Đi hát từ năm 2000 nhưng phải đợi tới 24 năm sau ca sĩ Quỳnh Phạm mới làm album đầu tay. Với Rồi như đá ngây ngô (ra mắt ngày 15/12 tới), cô chọn 5 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Ướt mi, Tôi ru em ngủ, Cuối cùng cho một tình yêu, Hãy yêu nhau đi, Rồi như đá ngây ngô) hát theo phong cách Jazz lạ tai.
Không chạy theo bề nổi, Quỳnh Phạm thường đắt sô với các show diễn riêng tư cho những doanh nhân giàu nhất Việt Nam hay tiệc chiêu đãi nguyên thủ quốc gia, chính trị gia... Dịp này Quỳnh Phạm dành cho VietNamNet cuộc phỏng vấn riêng.
Đi hát 24 năm mới ra album đầu tay, dùng tiền mua nhà để làm đĩa
- Vì sao chị phải đợi tới hơn 2 thập kỷ mới quyết định ra album đầu tiên và lại chọn Jazz hóa nhạc Trịnh chứ không phải những bản nhạc ngoại nổi tiếng bắt tai?
Thời còn độc thân, tôi có quãng thời gian đi hát rất dài. Nhưng khi có gia đình, tôi quyết định làm công việc phía sau, tổ chức sự kiện. Nhạc Jazz có đặc thù là mọi người trong nghề dễ dàng biết nhau nhưng lại khó nổi tiếng ở bên ngoài bởi chủ yếu hát nhạc nước ngoài. Tôi cứ nghĩ mãi nên ra album gì cho sự nghiệp. Đầu tiên tôi định hát nhạc ngoại nhưng bản quyền là vấn đề lớn. Nếu người Việt mà chỉ hát nhạc nước ngoài thì không hay lắm nên tôi chuyển hướng.
Trước đây tôi từng hát nhạc Trịnh nhưng chưa có cảm nhận gì sâu sắc bởi còn quá trẻ. Đến tầm tuổi này và đủ trải nghiệm, tôi nhận ra nhạc Trịnh rất hay, có thể kết hợp với Jazz bởi ca từ đầy chất thơ và gần gũi, nhẹ nhàng. Thêm nữa, từ trước đến nay Jazz kết hợp với nhạc Trịnh gần như không có và chủ yếu chỉ là chơi nhạc cụ như saxophone, guitar chứ chưa có ai hát một cách chuyên nghiệp.
- Quá trình ra album này, chị nhận được sự hỗ trợ từ nhiều người, trong đó có gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Có ai hỗ trợ chị về tài chính không vì làm một album tử tế cần nhiều tiền?
Đó cũng là lý do cho đến bây giờ tôi mới ra được album vì không hề có tài trợ, tôi phải làm từ A đến Z. Chơi các dòng nhạc khác như Pop, Rock sẽ dễ kiếm tiền hơn nhưng với Jazz đa phần chỉ hát trong khách sạn hạng sang hay chương trình cho khách Tây, show riêng. Tôi phải làm một nghề khác là tổ chức show để tích lũy tiền bạc nhằm dồn tiền cho album này. Dù ra mắt muộn nhưng tôi cố gắng để có sản phẩm đánh dấu thành quả của một nghệ sĩ gắn bó lâu năm với Jazz.
Tôi nhờ mỗi người giúp một chút và tất cả đều hỗ trợ hết sức, động viên rất nhiều. Số tiền tiết kiệm để làm album đó có thể mua một cái nhà nhưng nếu như vậy mình không có sản phẩm gì về nghề. Điều đặc biệt nhất ở dự án này là nhiếp ảnh gia Dương Minh Long - người giữ bản quyền toàn bộ hình chụp cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - dù trước đó tôi không hề quen biết đã nhận lời làm 5 MV mà không lấy một xu nào. Điều đó khiến tôi xúc động.
Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng không lấy tiền tác quyền 5 ca khúc tôi sử dụng trong album bởi nhạc Trịnh theo phong cách Jazz cũng là thử nghiệm mới mẻ mà họ muốn ủng hộ.
Quy định đặc biệt khi hát riêng cho khách VIP
- Chị vừa nhắc đến các private show diễn trong tiệc chiêu đãi nguyên thủ hay các nhân vật quan trọng, giàu có, vậy với những show này chị phải đáp ứng yêu cầu gì?
Khi hát trong bữa tiệc của các VVIP, VIP, các chính trị gia, doanh nhân, doanh nghiệp lớn, ngoài chuyện ăn mặc thế nào thì từng hành động cũng phải chỉn chu. Nguyên tắc là không được đưa thông tin, hình ảnh về các show diễn đó ra bên ngoài khi chưa có sự cho phép. Những điều đó được quy định rất rõ trong hợp đồng biểu diễn. Hát cho khách VIP đương nhiên thù lao sẽ tốt hơn nhưng lại không được nổi tiếng về mặt hình ảnh theo cách thông thường vì hầu như tôi không được chia sẻ trên trang cá nhân hay truyền thông.
Chính vì thế, đĩa nhạc Jazz sắp ra mắt tới đây chính là thứ giúp công chúng biết đến tôi rộng rãi hơn cũng như thấy Jazz hóa ra không hề khó nghe.
- Chị có bao giờ tiếc hay thấy khó chịu khi tham gia diễn nhiều chương trình cho các nhân vật VVIP ở những địa điểm đặc biệt nhưng lại không được phép "khoe"?
Nhiều khi tôi có chụp ảnh ở địa điểm diễn nhưng không được nói ra là biểu diễn ở đâu, cho ai. Cũng có lúc hơi buồn nhưng đó là công việc mình lựa chọn. Nếu được chọn lại tôi vẫn cứ theo đuổi Jazz, bởi đó là nghề nuôi sống bản thân bao năm và tôi không có lý do đổi sang một lĩnh vực khác. Môi trường công việc này không hào nhoáng và bề nổi nhưng đổi lại tôi có được những điều quý giá hơn giúp mình học hỏi thêm về phông văn hóa, con người.
Lý do nhiều năm ngưng đi hát
- Đó là chuyện nghề, còn đời sống riêng tư của "Lady Jazz" Quỳnh Phạm khán giả hầu như "mù tịt", nó cũng bí ẩn như việc chị giấu kín các private show của mình?
Khi mới lấy chồng, tôi vẫn đi hát nhưng vì gia đình, tôi dừng lại một thời gian dài và 4-5 năm trở lại đây đều không đi diễn. Rồi nhận ra đã đến lúc mình phải tiếp tục công việc... Đó là lý do tôi nói rằng thực sự phải rất hiểu nghệ sĩ mới sống được bên cạnh họ lâu dài.
Quỳnh Phạmsinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc tại Thanh Hoá. Cô tốt nghiệp chuyên ngành Piano cổ điển và Keyboard Jazz tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi tốt nghiệp, cô phụ trách vị trí biên tập và sản xuất nội dung cho các công ty truyền thông trong nước.
Năm 2002, cô được trao huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật của Tổng cục Hậu Cần. Từ 2004- 2014, Quỳnh Phạm là giọng ca thường xuyên tại Bình Minh Jazz Club. Năm 2019, với mong muốn hỗ trợ các nghệ sĩ jazz trẻ, cô thành lập Hanoi Blues Note. Đến nay, Quỳnh Phạm đã hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc 24 năm.