh, đội Faifo (Hội An), Quảng Ngãi, Bình Định... Giải bóng đá này chủ yếu thi đấu trên hai sân của Huế và Đà Nẵng. Đội về nhất giành quyền thi đấu giải bóng đá vô địch Đông Dương bao gồm các đội Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ và Cao Miên. Giải vô địch Đông Dương cũng thường chọn sân Bảo Long (sau đổi tên thành sân Tự Do) làm sân thi đấu và ông Châu đã chứng kiến không ít trận đấu ở giải đấu này...
Trận đấu mà ông nhớ nhất là trận đấu giữa hai đội Bắc kỳ và Cao Miên; trong một pha hãm thành, giày của một tiền đạo của đội Bắc kỳ va chạm mạnh vào đầu thủ môn đội Cao Miên khiến cho đầu thủ môn này chảy máu rất nhiều và phải lên xe đi cấp cứu; trên đường đi cấp cứu, xe cứu thương đã tông vào một chiếc xe ngược chiều ngay gần Nhà thương Huế (đường Ngô Quyền bây giờ) khiến thủ môn của Cao Miên tử vong tại chỗ...
Trở lại với chuyện của đội bóng Bạch Đằng, đội bóng mà ông Trương Đình Châu thi đấu. Sau khi vô địch “giải bóng đá chân đất” của Huế năm 1941, đội Bạch Đằng đã trở thành thế lực thứ hai của bóng đá Huế sau đội SEPH. Khác với SEPH tập hợp phần lớn cầu thủ đã vào độ chín, cầu thủ đội Bạch Đằng đa phần là những học sinh trung học của Huế. Đội gồm các cầu thủ Trương Đình Toàn, Hồ Văn Thiều, Trương Đình Châu ở Xuân Phú; Hiền, Nguyễn Đại Thản ở chợ Cống; Bảo Long (sau đổi thành Bảo Trị vì trùng tên với Hoàng tử Bảo Long), Nguyễn Văn Lâu, Mỳ ở Vỹ Dạ; Thạnh, Ba ở Phú Hoà; Trác, Chí ở Thành Nội... Đội Bạch Đằng còn có thủ môn là người lai Pháp có tên là Poignae và một tiền đạo người Pháp học sinh trường Quốc Học có tên là Bercier...
Sau khi trở thành đội bóng chân giày, đội Bạch Đằng được bảo trợ bởi bầu Đức và bầu Tấn Đạt. Nhiệm vụ của các ông bầu là lo trang phục thi đấu (may áo, đóng giày); riêng phần tất thì đội được Hội Phụ nữ lúc đó đan tất len để tặng. Sân tập của đội bóng Bạch Đằng là ở sân Toà Khâm (trước mặt Trường đại học Sư phạm Huế ngày nay); thỉnh thoảng các cầu thủ được bầu Đức bồi dưỡng cho một ly chanh đá. Tuy đã trở thành đội bóng chân giày nhưng Bạch Đằng vẫn thi đấu các giải chân đất mỗi năm. “Mỗi lần sang bên sân Đông Ba thi đấu, cả đội bóng đều qua đò ở bến Toà Khâm; đá xong lại xuống đò về nhà, thiệt là vui...”, ông Châu nhớ lại.
Đội bóng Bạch Đằng còn được người dân Huế gọi là đội SEPH “em” và hai đội bóng này đã từng gặp nhau trong những trận đấu giao hữu cũng như tham gia các giải bóng đá Trung kỳ mỗi năm và có thắng, có thua, có hòa. “Trận đấu đầu tiên giữa SEPH và Bạch Đằng là vào năm 1942. Trận đó tui đá góc trái bị Mệ Tương đá một cú cả bóng và chân vào ngực phải nằm sân 5 phút mới thi đấu lại được... Trận đó đội Bạch Đằng chơi rơ ngắn, SEPH chơi rơ dài. Chúng tôi dẫn trước 3-0, sau đó SEPH bắt đầu đá rắn nên chúng tôi chùng chân và họ gỡ 3-3...”, ông Châu kể với nụ cười móm mém.
Sự kiện bóng đá năm 1937
Ông Trương Đình Châu vẫn còn nhớ rành mạch đội hình của đội bóng đá SEPH - Huế theo sơ đồ chiến thuật WM, gồm: thủ môn Rớt (không phải thủ môn Rớt nổi tiếng sau này), thủ môn dự bị Mệ Hồ; hai trung vệ là Mệ Tương đội trưởng và Minh; hàng tiền vệ gồm: Điếm tiền vệ phải, Đông tiền vệ trái, Gà tiền vệ giữa; hàng tấn công gồm Tý đá góc trái, Ninh hộ công, Thuận hộ công, Bảo trung phong và Hiền “trâu” góc phải.
Nhưng sự kiện ông Châu nhớ nhất đó chính là trận đấu ngày 14/7/1937, nhân kỷ niệm Quốc khánh Pháp do chính quyền thuộc địa tổ chức. Trận đấu giữa 2 đội là Liên quân lính lê dương của hai sư đoàn 9 và 10 và đội SEPH, thuộc Hội thể dục Huế. Các danh thủ Huế trong đội hình SEPH tầm vóc nhỏ bé nhưng lại nhanh nhẹn, kỹ thuật khéo léo và là một tập thể mạnh, chơi bóng ăn ý. Đương nhiên là trình độ của một đội bóng nghiệp dư toàn lính lê dương và một ít quan lại, công chức Pháp khó có thể so đọ với các cầu thủ Việt.
To xác, vụng về nên các cầu thủ nghiệp dư Pháp đã bị đội SEPH chơi lấn lướt, ngay trong hiệp 1 họ đã 2 lần sút tung lưới đội bóng Pháp làm cho các quan “mẫu quốc” ngồi trên khán đài danh dự sân Bảo Long bực mình. Vào hiệp 2, một số cầu thủ Pháp trong đội liên quân giở thói côn đồ, đá bóng không được thì đuổi đánh, tìm mọi cách hạ nhục các cầu thủ Việt ngay trên sân. Cầm còi lại là một trọng tài người Pháp nên thiên vị ra mặt, mặc sức để các cầu thủ đá bậy. Mặc dù vậy, nhưng vào hiệp 2 các cầu thủ SEPH vừa đá bóng, vừa tránh đòn vẫn ghi được thêm 2 bàn thắng nữa làm nóng mặt các quan Tây.
Khi trận đấu còn chừng chục phút, tên quan ba Moro to cao như hộ pháp nhưng không biết đá bóng, bị các cầu thủ Huế qua mặt nhiều lần bực tức túm áo cầu thủ số 5 là Gà của đội SEPH giở trò hành hung. Các cầu thủ SEPH xông lại phản đối quyết liệt trong khi trọng tài lại làm ngơ. “Tức nước vỡ bờ”, khán giả sân Bảo Long nhất loạt hô hào, tràn xuống sân cỏ bênh vực cầu thủ đội SEPH và đuổi đánh cầu thủ Pháp cho hả giận. Do không lường trước được tình huống này, các cầu thủ lính lê dương đã bị cổ động viên giận dữ đuổi đánh phải tháo chạy hỗn loạn trên sân và cầu cứu khẩn cấp lính lê dương từ đồn Mang Cá lên giải vây.
Vĩ thanh
Đã bước qua tuổi 80, sân vận động Tự Do chính là “thánh địa” của những người yêu bóng đá Huế. Đó cũng là chứng nhân của gần một thế kỷ bóng đá Huế hình thành và phát triển với nhiều thế hệ cầu thủ tài năng, được nhiều người yêu mến; yêu mến tới mức từng có thời kỳ người Huế tự hào mà tếu táo với nhau rằng: “M.U tới đây Huế cũng chấp nửa trái…”.
THANH PHI