Lắp ráp ô tô được áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn
Theo nội dung dự thảo, một loạt chính sách ưu tiên, hỗ trợ trên nhiều mặt sẽ được áp dụng trong thời gian tới dành cho các dự án sản xuất và tiêu dùng các dòng xe ưu tiên, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô và các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm hỗ trợ công nghiệp ô tô.
Các dòng xe ưu tiên bao gồm: xe tải nhỏ phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn; xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, nội đô; xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu và giá cả phù hợp với người tiêu dùng; các loại xe chuyên dùng như xe chở bê tông, xi téc, cứu hỏa, cứu thương, vệ sinh môi trường... và các loại xe đặc chủng phục vụ an ninh-quốc phòng; xe nông dụng nhỏ đa chức năng; các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp các dòng xe ưu tiên.
Cụ thể hơn, các dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô và dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp trong nước sẽ được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Các doanh nghiệp trong nước được khuyến khích tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất, xuất khẩu linh kiện, phụ tùng và xe nguyên chiếc bằng việc được hưởng chính sách tín dụng xuất khẩu theo quy định hiện hành.
Lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ được áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND không vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ.
Về các chính sách kích cầu thị trường, Bộ Công Thương đề xuất các doanh nghiệp sản xuất các dòng xe ưu tiên được hỗ trợ chi phí quảng cáo, xúc tiến thương mại theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Đặc biệt, người tiêu dùng, tổ chức cá nhân mua xe tải nhẹ đến 3 tấn, xe nông dụng nhỏ đa chức năng sẽ được hỗ trợ theo chính sách hiện hành về giảm tổn thất trong nông nghiệp (được vay tới 100% giá trị hàng hóa; hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% trong năm thứ 3...).
Siết chặt mua xe công từ nguồn nhập khẩu
Để hỗ trợ phát triển thị trường,Chính phủ sẽ siết chặt hơn việc mua xe công từ nguồn nhập khẩu. Cụ thể, hoạt động mua xe từ nguồn vốn Nhà nước hoặc nguồn tín dụng đầu tư phát triển có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước sẽ áp dụng theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước đối với các sản phẩm là xe sản xuất trong nước. Nếu mua xe bằng hình thức đấu thầu quốc tế hoặc nhập khẩu thì chi phí mua sắm sẽ không được tính là chi phí hợp lệ.
Cũng theo nội dung dự thảo, Chính phủ sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô; dự án sản xuất, lắp ráp ôtô tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu cao nhất (mức trần WTO) đối với các loại linh kiện, phụ tùng như động cơ, hộp số, cụm truyền động… để khuyến khích sản xuất trong nước.
Đối với các dự án sản xuất xe ưu tiên có sản lượng trên 50.000 chiếc/năm, dự án sản xuất động cơ, cụm truyền động…, Thủ tướng sẽ quyết định cơ chế ưu đãi cho từng dự án cụ thể…
Dự thảo của Bộ Công Thương cũng đưa ra các chính sách quản lý nhằm hạn chế nhập khẩu, khuyến khích sản xuất trong nước như: Tăng cường kiểm soát kê khai giá tính thuế đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và linh kiện nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu động cơ, xe ô tô, chống buôn lậu và gian lận thương mại; Áp dụng mức phí môi trường cao đối với xe có dung tích xi lanh trên 3.000 m3...
Giữa tháng 7-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký liên tiếp 2 quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Điều này thể hiện quyết tâm của Việt Nam muốn có ngành công nghiệp ô tô dù đã bị thất bại sau 10 năm thực hiện quy hoạch lần đầu tiên. |